Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố chào mừng thắng lợi của cách mạng Tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, trong suốt 85 năm qua đều gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân. 

Tất cả nhân dân thuộc mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi lứa tuổi đều gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng ta, Đảng của chúng ta. Nhân dân gọi Đảng là Đảng ta như thế xuất phát từ quan hệ máu thịt, cá-nước, mối quan hệ vô cùng gắn bó và diệu kỳ giữa Đảng với nhân dân.

Mọi hoạt động của Đảng đều nhằm mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân

Đảng Cộng sản Việt Nam là bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động của Đảng chính là phụng vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, giải phóng dân tộc, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Đảng từ nhân dân mà ra, phục vụ lợi ích của nhân dân, ngày càng gắn bó với nhân dân và chính quan hệ mật thiết ấy tạo nên sức mạnh của Đảng và sức mạnh của dân tộc.

Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ hai chiều gắn bó, tương hỗ như một lẽ tự nhiên. Nhân dân cần có Đảng lãnh đạo thì mới có hướng đi đúng đắn và cách mạng mới giành được thắng lợi. Đảng cần có dân để có sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, để có năng lực chèo lái con thuyền cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác". "Tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân…" Người nói: "Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC". Sự thống nhất giữa mục tiêu và lợi ích của Đảng với mục tiêu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân là cơ sở nền tảng vững chắc của mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Bằng việc đoàn kết, tập hợp, tổ chức và lãnh đạo toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, Đảng đã từng bước thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình: giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; thực hiện đường lối đổi mới đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". 

Những chiến thắng vĩ đại và thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm cho quần chúng nhân dân càng thêm tin yêu, gắn bó với Đảng, thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng – lãnh tụ duy nhất, đáng tin cậy của mình. Vì vậy mà toàn thể nhân dân Việt Nam đã gọi Đảng Cộng sản Việt Nam bằng hai tiếng gần gũi, tin yêu: "Đảng ta".

Đảng chăm lo xây dựng chính quyền thực sự "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân"; xây dựng mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân thông qua mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân

Sau khi được thành lập, để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ đầu tiên là phải giành được chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đổ chính quyền thực dân và phong kiến, xây dựng chính quyền của nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta được làm chủ đất nước. 

Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6/1/1946 và việc nhân dân tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1946 là biểu hiện tập trung nhất quyền làm chủ đất nước của nhân dân Việt Nam.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền thì một trong những kênh liên hệ quan trọng nhất giữa Đảng với nhân dân là thông qua mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân. Vì vậy Đảng luôn luôn coi việc lãnh đạo, xây dựng, tăng cường, kiện toàn Nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, để Nhà nước là cơ quan quyền lực của nhân dân, để phục vụ lợi ích của nhân dân, tất cả mọi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước là "đầy tớ, công bộc" của dân…

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì", Đảng đã lãnh đạo Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật, đề ra và thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát huy quyền làm chủ, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất và năng lực, toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của các cấp chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực. Cán bộ, công chức, viên chức ngày càng sâu sát cơ sở, gần dân, đổi mới tác phong công tác, phục vụ nhân dân. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức giữ mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. 

Đồng thời, Đảng lãnh đạo Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, vô trách nhiệm, xâm hại tới lợi ích của đất nước, của nhân dân… Nhờ đó, quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân được củng cố tăng cường.

Mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được thể hiện ở mối quan hệ giữa Mặt trận và các đoàn thể nhân dân

Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, đối tượng xã hội, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. 

Chính vì nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cho nên ngay sau khi ra đời, Đảng đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp vào các tổ chức như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Tương tế, Ái hữu để xây dựng lực lượng cách mạng. 

Các tổ chức công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc… tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, kết hợp với lực lượng vũ trang, khi thời cơ đến, đứng lên lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong suốt 30 năm tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng đã đưa công tác vận động quần chúng lên tầm cao mới, động viên được toàn dân tích cực tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. 

Với nhận thức sâu sắc "dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong", Đảng đã lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tập hợp, đoàn kết các tầng lớp xã hội công nhân, nông dân, trí thức, phụ nữ, thanh niên, phụ lão, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, ủng hộ. 

Bằng phương thức này, Đảng đã động viên được sức người, sức của, huy động cả nước đồng lòng đánh giặc, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược.

Trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng đã không ngừng củng cố, mở rộng, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng. 

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng làm tốt hơn vai trò phối hợp thống nhất hành động của các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, bảo vệ Đảng, chính quyền.

Mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân thể hiện ở sự liên hệ giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân

Chủ tịch Hồ chí Minh nhiều lần căn dặn: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, làm cán bộ tức là suốt đời làm "công bộc", "đầy tớ" thật trung thành của nhân dân. 

Trong bài báo "Dân vận" viết năm1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận". 

Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội trong Điều lệ, quy chế, quy định của mình đều đề ra tiêu chuẩn bắt buộc cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là "đầy tớ", "công bộc" của dân; không ngừng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân.

Thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong những năm gần đây, Đảng đã ban hành Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định về đảng viên công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách gần dân, tăng cường hiệu quả công tác giám sát của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, công chức, đảng viên. Những điều này đã tăng cường mối liên hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Thực tiễn lịch sử 85 năm qua của cách mạng Việt Nam đã khẳng định mối liên hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là vấn đề có ý nghĩa sống còn với Đảng và cách mạng Việt Nam, mối liên hệ đó đã không ngừng được củng cố, tăng cường qua mọi giai đoạn của cách mạng.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vô cùng to lớn, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử chính là nhờ gắn bó máu thịt với nhân dân, đoàn kết, tập hợp, phát huy được sức mạnh của toàn dân. Đây là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 85 năm qua./.

Theo (TTXVNVIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *