Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh về giải phóng quần đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai ngay kế hoạch tiến công.
Mục tiêu đầu tiên được chọn là Song Tử Tây, một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, do một trung đội quân đội Sài Gòn đóng giữ. Lực lượng tiến công gồm: Đội 1/Đoàn Đặc công 126 (từng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt); một đơn vị hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471/Quân khu 5; các tàu vận tải 673, 674, 675 thuộc Đoàn Hải quân 125 (vốn là những con tàu “không số” có nhiều kinh nghiệm qua lại khu vực quần đảo Trường Sa).
Quân giải phóng tiến đánh đảo Song Tử Tây. |
4 giờ sáng ngày 11-4-1975, các đơn vị rời quân cảng Đà Nẵng, tiến ra biển. Tiếp cận mục tiêu lúc 19 giờ ngày 13-4, rạng sáng ngày 14-4, Quân giải phóng đồng loạt tiến công các cụm địch đang đóng giữ trên đảo. Bị đánh bất ngờ, quân địch chống trả yếu ớt. Bộ đội nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa sau 30 phút chiến đấu. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được treo lên cột cờ ở phía Đông của đảo. Ngay sau đó, các đơn vị tổ chức canh giữ bảo vệ đảo, đồng thời chuẩn bị tổ chức đánh chiếm các đảo còn lại: Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa.
Mất đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở quần đảo Trường Sa bị de dọa. Chúng vội điều hai tàu HQ 16 và HQ 402 từ Vũng Tàu ra định tổ chức phản kích chiếm lại đảo. Song, trước sự bố phòng chặt chẽ của lực lượng giữ đảo và thế tiến công của Quân giải phóng trên các chiến trường trong đất liền, quân địch buộc phải quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết – nơi đặt Sở chỉ huy trung tâm của quân đội Sài Gòn tại quần đảo Trường Sa.
Theo SGGP Online