Đôi đũa không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày mà còn ẩn chứa nhiều nét văn hóa đẹp của người Việt.

Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, lương thực chủ đạo là lúa gạo, lại có nguồn thủy hải sản dồi dào từ sông ngòi ao hồ và bờ biển dài. Bữa cơm của người Việt có hạt cơm dính dẻo, có sợi rau dài, có cá miếng nên người Việt dùng đũa chứ không dùng tay hay dao dĩa trong ăn uống.

Đôi đũa từ lâu đã trở thành vật dụng hết sức thân quen trong các bữa ăn của người Việt. Về cơ bản, đũa có hình dạng là những que thẳng, đôi đũa gồm hai que thẳng cùng chất liệu mà tạo thành. Đũa cũng có nhiều loại, ngoài đũa ăn thông thường, xưa các bà các mẹ thường dùng đũa cả, loại đũa to gồm 2 thanh dẹt mài trơn để ghế cơm. Khi ghế cũng nhẹ nhàng dùng chiếc này gạt vào chiếc kia cho rơi hết cơm ra chứ không gõ "cọc cọc" thô lỗ vào nồi. 

Người Việt ba miền đều có riêng cho mình nét văn hóa ẩm thực độc đáo, riêng biệt nhưng có một điểm chung là đều sử dụng đũa. Làng quê miền Bắc xưa được lũy tre bao phủ nên người dân sẽ lấy nghe thân tre già để gọt đũa. Người miền Bắc dùng loại đũa ngắn hơn một chút so với người miền Nam. Miền Nam lại được chở che bằng những tán dừa nên người miền Nam dùng chính loại cây ấy làm nên đôi đũa cho mình. Điều đó làm đũa Việt Nam khác biệt hoàn toàn với loại đũa inox, đũa nhôm của Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Đôi đũa không chỉ là vật dụng không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày mà còn chứa đựng giá trị sâu sắc về tình cảm cũng như tinh thần của người Việt. Đầu tiên là tình cảm lứa đôi, vì đũa chỉ làm trọn nhiệm vụ khi có cặp có đôi, cũng như nên duyên người cần có đôi có cặp. Chuyện gia đình không êm ấm hòa thuận cũng được ví như đôi đũa cập kênh "như đôi đũa lệch so sao cho bằng".

Kế đó là tình gia đình, đôi đũa không chỉ dùng gắp thức ăn cho mình mà còn gắp thức ăn mời người thân, điều đó hoàn toàn hiếm gặp trong văn hóa phương Tây. Trước khi ăn cơm, con cháu còn phải so đũa cho cả nhà, lễ phép kính cẩn đưa người lớn tuổi trước. Trong bữa ăn, việc ai gắp trước, gắp sau cũng được ngầm quy định rõ ràng, theo tôn ti trật tự, thể hiện tính văn hóa nhân văn rõ nét. Vậy nên quây quần bên bữa cơm thường được người Việt coi trọng đặc biệt trong đời sống gia đình. Sau phải bàn đến tính đoàn kết, hẳn không ai không biết câu chuyện chiếc đũa và bó đũa, với triết lí sâu xa “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Theo afamily

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *