Nhận được báo cáo của Quân ủy Miền về diễn biến chiến trường và kiến nghị đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, 17 giờ 50 ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định (điện mật số 37/TK), nội dung: “Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Quyết định của Bộ Chính trị được phổ biến nhanh chóng đến các mặt trận, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đồng thời khẳng định ý chí quyết chiến quyết thắng của các cánh quân trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Đồng chí Lê Đức Thọ (thứ hai từ trái qua) và một số cán bộ Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết. |
Cùng ngày 14-4, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 (Mặt trận Tây Nguyên) tiến công đột phá tuyến phòng thủ Phan Rang của quân đội Sài Gòn. Trên hướng Bắc đường 1, Sư đoàn 3 tập kích các vị trí án ngữ ngoại vi thị xã, chiếm quận lỵ Du Long và các điểm cao 105, 300, Ba Râu, Suối Vàng, Suối Đá, cảng Ninh Chữ, chặn đường địch rút chạy ra biển. Trên hướng đường 11, Trung đoàn 25 đánh bại các đợt phản kích của Lữ đoàn dù quân đội Sài Gòn, áp sát sân bay Thành Sơn, làm chủ toàn bộ dải phòng ngự vòng ngoài thị xã Phan Rang. Trên hướng Nam đường 1, lực lượng vũ trang Quân khu 6 tiến công các vị trí của địch tại vùng ven, chia cắt Phan Rang với Bình Thuận.
Cũng trong ngày 14-4, tại Sài Gòn, Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Bá Cẩn lập nội các mới. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Đây là chính phủ chiến đấu, thương lượng nhưng không đầu hàng”!
Theo SGGP Online