Xứ sở hoa anh đào Nhật Bản sở hữu nhiều món đồ chơi thiếu nhi đã tồn tại hằng trăm năm. Có những món đồ có mặt từ thời Edo – thời kì mà Nhật bản hạn chế giao lưu với thế giới bên ngoài. Sự đơn giản, mộc mạc và thiết kế đặc sắc chính là những yếu tố giúp các món đồ chơi truyền thống giữ vững phong độ đến ngày hôm nay, dù gặp phải rất nhiều đối thủ cạnh tranh “nhỏ tuổi hơn”.
Kendama (Đồ chơi tung hứng)
Kendama đã từng một trò chơi gây sốt và hiện tại là một trong những món đồ chơi truyền thống Nhật Bản tinh túy nhất thế kỉ 20. Ngày nay, bạn vẫn thấy người ta chơi Kendama ở khắp nơi, thậm chí, có những cuộc thi kendama quốc gia được tổ chức thường xuyên.
“Ken” là tay cầm bằng gỗ nhìn tựa tựa cán kiếm. Món đồ chơi này có que nhọn ở đỉnh đầu và ba miệng chén, hai cái đối nhau ở thanh trụ và một cái dưới đáy. “Dama” chỉ trái banh, được nối với tay cầm bằng sợi dây và có cái lỗ nhỏ để khớp với đầu nhọn. Đối với món đồ chơi này, qui luật chơi sẽ là thảy trái banh lên không trung và bằng sự khéo léo của bạn, trái banh sẽ phải “tiếp đất nhẹ nhàng” trên đỉnh nhọn hay bất kì miệng chén nào. Bật mí cho bạn biết là có hơn 1,000 kĩ thuật chơi Kendama đấy.
Koma (Con quay)
Khi nói về đồ chơi truyền thống Nhật Bản, sự mộc mạc, chân phương luôn luôn giành phần thắng. Koma là đồ chơi con quay bằng gỗ, được sơn với nhiều màu sắc khác nhau. Beigoma là loại con quay bằng kim loại cũng khá phổ biến vào thời Showa. Con quay có nhiều dạng, kích cỡ và được quay bằng tay hay bằng dây. Với con quay, bạn có thể chơi đủ trò nhưng trò cơ bản nhất chính là để con quay đấu với nhau để xem ai hạ bệ ai trước. Trò chơi đấu con quay Nhật Bản “Beyblade” chính là hình thức cải tiến từ cuộc thi dân gian thời xưa.
Hanetsuki (Cầu lông)
Cũng tương tự như các trò chơi truyền thống Nhật Bản khác, Hanetsuki cũng như là “người bà con” của môn cầu lông với chiếc vợt gỗ hình mái chèo (hagoita) và quả cầu lông “7 sắc cầu vồng” (hane). Đã hơn 1,300 “xuân xanh” rồi nên Hanetsuki là một trong những trò chơi lâu đời nhất Nhật Bản và các bạn gái thường hay chơi Hanetsuki vào đầu năm. Nếu như người nào đánh hụt, làm rớt quả cầu xuống đất sẽ bị chịu cảnh “quẹt mực đen” lên mặt. Người chơi càng đánh cầu qua lại càng lâu thì năm mới sẽ càng có thêm nhiều vận đỏ. Nhưng ngày nay, người ta chỉ giữ chiếc vợt đánh cầu lại nhằm mục đích trang trí thôi. Mặt vợt ngày càng đa dạng từ những thiết kế thông thường như nghệ sĩ kịch Kabuki và giai nhân mặc kimono cho đến hiện đại như Hello Kitty hay Harry Potter.
Daruma Otoshi (Daruma té nhào)
Daruma Otoshi (Daruma té nhào) là một món đồ chơi truyền thống Nhật Bản khác được làm bằng gỗ. Búp bê Daruma lấy cảm hứng từ Bồ Đề Đạt Ma – tổ sư Phật học và Thiền tông Trung Hoa. Đối với trò chơi Daruma Otoshi, búp bê Daruma có hình dáng thanh trụ gỗ với năm khoanh gỗ tách rời nhau, được tô bằng những sắc màu cơ bản. Bạn có một cây búa nhỏ trong tay và nhiệm vụ của bạn lúc này là đập búa vào từng khoanh gỗ theo thứ tự từ dưới lên, làm sao mà không làm cho những khoanh còn lại đổ nhào theo – chỉ còn lại chiếc đầu búp bê thôi. Nếu búp bê Daruma bị ngã, xem như trò chơi kết thúc.
Tako (Diều giấy thủ công)
Tako là loại diều truyền thống được làm thủ công với giấy và tre. Dù diều Nhật Bản đã xuất hiện từ thời Nara (649 – 794 sau Công Nguyên), nhưng ở thời Edo, mỗi một nơi sẽ có cách trang trí một kiểu. Dù Tokyo hình chữ nhật và được in trên bản khắc gỗ trong khi Nagasaki đến ngày nay vẫn nổi tiếng với kiểu dù hình thoi. Diều Nagoya có hình dáng của những loại côn trùng như hình ruồi trâu, ve sầu, ong… Hamamatsu làm diều lục giác để thả trong lễ hội thả diều trong ngày của các bé trai (ngày 5 tháng Năm). Lúc này, các đội sẽ đấu với nhau và cố cắt dây con diều của đối thủ.
Menko (Ném đĩa)
Menko là một trong số ít các trò chơi truyền thống Nhật Bản được chơi với cả đĩa hình tròn hay hình chữ nhật. Những chiếc đĩa/quân bài sẽ có hình một bên, ăn theo những trào lưu nổi bật theo từng thời điểm. Vào thời Edo và Meiji, hình ảnh ninja và samurai rất được ưa chuộng còn ngày nay, thẻ bài có hình anime, manga và đội bóng chày… Với trò Menko, cần ít nhất hai người chơi (càng đông càng vui) và một cái… sàn gỗ/bê tông cứng. Sau khi một người ném đĩa của mình xuống, người chơi khác sẽ cố làm bật đĩa của đối thủ đi chỗ khác bằng cách ném ném mạnh chiếc đĩa của mình vào chiếc đĩa kia. Người nào bật được đĩa của người khác thì được quyền “tịch thu” đĩa. Sau cùng, ai với số đĩa nhiều nhất sẽ giành được chiến thắng!
Taketombo (Trực thăng tre)
Nhiều món đồ chơi truyền thống Nhật Bản toàn là đồ quốc nội, tuy nhiên, một số món từ nước ngoài du nhập vào cũng có một số ảnh hưởng nhất định. Taketombo, hay được biết là “trực thăng tre” hay “chuồn chuồn tre”, có xuất xứ từ Trung Quốc, thế kỉ thứ 4. Món đồ chơi này bao gồm một thanh tre nhỏ có gắn cánh quạt trực thăng trên đầu. Để làm cho nó bay, bạn phải dùng hai tay cọ xát thanh que thật nhanh và thả tự do cho nó.
Ngoài ra, cũng còn nhiều món đồ chơi truyền thống Nhật Bản như den den daiko (trống viên), karuta (một trò chơi ném thẻ khác), kamifusen (bong bóng giấy sáp) và ohajiki (trò búng cầu thủy tinh). Đồ chơi Nhật Bản luôn luôn có giá trị với những ai trân trọng thiết kế tinh tế và chất lượng cao.
Theo From Japan