9/08, 8:12 am
Vốn là thủ đô của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ IV, hiện nay, Istanbul là thành phố lớn nhất của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, hai tôn giáo lớn của của thế giới là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo cùng phát triển song song nhau.
Vào thời của Đế chế Byzantine, thành phố được gọi là thủ đô Constantinope, đến đế chế Ottoman, nó được đổi tên thành thủ đô Istanbul. Cùng với các giá trị lịch sử được hình thành từ giai đoạn là đơn vị hành chính quan trọng của hai đế chế trên, nên vào năm 1985, thành phố Istanbul được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Giữa thế kỹ XV, Istanbul chính thứ được Hoàng đế Sultan Mehmed đệ nhị tuyên bố là thủ đô của Đế chế Ottoman.
Thánh đường Hồi giáo Sultan Ahmed được xem là biểu tượng của thành phố Istanbul. Thánh đường còn được biết đến với tên gọi là “Thánh đường xanh”. Các tín đồ hành hương gọi Sultan Ahmed là “Thánh đường xanh” vì các bức tường bên trong thánh đường được phủ gạch trang trí màu xanh mô phỏng các dòng suối và các khu vườn thực vật rực rỡ. Có hơn 20 ngàn viên gạch men được làm theo cách thủ công dùng để trang hoàng bên trong thánh đường. Trên các viên gạch là hình ảnh của hàng vạn bông hoa đang khoe sắc. Thiết kế của nhà thờ Sultan Ahmed là đỉnh cao của sự phát triển nhà thờ Hồi giáo Ottoman trong hai thế kỷ.
Bán đảo Bosphorus nối liền Địa Trung Hải và Biển Đen. Thành phố Istanbul nằm trên bán đảo Bosphorus – điểm giao thoa quan trọng giữa châu Âu và châu Á. Vị trí địa lý đặc biệt đã giúp tạo nên các giá trị lịch sử đặc trưng của vùng Istanbul – thành phố trung tâm tài chính và cả văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài thánh đường Hồi giáo là nơi lui tới thường xuyên của các tín đồ đạo Hồi, Istanbul còn nổi tiếng với các công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo. Nằm bên cạnh Thánh đường xanh là nhà thờ Hagia Sophia, nổi bật với phần tường màu đỏ. Nhà thờ Thiên Chúa giáo Hagia Sophia được xây dựng vào thế kỷ thứ VI, thời Đế chế La Mã Byzantine chi phối Istanbul. Tính từ mái vòm, chiều cao của nhà thờ là 55 mét. Trong vòng 900 năm, nhà thờ Hagia Sophia được xem là nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sau khi Đế chế Byzantine sụp đổ dưới sức mạnh của Đế chế Hồi giáo Ottoman, nhà thờ Hagia Sophia trở thành Thánh đường Hồi giáo.
Trải qua hai giai đoạn được dùng làm nơi thờ phụng của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, giờ đây, tòa kiến trúc này là viện bảo tàng nổi tiếng của Istanbul. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, song các họa tiết trang trí bằng tranh khảm đá mô tả hình ảnh Đức Chúa Jesus và Đức mẹ Maria vẫn còn tương đối nguyên vẹn và sắc nét trên các bức tường nhà thờ.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm này được bảo quản tốt như thế. Vào năm 1931, các nhà nghiên cứu người Mỹ đã phát hiện những họa tiết trang trí, khảm đá bên dưới lớp vữa quét tường. Qua quá trình tìm hiểu, người ta xác định rằng chúng ra đời vào thời kỳ Byzantine cai quản thành phố Istanbul. Một nửa trong số các bức khảm đá đã bị chính quyền Hồi giáo Ottoman lúc bấy giờ ra lện tháo bỏ. Tuy nhiên, phần gương mặt của Chúa Jesus và Đức mẹ Maria vẫn được giữ lại khá nguyên vẹn, chỉ có phần cánh tay và một số chi tiết khác bị phá hỏng.
Theo lệnh của Hoàng đế Mehmed đệ nhị, các chi tiết kiến trúc Hồi giáo đã được xây dựng thêm tại nhà thờ Hagia Sophia. Nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao của nghệ nhân Hồi giáo lúc bấy giờ đã trở thành hình mẫu cho nhiều thánh đường Hồi giáo khác. Trong gần 500 năm, Hagia Sophia là thánh đường Hồi giáo chính của Istanbul.
Cung điện Topllapi nằm trên một ngọn đồi có tầm nhìn đẹp hướng ra eo biển Bosphorus. Đế chế Ottoman trị vì vùng đất này kéo dài từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX. Cung điện được xây dựng với vai trò là trung tâm hành chính và nơi ở của Hoàng gia.
Sau khi Đế chế Ottoman kết thúc vào năm 1921, cung điện được giao cho Chính phủ và giờ đây nó là Viện bảo tàng.
Hoàng đế Mehmet đệ nhị của Ottoman đã chiếm thành Constantinope của Đế chế Byzantine và thành lập kinh đô Istanbul. Từng là thành phố của Byzantine, sau đó là thủ đô của người Hồi giáo, Istanbul đã được Hoàng đế Mehmet đệ nhị tiến hành xây dựng và sửa sang rất nhiều. 100 năm sau khi Mehmet đệ nhị chiếm thành Constantinope, thánh đường Suleymaniye được xây dựng hoàn tất và trở thành biểu tượng Hồi giáo của Istanbul. Tên của thánh đường được đặt theo tên của Hoàng đế Suleiman đệ nhất, người đã ra lệnh xây dựng tòa kiến trúc này. Thánh đường là sự mô phỏng của kiến trúc Byzantine và được xem là bản sao của nhà thờ Hagia Sophia.
Thánh đường Suleymaniye đã trở thành kiệt tác kiến trúc Hồi giáo thời kỳ Ottoman. Thánh
đường được xây dựng hoàn tất vào giữa thế kỷ XVI và giữ vai trò là công trình vĩ đại của đế chế Ottoman. Cho đến ngày nay, vẻ tráng lệ của Thánh đường vẫn không thay đổi. Từ các giá trị quý báu trên nên thánh đường Suleymaniye luôn là điểm viếng thăm của du khách khi họ đến với Istanbul. Tại đây, họ sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như nét độc đáo của một công trình Hồi giáo Ottoman.
Thành phố Istanbul là sự pha trộn của nền văn hóa thời kỳ Byzantine và văn hóa Hồi giáo. Sự giao thoa này đã tạo nên nét đặc sắc riêng của thành phố.
Eo biển Bosphorus chia cắt châu Âu và châu Á, tuy nhiên, sự chia cắt này lại được nối liền bởi chiếc cầu treo Bosthorus, đây cũng là chiếc cầu liên kết giữa phương Đông và phương Tây.
Từ xa xưa, Istanbul đã giữ vai trò là một thành phố phát triển rất hưng thịnh. Là điểm gặp gỡ của nhiều người trên thế giới với nhiều nền văn hóa khác nhau. Cho đến ngày nay, sự sầm uất vẫn hiện diện trên các nẻo đường chính của Istanbul.
Nổi tiếng chẳng kém các kiến trúc Hồi giáo, chợ Grand Bazaar cũng được xây dựng vào thời kỳ Ottoman. Chợ có trên 5.000 cửa hàng và là một trong những ngôi chợ lớn nhất thế giới.
Sự thay đổi của thời đại đã giúp mang lại các giá trị văn hóa, lịch sử cho Istanbul, điểm gặp gỡ giữa Đông và Tây, giữa châu Âu và châu Á. Là thành phố của Hồi giáo, Istanbul lại ảnh hưởng một phần rất lớn đến cuộc sống của người châu Âu, điều này đã giúp thành phố được chọn là thủ đô văn hóa của châu Âu năm 2010.
Thánh đường Hồi giáo Sultan Ahmed
Bức tranh khảm trong thánh đường
Một góc bán đảo Bosphorus, nối liền Địa Trung Hải và Biển Đen
Bức tranh mô tả cuộc chiến chiếm thành Constantinope
Hoàng đế Mehmet đệ nhị của Ottoman
Một cửa hàng đồ cổ trong khu chợ Grand Bazaar
Thanh Tâm