Ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta thường ký tên trên các loại giấy tờ, hợp đồng. Nhưng tại Nhật Bản, con dấu hay còn gọi là Hanko có khắc họ tên của người sở hữu được dùng để thay thế chữ ký.

Những hanko được chạm trổ công phu với các hình ảnh trang trí đẹp mắt đã trở thành tác phẩm nghệ thuật hơn là vật dụng dùng để đóng dấu đơn thuần. Những người làm ra chúng được xem là các nghệ nhân.

Ngày xưa, các lãnh chúa đã cạnh tranh nhau quyết liệt, thậm chí phát động chiến tranh để giành quyền sở hữu con dấu đẹp nhất, tinh tế nhất. Đó là biểu tượng quan trọng để xác lập quyền lực.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, nhu cầu về con dấu ở Nhật Bản có sự đòi hỏi cao. Nhằm đáp ứng điều đó, các nhà sản xuất đã ứng dụng kỹ thuật số để tạo ra con dấu hoàn toàn mới với những tính năng đặc biệt.

Ở Nhật Bản, người ta sử dụng nhiều loại con dấu cho những công việc khác nhau, trong đó có 3 loại cơ bản. Con dấu Jitsuin phải được đăng ký chính thức với chính quyền địa phương. Người Nhật dùng nó trong các loại giấy tờ quan trọng như giấy kết hôn, giấy khai sinh, chứng tử, mua bán xe…

Loại thứ 2 là con dấu Ginko-in, có hiệu lực trong lĩnh vực ngân hàng. Người Nhật dùng con dấu ginko-in đã đăng ký để mở tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện các giao dịch có liên quan. Khi cần rút tiền tiết kiệm, khách hàng dùng ginko-in để đóng dấu thay cho chữ ký mẫu.

Kế đến là con dấu Mitome-in được sử dụng trong các công việc trao đổi hàng ngày như giao hàng, xác nhận thư từ, bưu phẩm. Con dấu mitome-in có tính bảo mật thấp, chúng được làm bằng gỗ thường và được bán rộng rãi tại các cửa hàng. Giá của mỗi con dấu loại này chỉ khoảng 100 yên, tương đương 20 ngàn đồng Việt Nam.

Quan trọng nhất và có tính bảo mật cao nhất là con dấu jitsuin. Người Nhật có thói quen đựng con dấu jitsuin của mình trong một chiếc hộp trang trí hoa văn rất đẹp. Họ sử dụng con dấu này khi làm các loại giấy tờ có liên quan đến vấn đề luật pháp như hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, mua bán xe cộ, các thủ tục hành chính. Vì tính bảo mật cao nên con dấu jitsuin phải được cất giữ cẩn thận, nhiều người gửi nó trong tủ bảo hiểm ở ngân hàng.

Con dấu chính thức jitsuin có hiệu lực trong hàng chục năm. Tuy nhiên, cũng có không ít người đổi con dấu sau những biến cố lớn trong cuộc đời như ly hôn, vợ hoặc chồng của họ qua đời hay liên tục gặp vận xui.

Mỗi con dấu trên hồ sơ thể hiện cấp bậc, vị trí của người sở hữu nó. Con dấu của nhân viên thường nhỏ, màu mực nhạt, con dấu của trưởng phòng thì lớn hơn và màu mực đậm hơn.

Con dấu mà người Nhật dùng ngày nay được du nhập từ Trung Quốc cách đây nhiều thế kỷ. Tuy rằng con dấu không do người Nhật tạo ra nhưng họ đã tiếp nhận và cải biến nó để trở thành một nét văn hóa riêng của mình.

Con dấu được sử dụng cho mục đích chính trị lần đầu tiên ở Nhật Bản là vào thời Nara, thế kỷ thứ 8. Khi đó, hệ thống chính quyền ở Nhật được xây dựng dựa theo mô hình vương triều của Trung Quốc. Lúc bấy giờ, do con dấu là biểu tượng cho quyền lực của người đứng đầu đất nước nên chỉ có Nhật hoàng sử dụng nó. Con dấu được dùng để xác nhận chỉ dụ do Nhật hoàng ban ra. Đến giữa thế kỷ thứ 8, giới quý tộc ở Nhật Bản mới được phép dùng con dấu của riêng họ.

Đến thời Chiến quốc Sengoku, thế kỷ 15, lịch sử con dấu ở Nhật Bản bước sang giai đoạn mới khi các lãnh chúa phát động chiến tranh giành quyền lực, qua đó, người chiến thắng được quyền tạo ra cho mình con dấu đẹp nhất, mang tính biểu tượng nhất.

Các hình ảnh tượng trưng phổ biến trên các con dấu vào thời kỳ này là rồng, sư tử, hổ…những con vật thể hiện uy lực và sự dũng mãnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ cần nhìn vào con dấu người ta biết được thế lực của người sở hữu nó.

Đến thời Edo, thế kỷ 17, con dấu bắt đầu được dùng trong dân chúng. Điển hình là trong giao dịch mua bán, các thương nhân sử dụng con dấu để xác nhận đơn hàng, hóa đơn thanh toán tiền. Mỗi doanh nghiệp có con dấu riêng, thế là hàng loạt con dấu với đủ kiểu dáng khác nhau ra đời.

Thời kỳ Mạc phủ với chính sách bế quan tỏa cảng kéo dài từ đầu thế kỷ 17 chính thức kết thúc vào năm 1867, thay vào đó là thời Minh Trị tập trung phát triển đất nước theo chủ trương học tập văn minh phương Tây.

Tuy nhiên, chính quyền Minh Trị không từ bỏ việc sử dụng con dấu, trái lại còn phổ biến rộng rãi ra toàn dân. Nếu trước đây chỉ có giới quý tộc, võ sĩ hay thương nhân được dùng con dấu thì đến giai đoạn này mọi người dân đều có con dấu của riêng mình.

Ngày nay, con dấu đã trở thành vật chứng nhận không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *