9/08, 7:55 am
Nằm trên đảo Java của Indonesia, hiện nay Merapi là một trong những ngọn núi lửa còn đang hoạt động. Vào năm 1814, người Anh đã phát hiện một công trình vĩ đại tọa lạc tại vùng đồng bằng Kedu xinh đẹp được bao bọc giữa 9 ngọn núi ở độ cao 3.000m. Khu di tích này sau đó được thế giới đón nhận và đánh giá là công trình có trình độ văn hóa cao. Đó chính là ngôi đền Phật giáo Borobudur.
Vào mùa mưa, từng cơn mưa nhiệt đới như trút nước trắng xóa bao phủ toàn khu di tích. Nằm ẩn mình trong rừng rậm và bị bụi núi lửa che phủ, phải trải qua 10 thế kỷ, Borobudur mới được phát hiện. Năm 1968, nhận lời yêu cầu của chính phủ Indonesia, UNESCO đã bắt đầu khảo sát và khôi phục Borobudur. Lần đầu tiên, công việc tu sửa mang tính quốc tế được thực hiện ở Borobudur. Ngôi đền đóng vai trò là một công trình kiến trúc tôn giáo đại diện cho nền văn hóa châu Á. Năm 1991, Borobudur được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Borobudur nằm trên đỉnh một ngọn đồi, giữa vùng đồng bằng Kedu phì nhiêu thuộc miền trung Java. Từ thế kỷ VII đến thế kỷ thứ X, khu vực này đã tiếp nhận những tinh hoa của nền văn minh Ấn Độ và được xem là nơi phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Java.
Đền Borobudur được vương triều Sailendra xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ IX, với mục đích tôn thờ Phật giáo Đại thừa. Đền được xây dựng trên một bệ đỡ hình vuông, mỗi cạnh chân đền dài 120m và hướng về một phương. Điểm cao nhất của đền tính từ mặt đất là 35m. Có một mái vòm chính ở trung tâm đền. Nhìn từ xa toàn di tích đền Borobudur giống như một quả núi nhỏ nhô lên giữa khu vực đồng bằng xanh tốt.
Đền có rất nhiều hình chạm khắc và các bức phù điêu được trang trí khắp nơi. Những phù điêu hình voi và sư tử tượng trưng cho quyền năng của Phật. Ở bốn mặt của đền đều có cầu thang đi lên. Trên phần bệ thờ của đền là hệ thống hành lang, trong đó nổi bật nhất là hành lang thứ I đến hành lang thứ IV. Vách tường của các tầng đều được bao phủ bởi những bức phù điêu chạm trổ rất công phu mô tả về cuộc đời của Đức Phật và những câu chuyện có liên quan đến Phật.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu thì đền Borobudur có tất cả 1.460 bức phù điêu. Trong đó có cả những bức chạm nổi hình hoàng hậu Maya đang nằm mộng. Trong giấc mơ, Hoàng hậu thấy một con voi màu trắng sáu ngà từ trên trời bay xuống dung ngà khai hông bên phải của hoàng hậu để chui vào. Đó là một điềm báo về sự ra đời của Đức Phật. Bức phù điêu mô tả Hoàng hậu về quê chuẩn bị sinh nở, trên đường đi Hoàng hậu vào vườn Lâm Tỳ Ni thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Tại đây, Hoàng hậu đứng dưới gốc cây Osoka, tay phải vịn một cành cây và hạ sinh Thái tử.
Được sinh ra và lớn lên ở tầng lớp cao sang trong xã hội lúc bấy giờ, nhưng Thái tử Siddhattha vẫn nặng trĩu bao niềm băn khoăn, lo lắng. Một đêm, Thái tử dắt theo con ngựa Kiên Trắc yêu quý của mình vượt thành ra đi.
Có tất cả 432 bức tượng Phật Như Lai được đặt kế tiếp nhau xung quanh lối đi dọc hành lang tầng hai của khu đền. Những ai đến viếng đền Borobudur, chỉ cần đi khắp khu hành lang quanh khu di tích là có thể hiểu rõ về cuộc đời của Đức Phật qua hình ảnh chạm khắc trên phù điêu. Hiệu quả truyền đạt của chúng không kém gì kinh Phật.
Đền Borobudur bao gồm 12 tầng to, nhỏ, vuông, tròn nằm xen kẽ, kế tiếp nhau. Nếu đi hết các bậc thang, các hành lang của 12 tầng để lên đến đỉnh thì du khách phải qua một chặng đường dài 15 cây số.
Người ta ước tính có đến 55 ngàn mét khối đá được dùng để xây đền. Hiện có rất nhiều giả thuyết xung quanh vấn đề kiến trúc cũng như mục đích sử dụng của ngôi đền. Song, một sự thật là Borobudur đại diện cho tinh hoa của vương triều Sailendra sùng đạo Phật. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng Borobudur chỉ là một tháp Phật hơn là một ngôi đền Phật giáo. Đền được xây dựng dựa theo thế giới quan của Phật giáo, trong đó có 3 tầng đại diện cho 3 giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Nằm ở dưới cùng phần bệ của đền là Dục giới, tiêu biểu cho thế giới của ham muốn, dục vọng. Phần hành lang bên trên là Sắc giới mang ý nghĩa của quá trình giác ngộ và phần trên nữa là thế giới của sự giác ngộ hay còn gọi là Vô sắc giới.
Đối với các tính đồ Phật giáo dưới vương triều Sailendra thì Borobudur là đại diện cho Phật giáo thực nghiệm. Họ có thể dễ dàng hình dung quá trình tu luyện của bản thân qua kiến trúc đền. Phần đế của đền được xây dựng rất kiên cố, đây là phần rất quan trọng vì nó có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ công trình kiến trúc bên trên.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những hình chạm nổi không được làm cùng lúc với quá trình xây đền. Theo họ, chúng được tạo nên khi việc xây dựng đền đã hoàn tất. Những thợ thủ công th