Những ngôi nhà ở Gamcheon (Busan) xưa kia từng là nơi lánh nạn của các cư dân nghèo, nay được nhiều du khách ví như hòn đảo Santorini của Hàn Quốc bởi nổi bật với hai màu xanh trắng.

Làng văn hóa Gamcheon là điểm đến mà bất cứ du khách nào tới thành phố Busan đều muốn ghé thăm. Trong những năm 1950, Gamcheon được coi là khu ổ chuột bởi những người tị nạn nghèo khó trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đều đổ về đây. 

Họ dựng lên khoảng 800 ngôi nhà gỗ lụp xụp và trải dọc theo các sườn đồi. Sau chiến tranh, cuộc sống ở đây vẫn rất khó khăn, thiếu điện và nước. Nhiều người đã rời Gamcheon để đến khu vực sống tốt hơn nhưng cũng không ít người vẫn còn ở lại.

So với sự phát triển nhanh chóng của thành phố Busan, "khu ổ chuột" Gamcheon giống như một "đặc sản" hiếm có. Do đó, năm 2009, Bộ Du lịch Hàn Quốc triển khai dự án nghệ thuật để biến Gamcheon thành một điểm đến văn hóa và sáng tạo với sự tham gia của các nghệ sĩ.

Bước đến đầu làng, bạn sẽ ấn tượng ngay với ngôi nhà màu xanh sơn vẽ các công trình đặc trưng ở Gamcheon. Đây cũng là nơi du khách bắt đầu hành trình khám phá làng văn hóa theo tấm bản đồ Gamcheon lấy tại quầy thông tin.

Chỉ có một đường lớn quanh làng, nhưng bạn vẫn có thể bị lạc nếu rẽ sâu vào nhiều ngóc, ngách nhỏ. Tại mỗi ngã rẽ, bạn sẽ lại phát hiện ra những điều ngạc nhiên thú vị, như một bức tranh tường độc đáo hay điểm ngắm toàn bộ ngôi làng để thấy Gamcheon thực sự như "Santorini" với những dãy nhà màu xanh trắng trải dọc sườn đồi, nhìn ra biển.

Sự sáng tạo của các nghệ sĩ dành cho khu ổ chuột này còn nằm ở việc biến những món đồ rất bình thường trở nên sinh động, cuốn hút, giống như những chậu cảnh trong dáng dấp của một đoàn người đang đi. 

Mỗi một tác phẩm nghệ thuật được sơn vẽ trên các ngôi nhà đều mang một câu chuyện riêng.

Bên cạnh những ngôi nhà để ở, nhiều công trình ở đây được chuyển đổi sang phòng trưng bày nghệ thuật, nhà hàng, quầy lưu niệm, quán cà phê để phục vụ du khách tham quan.

Theo VnE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *