Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, đơn vị xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh, khẳng định rằng: Mọi lực lượng chiến đấu trên tuyến đường mòn đều xứng đáng là anh hùng, góp phần đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn.

 

Trong thời gian tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), đường Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ trở thành một tuyến giao thông vận tải chiến lược với cả hệ thống đường được mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Con đường này lúc cao điểm có hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn 1 vạn là lực lượng Thanh niên xung phong, phiên chế thành 8 sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc.

Đường Trường Sơn không còn những con đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700 km đường bộ, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa. Bên cạnh đó còn có 1.500 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông.

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, mọi lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đều xứng danh anh hùng, nhưng bộ đội vận tải ô tô, được đưa vào Trường Sơn từ năm 1965, với truyền thống “Gan vàng dạ ngọc”, đã tạo được sự mến mộ, ưu ái hết mực của các binh chủng anh em. Trên cơ sở xác định nhiệm vụ vận tải là trung tâm, chúng ta đã không ngừng tạo mọi điều kiện để phát triển nhanh lực lượng và thực hiện vận tải từ quy mô đại đội, tiểu đoàn lên trung đoàn, sư đoàn xe. Bộ đội vận tải đã thật sự trở thành một binh chủng chủ lực của bộ đội hợp thành trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Bằng nỗ lực cao độ của mình, cán bộ và chiến sĩ bộ đội vận tải Trường Sơn đã góp phần to lớn thực hiện một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự – cơ giới hóa bộ binh, tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực, nhanh chóng đè bẹp mọi sự phản kháng của kẻ thù, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên cho rằng vấn đề cơ giới hóa bộ binh là một trong những nội dung có tính quy luật trong tổ chức lực lượng vũ trang theo yêu cầu tác chiến hiện đại. Quân đội ta cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên vận dụng quy luật đó vào điều kiện Việt Nam như thế nào lại thuộc về tài nghệ của Đảng ta. Điều hết sức lý thú, tuyệt vời đối với bộ đội vận tải ô tô Trường Sơn là: Từ vận chuyển vật chất phục vụ chiến đấu – tiến lên cơ động các binh đoành chủ lực thần tốc vượt chặng đường hàng nghìn cây số vào tham gia chiến dịch và cao trào là giai đoạn cuối – khi tình huống xuất hiện, đã bất thần chuyển thành lực lượng cơ động bộ binh chiến đấu, tiến công vào sào huyệt kẻ thù.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bồi hồi nhớ lại giây phút lịch sử: Đúng 11h 30 ngày 30/4/1975, Trung đoàn bộ binh 66, Lữ đoàn 203 xe tăng tiến công làm chủ dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh cùng hầu hết những nhân vật chủ chốt nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Điện từ Bộ Tư lệnh chiến dịch, điện từ Bộ Tư lệnh Trường Sơn báo về rừng Trường Sơn. Radio lớn bé bật hết cỡ, truyền đi bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh… Tin vui dồn nén đến nghẹt thở!

Vào giờ phút vô cùng thiêng liêng ấy, Tướng Đồng Sỹ Nguyên thấy trong tâm trí ông hiển hiện bóng dáng đoàn “Tuấn mã Trường Sơn”, những người lính Trường Sơn làn da dãi dầu nắng gió, quân phục nhuốm đỏ bụi đường chở quân tiến công dũng mãnh, cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 làm chủ dinh Độc Lập, hang ổ cuối cùng của địch.

“Là một người lính Trường Sơn, tôi thật sự xúc động, tự hào bởi bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã góp sức lực, trí tuệ, máu xương cùng toàn dân tộc thực hiện được nguyện ước nung nấu: Mở những con đường, đưa những đoàn quân tiến về cùng với nhân dân nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử là một chiến trường tổng hợp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói.

Đội hình xe ô tô của Trung đoàn 13 (Binh đoàn Trường Sơn) chuẩn bị lên đường thực hiện chiến dịch vận tải. Ảnh tư liệu

Theo vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn năm xưa, quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược kiệt xuất của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những lối mòn xuyên rừng rậm, men theo lũng núi, bờ khe, quân và dân ta, trực tiếp là những người lính Trường Sơn, nam nữ thanh niên xung phong, công nhân giao thông… đã phát triển thành một tuyến vận tải quân sự chiến lược, một chiến trường trọng yếu, một căn cứ chiến lược của các chiến trường nam Đông Dương.

Suốt 16 năm, Trường Sơn đã trở thành nơi đối đầu giữa ý chí gang thép, lòng quả cảm, trí tuệ của con người Việt Nam với đạn bom – sản phẩm của nền công nghiệp quân sự phi nhân tính. Chỉ tính tròn 10 năm, kể từ khi ta tổ chức vận tải cơ giới trên Trường Sơn, Mỹ đã huy động 733.000 lần máy bay đánh phá tuyến vận tải 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn, vượt xa số bom đạn mà phát xít sử dụng trong đại chiến thế giới lần thứ hai.

Suốt 16 năm không một ngày ngưng nghỉ, mặc đạn chặn, bom vùi, mặc nắng núi mưa ngàn… 16 năm, toàn tuyến đã chuyển được hơn một triệu tấn vật chất, vũ khí vào các chiến trường, bảo đảm nhiệm vụ hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, ba quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường…

Trên tuyến đường này, hơn hai vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh; hơn hai vạn người bị thương và biết bao người bị chất độc hóa học; khoảng 14.500 lần xe các loại, hơn 700 lần súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy…

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên xúc động bày tỏ: Đất nước muôn đời khắc ghi những đóng góp lớn lao, hy sinh vô bờ bến của những người con đã chiến đấu trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trong những năm chiến tranh. Và vẫn có một khoảng yên lặng đến không cùng – khoảng lặng dành cho những đồng chí, đồng đội, bạn bè vĩnh viễn nằm lại với cánh rừng, con suối, đất trời Trường Sơn.

Theo (Chinhphu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *