Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về Nghệ thuật Quân sự Việt Nam, trong đó có chiến thuật tiến công địch phòng ngự tập đoàn cứ điểm.
Sau thất bại liên tiếp của các hình thức phòng ngự trước đó – hệ thống cứ điểm nhỏ Tháp Canh Đờ-la-tua của tướng Cốc và hệ thống lô cốt, boong ke của Đờ-lát Đờ-tát-xi-nhi và từ thành công bước đầu của cụm cứ điểm Nà Sản,… thực dân Pháp đã chuyển sang một hình thức phòng ngự mới: phòng ngự tập đoàn cứ điểm.
Để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp đã tập trung tăng cường nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới, hầu hết lực lượng, phương tiện được tăng cường là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong Quân đội Viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Trận đánh cứ điểm được chia thành 03 phân khu, mỗi phân khu gồm một số “trung tâm đề kháng”. Trong đó, “phân khu Bắc” và 02 trung tâm đề kháng: Bản Kéo và đồi Độc Lập; “phân khu giữa” gồm 05 trung tâm đề kháng; “phân khu Nam” hay còn gọi là phân khu Hồng Cúm. Các trung tâm đề kháng, hay còn gọi các khu vực gồm một cụm cứ điểm có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động với hỏa lực riêng phòng ngự của địch được bố trí trên một không gian rộng, bảo đảm khả năng phòng ngự độc lập, có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực mạnh.
Trước sự thay đổi về hình thức phòng ngự của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ta đã có những đổi mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch và chiến thuật. Quán triệt quan điểm của Trung ương Đảng là “đánh chắc thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh Chiến dịch đã đề xuất và được Đảng ủy Mặt trận thông qua và Bộ Chính trị phê duyệt thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Theo đó, nhiều phát triển mới về chiến thuật đã được chỉ huy các đơn vị vận dụng một cách sáng tạo.
Một là, phát triển mới về cách đánh công kiên. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã tiến hành nhiều trận đánh công kiên với quy mô lớn, như: Him Lam, Độc Lập, đồi A1, đồi C1… Đây là lần đầu tiên ta sử dụng lực lượng quy mô đại đoàn (và tương đương) đánh công kiên cụm cứ điểm nằm trong hệ thống phòng ngự liên hoàn của địch bằng sức mạnh của binh chủng hợp thành. Cách đánh này đã buộc địch phải đối phó bằng một hình thức phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm mới quy mô gồm nhiều tiểu đoàn, phòng ngự và cơ động có sự chi viện của xe tăng, pháo binh, máy bay… Đây cũng là hình thức phòng thủ cao nhất của Quân đội Viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Trận tiến công cụm cứ điểm Him Lam diễn ra từ 17 giờ đến 22 giờ 30 phút ngày 13-3-1954, do Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) đảm nhiệm là trận mở màn Chiến dịch. Đại đoàn được tăng cường 02 đại đội sơn pháo 75mm, 02 đại đội cối 120mm và được 02 đại đội lựu pháo 105mm trực tiếp chi viện. Ở cụm cứ điểm ở Him Lam, địch có 04 đại đội thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Lê dương số 13 (thiếu), bố trí thành 03 cứ điểm; có hệ thống lô cốt và hỏa lực nhiều tầng cấu trúc vòng tròn. Giữa các điểm tựa trung đội có hào giao thông và hàng rào ngăn cách. Hào giao thông trong cứ điểm sâu và hẹp. Trong 03 cứ điểm thì cứ điểm 01 có 02 đại đội, có sở chỉ huy và là điểm tựa chủ yếu của toàn cụm Him Lam. Hỏa lực của cụm cứ điểm được bố trí nhiều tầng: trung liên bắn sát mặt đất, bên trong là đại liên, trọng liên kiểm soát xa, ở giữa có súng cối và ĐKZ. Trận công kiên Trung tâm đề kháng Him Lam, ta đã diệt 200 tên, bắt 270 tên, thu toàn bộ trang bị, vũ khí và loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 3 Lê dương đã thể hiện sức mạnh tiến công hiệp đồng binh chủng của bộ đội ta, đồng thời đánh dấu bước phát triển về chiến thuật – cách đánh công kiên.
Trận tiến công cụm cứ điểm Độc Lập (đêm 14 rạng sáng ngày 15-3-1954) do Trung đoàn 165, Đại đoàn 312; Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 và lực lượng pháo binh tương đương trận đánh Him Lam đảm nhiệm. Cứ điểm Độc Lập khá kiên cố, nằm trên đồi cao 700m, rộng 150m, cách Mường Thanh 04 km về phía Bắc, do Tiểu đoàn 5 Bắc Phi thuộc Trung đoàn An-giê-ri số 7 và 01 đại đội ngụy Thái (tất cả có 03 đại đội) chiếm giữ. Ngoài hỏa lực tại chỗ và của trung tâm đề kháng, địch còn được tăng cường 04 khẩu cối 120mm và được pháo binh ở Mường Thanh, Hồng Cúm chi viện. Trận đánh này ta giành được thắng lợi, nhưng cũng bộc lộ nhiều thiếu sót lớn về hiệp đồng, như: pháo binh bắn sớm, hướng thứ yếu mở cửa chậm,…
Nét nổi bật về chiến thuật trong các trận đánh này là để hạn chế hỏa lực pháo binh, xe tăng và máy bay của địch, chúng ta đã chú trọng việc xây dựng trận địa xuất phát tiến công vững chắc. Trận địa ta xây dựng đảm bảo phát huy được ưu thế của các loại hỏa lực của bộ binh: trung liên, đại liên, súng cối và ĐKZ, có thể làm tê liệt các hỏa điểm nhiều tầng của địch, nhất là hỏa điểm lướt sườn; đồng thời, chịu đựng được sức công phá của đạn pháo 105mm và đạn cối 120mm, giúp cho bộ binh ta thực hiện được 4 nhanh trong đánh địch (tiếp cận nhanh, mở cửa nhanh, đột phá nhanh, xung phong nhanh). Đây là lần đầu tiên chúng ta sử dụng pháo lớn, bố trí ở những trận địa kiên cố, thực hành bắn chuẩn bị, chi viện trực tiếp và chế áp các trận địa pháo binh của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh tiến công địch, cũng là lần đầu tiên chúng ta sử dụng pháo cao xạ thực hành phòng không hiệp đồng tác chiến cùng bộ binh. Hai trận đánh Him Lam và Độc Lập “là hai trận đầu đánh vào một tập đoàn cứ điểm, là hai trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, là hai trận đánh theo lối chính quy”1.
Hai là, xây dựng trận địa phòng ngự trong chiến dịch tiến công. Đây là lần đầu tiên xuất hiện những trận chiến đấu phòng ngự trong một chiến dịch tiến công của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Nó ra đời do nhiệm vụ tiến công địch trong tập đoàn cứ điểm rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi ta phải giữ vững trận địa vừa chiếm được để tạo bàn đạp cho những cuộc tiến công tiếp theo. Trận chiến đấu phòng ngự trong chiến dịch tiến công ở đồi C1 kéo dài từ ngày 30-3-1954 đến ngày 01-5-1954. Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đã chiến đấu liên tục 32 ngày đêm, kết hợp tiến công với đánh địch phản kích và tổ chức phòng ngự giằng co với địch… Đến đợt 3 của Chiến dịch, Trung đoàn đã tiêu diệt toàn bộ quân địch tại cứ điểm này.
Trận tiến công đồi A1 (chiều ngày 30-3-1954) của Trung đoàn 174 diễn ra hết sức quyết liệt. Đây là cứ điểm quan trọng nhất trong cụm điểm cao của địch. Địch không chỉ dựa vào hệ thống hầm ngầm để chống trả ta quyết liệt, mà còn tăng cường nhiều đại đội bộ binh có xe tăng, pháo binh, không quân yểm trợ phản kích nhiều lần, nhằm thu hẹp khu vực trận địa mà Trung đoàn 174 đã chiếm được. Trên cơ sở nắm bắt và đánh giá đúng tình hình chiến sự, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã quyết định cho Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 chuyển từ hướng Tây sang hướng Đông tiếp tục tiến công đồi A1; đồng thời, lệnh cho Đại đoàn 308 đẩy mạnh hoạt động ở phía Tây và tây Bắc Mường Thanh, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta. Đêm 31-3-1954, Trung đoàn 102 và một bộ phận của Trung đoàn 174 tiến công đồi A1 lần thứ hai và đến sáng ngày 01-4-1954, bộ đội ta đã chiếm được 2/3 Đồi, nhưng địch đã phản kích chiếm lại phần lớn trận địa.
Đêm 01-4-1954, ta tổ chức tiến công lần thứ ba cũng không thành công. Trận đánh kéo dài đến ngày 04-4-1954, nhưng ta cũng chỉ chiếm được 1/3 Đồi. Trước tình thế đó, để bảo đảm lực lượng chiến đấu dài ngày, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã quyết định rút Trung đoàn 102 về củng cố lực lượng, giao lại phần đồi đã chiếm được cho Trung đoàn 174 đảm nhiệm. Liên tục hơn một tháng (từ 04-4 đến 06-5-1954), Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 174 đã tổ chức phòng ngự đánh bại mọi đợt tiến công của địch, tạo điều kiện cho Trung đoàn chuyển sang tiến công tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở đồi A1 vào đêm 06-5-1954.
Ba là, xây dựng trận địa tiến công bao vây, hình thành chiến thuật “đánh lấn”. Sau khi tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập và bức hàng địch ở Bản Kéo, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định, địch có nhiều khó khăn, lúng túng nhưng chúng còn rất mạnh và sẽ ra sức đối phó. Từ nhận định đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch vẫn thực hiện chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”. Để thực hiện yêu cầu tiếp cận và tiến công liên tục cả ngày lẫn đêm có hiệu quả, ta chủ trương xây dựng trận địa tiến công bao vây. Trận địa tiến công bao vây là một hệ thống trận địa bao gồm giao thông hào trục bao vây Mường Thanh, cắt đứt nó với phân khu Hồng Cúm. Những tuyến giao thông của các đại đoàn xẻ từ triền núi chạy xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, tới sát các mục tiêu tiến công. Ngoài ra, ta còn cấu trúc những tuyến hào ngang để cơ động lực lượng, hệ thống công sự cho hỏa lực, hầm tránh pháo, hầm đạn, hầm thương binh, hầm điều trị của các đội phẫu thuật… Mỗi đêm đào công sự là một cuộc chiến đấu của bộ đội ta với sự đánh phá của pháo binh, máy bay địch. Ở từng vị trí, địch đã dùng hỏa lực tại chỗ bắn ra quyết liệt và bí mật bố trí lực lượng công binh rải mìn cóc nhằm sát thương, cản trở bộ đội ta đào đắp công sự. Từ các trận địa tiến công bao vây, bộ đội ta đã dùng súng bắn tỉa để tiêu diệt địch. Để tiêu diệt được nhiều địch, các tay súng bắn tỉa phục kích, chỉ bắn bị thương những tên địch đi lấy nước (chủ tâm bắn vào chân) và những tên khác ra cứu; đến đêm, địch buộc phải tổ chức lực lượng ứng cứu đông hơn, ta dùng súng cối 60mm, đại liên tiêu diệt. Tiêu biểu của cách diệt địch này là Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, khi tiêu diệt cứ điểm 206 (Huy-ghơ I). Trung đoàn đã hoạt động liên tục trong 06 ngày đêm (từ 17 đến 23-4-1954), thực hành xây dựng trận địa, tiếp cận địch kết hợp chặt chẽ với bắn tỉa, đánh địch ra phá hoại trận địa và sử dụng các phân đội nhỏ tích cực tiêu diệt từng tên địch, từng ụ súng, phá dần từng lô cốt, vây hãm chặt làm cho binh lính địch luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, đi đến suy sụp, tan rã. Bằng sự sáng tạo đó, Trung đoàn chỉ sử dụng một lực lượng tương đương địch, nhưng đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm, giành thắng lợi trọn vẹn. Từ kinh nghiệm đánh Huy-ghơ I của Trung đoàn 36, bộ đội ta đã phát triển lên thành chiến thuật “đánh lấn”. Đây là sự phát triển của cách đánh công kiên trong điều kiện ta tổ chức tiến công trực tiếp tiếp xúc với địch, nhưng so sánh lực lượng chưa cho phép ta đánh lớn tiêu diệt địch ngay. Trong tác phẩm “Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đã hoàn thiện và thực sự khẳng định thành công của chiến thuật được gọi là “đánh lấn”.
Từ các trận đánh mở màn Him Lam, Độc Lập cho đến các trận đánh kết thúc ở trung tâm Mường Thanh là cả một quá trình chiến đấu liên tục, sáng tạo, phát triển mới về chiến thuật đánh địch trong tập đoàn cứ điểm của bộ đội ta. Nó thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của Nghệ thuật Quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những chiến thuật đó đã được nghiên cứu, tổng kết và vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây cũng là điều kiện thúc đẩy chiến thuật không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Theo Tạp chí QPTD