Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã cống hiến cho đời bao hình mẫu của những đạo đức quý báu, trong đó phong cách làm gương, lời nói đi đôi với việc làm là nguyên tắc lẽ sống hàng đầu có sức thuyết phục mạnh mẽ, thu phục lòng dân, mỗi người Việt Nam lấy đó soi sáng cho lý tưởng và hành động của mình.

 

 

Bác Hồ nói chuyện với các học viên lớp Đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (năm 1966) 

 

Bác Hồ cho rằng, làm gương có một vai trò to lớn và là một giá trị vững bền trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng và yêu mến của nhân dân. Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng tốt, phải làm gương trong hành động công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi; luôn luôn nói phải đi đôi với làm để quần chúng và nhân dân noi theo.

Theo Bác Hồ, làm gương là bản thân mình phải tự giác làm gương mẫu, từ việc nhỏ đến việc lớn. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người viết: Về tư cách một người cách mệnh, tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Nhẫn nại. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Đối với người phải: Từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Thực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ lưỡng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể (chữ đoàn thể thay cho chữ Đảng vì lúc đó Đảng chưa ra công khai).

Cái lớn nhất, cũng là cái cao quý nhất đứng ở hàng đầu trong phong cách đạo đức của Bác Hồ là làm gương. Chính cuộc đời của Người cũng như những bậc tiền bối cách mạng là những tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng. Những người cộng sản sở dĩ tập hợp được quần chúng, thu phục, hội tụ được lòng dân, trước hết phải là một tấm gương tốt, gương mẫu bằng hàng động “nói đi đôi với làm”. Đây là nguyên tắc đầu tiên, cực kỳ quan trọng. Lời nói phải đi đôi với việc làm, lời nói là thể hiện lương tâm, bản lĩnh, lý trí và tình cảm ở trong mỗi con người.

Thực tế cho thấy, người cán bộ, đảng viên nói nhiều mà làm ít, hoặc nói một đường làm một nẻo, hay nói mà không làm được thì không ai tin. Bởi chính họ đã làm mất phẩm giá của bản thân mình, làm mất uy tín và vai trò lãnh đạo trước quần chúng. Chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên mới được sự tin yêu, kính trọng, quý mến của quần chúng.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng đầy hy sinh gian khổ của Bác Hồ là sự thống nhất trọn vẹn giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm. Suốt đời Bác tâm niệm việc làm gương tốt đúng như những điều Bác dạy cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính. Khi Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đỡ đồng bào bị đói thì Bác thực hiện nhịn ăn trước. Khi kinh tế khó khăn, đời sống dân còn khổ, mọi người phải ăn độn, Bác cũng bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy. Phong cách này, lẽ sống này là một tấm gương soi sáng cho chúng ta trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bác Hồ nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác. Các đồng chí chúng ta phải cần ra sức giữ gìn kỷ luật sắt của Đảng”. Bác căn dặn: “Các cô, các chú luôn luôn ghi nhớ: Người cộng sản chúng ta không được một phút nào quên lý tưởng cao cả của mình”. Bác nói: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế, tài chính là việc cực kỳ quan trọng. Nếu không quản lý chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bế tắc. Bác nói: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng, nhưng kết quả tài sản, tiền bạc tổn hại rất lớn, rất nghiêm trọng cho nhà nước và nhân dân…”.

Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, thì giờ tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, phô trương hình thức. Bản thân Bác đã sống cả cuộc đời thanh bạch, từ ăn ở, đến phương tiện sử dụng hàng ngày. Đồ dùng cá nhân của Bác cũng rất giản dị và tiết kiệm.

Bữa ăn của Bác thanh đạm như bữa ăn của một gia đình bình thường: bát canh, quả cà, con cá hoặc lát thịt kho… Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ may cùng kiểu đơn giản. Khi đôi dép cao su bị mòn, bộ quần áo ka-ki sờn đôi chỗ, Bác vẫn dùng. Có đồng chí lãnh đạo gần Bác thưa thật là Chủ tịch nước mặc áo sờn vá như thế không phù hợp lắm, Bác nói: “Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi!”. Bác còn dùng mặt sau của các trang giấy đã dùng mặt trước để viết bản thảo. Bác đi công tác hay đi thăm đồng bào và chiến sĩ trong cả nước cũng chỉ bằng chiếc ô tô bình thường. Các đồng chí cán bộ ngoại giao đang công tác ở nước ngoài biếu chiếc điều hòa nhiệt độ, nhưng Bác không dùng mà đề nghị chuyển chiếc điều hòa ấy cho các đồng chí thương bệnh binh đang điều trị tại trại điều dưỡng. Khi về thăm các địa phương, Bác thường không báo trước, để tránh đón rước linh đình, gây tốn kém của dân. Bác còn nhắc các đồng chí cùng đi chuẩn bị cơm nắm với muối vừng mang theo ăn, khỏi phiền đến địa phương đơn vị.

Nhớ lại, tết đầu tiên của Việt Nam vừa giành độc lập, Bác tặng cho ông Đặng Phú Thông, Bộ trưởng Giao thông Công chánh chiếc áo kèm theo bài thơ: “Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi/ Tết sau thắng lợi sẽ đền bồi/ Áo bạn tặng tôi, tôi biếu chú/ Chú mặc cho ấm cũng như tôi”.

Giữa mùa đông rét mướt, Bác đã cởi chiếc áo của mình cho một tù binh. Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà người phục vụ Toàn quyền, sau đó mới chịu nhận ở ngôi nhà sàn đúng như lòng Bác muốn. Những việc Bác Hồ đã làm như những điều Người đã nói, thật sự là một tấm gương để học tập xây dựng Đảng.

Nguồn: Lê văn Hiếu ( SGGPO )

* Sách: Hồ Chí Minh: Về tư cách người đảng viên Cộng sản (NXB ST Hà Nội, 1988) là nguồn tư liệu trong bài viết này. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *