Tôi yêu hương vị cam của Jeju qua những viên kẹo được bày bán trong các quầy hàng dọc theo phố. Khi Jeju còn là hòn đảo nghèo chỉ có đá ong và gió biển, cây cam như nguồn dinh dưỡng quý giá nuôi dưỡng những con người nơi đây.

Khi nói về Jeju của xứ sở kim chi, du khách thường nghĩ về đá, gió, công viên và những người phụ nữ lặn biển đánh bắt theo cách truyền thống xa xưa, hay công viên tình yêu… nhưng trong tôi, Jeju là hòn đảo “nước” và “lửa”.

Hòn đảo của nước

Thác Cheonjiyeon nước trong veo từ độ cao 22m đổ xuống lòng hồ xanh biếc. Những giọt nước tung tóe phản chiếu ánh sáng mặt trời tạo thành chiếc màn bạc long lanh giữa màu xanh bất tận của rừng. Tôi và anh bạn người Hàn Chung Hee đứng ngắm một vài du khách lặn ngụp giữa dòng nước trong veo.

Trong tiếng Hàn, Cheonjiyeon có nghĩa là “nơi trời nối với đất”. Anh Chung Hee cho tôi biết, thác nước Cheonjiyeon là thác nước nhân tạo. Khi những hạt mưa mùa xuân lặng lẽ chảy qua những khu rừng già, chúng tích tụ lại trong lòng hồ nhân tạo bên trên ngọn núi. Những giọt nước âm thầm theo các ống dẫn tạo thành thác nước reo vang ngày đêm.

Thần Dol Hareubang – thần bảo vệ và mang lại sự giàu có cho hòn đảo

Hoa dại mọc theo lối đi khi mùa xuân về

 

Ngày xưa, nơi đây nông dân chân lấm tay bùn với một vụ lúa trong năm. Những ngôi nhà với mái lợp bằng rơm rạ, vách đất được làm phim trường cho bộ phim Dae Jang Geum như là hình ảnh sót lại về làng quê đặc trưng ngày đó. Cứ mỗi sớm mai, trên những rặng đá vôi ven biển, vẫn còn hình ảnh những người phụ nữ tảo tần lặn ngụp trong sóng nước để đánh bắt cá kiếm sống…

Trong khó khăn chồng chất, người Jeju vẫn luôn tin tưởng rằng hòn đảo là nơi xinh đẹp nhất trần gian và truyền thuyết thác nước Cheonjiyeon đã ra đời. Thác nước là nơi để bảy nàng tiên nơi thượng giới thường xuống tắm vào những đêm trăng rằm, là nơi để nối giữa trời và đất…

Tôi say sưa nghe Chung Hee kể chuyện giữa tiếng sóng biển vỗ về những bãi đá với những hình thù kỳ lạ đối diện với thác Cheonjiyeon. Giữa những lời thì thào, tiếng thác nước réo rắt tạo thành bản tình ca. Tôi thích gọi Jeju là hòn đảo của nước.

Hòn đảo của lửa

Theo ước tính, núi lửa Jeju được hình thành cách đây 20 triệu năm. Trong khoảng 5.000 năm ngủ yên, nham thạch phun trào tạo thành những hình dáng khác nhau: tảng đá đầu rồng Yongduam hay những cột đá Daepodong. Tôi lang thang đến tảng đá Yongduam mà theo anh Chung Hee, nó bộc lộ triết lý sâu sắc về cách sinh tồn và phát triển trong hoàn cảnh khốn khó, bĩ cực.

Qua lời Chung Hee, người Hàn hơi khác với người Trung Hoa, người Nhật hay người Việt trong việc xây dựng những câu chuyện huyền thoại liên quan đến rồng.

Đầu rồng Youngduam 5.000 năm thể hiện cái chết trong tức tưởi với miệng rồng há rộng: đau đớn, giận dữ và tuyệt vọng. Thân rồng có những nham thạch màu đỏ bầm hòa quyện trong màu đen tuyền của đá.

Với người Jeju, khi thiên nhiên đã tạo những điều không hay nơi đây, họ lại muốn vượt qua nỗi buồn đau, đẩy những cái khắc nghiệt đi xa. Vì một định mệnh nào đó của lửa, những mũi tên oan nghiệt khiến rồng chết đứng và viên ngọc rồng vẫn mãi mãi ở lại hòn đảo. Người Jeju luôn tin như thế.

Bên dưới thân rồng, những ngọn sóng vẫn liên tục đánh vào bờ tung bọt trắng xóa. Trong tôi, hòn đảo thơ mộng và xinh đẹp Jeju đâu có nước mà còn có cả lửa trên Thái Bình Dương xanh biếc.

Theo PNO
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *