Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – Bước nhảy vọt vĩ đại của Cách mạng Việt Nam
01/08/2014Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ và ngoạn mục không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn, đầy sáng tạo của một Đảng Mácxít-Lêninnít kiên cường, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 19.8.1945, tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh: Tư liệu |
Sang đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Beclin, buộc phát xít Đức phải đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8/8/1945 Liên Xô tuyên chiến với quân phiệt Nhật và chỉ trong vài hôm đã tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật, đẩy phát xít Nhật vào thế thất bại không thể tránh khỏi. Trước tình hình đó, tháng 2/1945, Ban Thường vụ Trung ương họp và ra Nghị quyết nêu rõ: “Kẻ thù số 1 của các dân tộc Đông Dương lúc này không phải là tất cả chủ nghĩa đế quốc mà chỉ là đế quốc phát xít, đặc biệt là phát xít Nhật – Pháp”. Hội nghị chỉ rõ, toàn bộ công tác của Đảng trong lúc này là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 3/1945 Thường vụ Trung ương mở rộng họp và ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang, đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang cướp kho thóc của Nhật để cứu đói, đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, phát động chiến tranh du kích ở những nơi có đủ điều kiện, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Phong trào đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra ở nhiều vùng. Các lực lượng cách mạng đã phối hợp với quần chúng giải phóng được một loạt các xã, châu, huyện thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Bắc Giang.
Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, vì vậy phải “Kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.
Đến 23h ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp đó, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Nam, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta!”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy, tiến hành cuộc Khởi nghĩa giành chính quyền trong khắp cả nước. Cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu nổ ra từ ngày 14/8 và đến ngày 18/8, chúng ta đã giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận các tỉnh miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam. Ngày 19/8, Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, Khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và các thị xã: Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân An, Bạc Liêu.
Ngày 25/8, Khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Lạng Sơn, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre,… Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Cách mạng Tháng Tám thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt khôn khéo của Đảng, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp và linh hoạt. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là đỉnh cao của 15 năm đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua ba cao trào cách mạng lớn – Ba cuộc tổng diễn tập cách mạng: cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cao trào dân chủ (1936-1939), cao trào cứu nước trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, quyết vùng lên đánh đổ bọn đế quốc, phát xít cướp nước, bọn vua quan phong kiến tay sai bán nước, giành độc lập cho đất nước, tự do, cơm áo cho nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ con người Việt Nam. Tinh thần, trí tuệ ấy xuất hiện từ buổi đầu lịch sử dân tộc, đã được nâng lên một tầm cao mới sau 15 năm đấu tranh quật cường dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác xít – Lêninnít chân chính.
Như vậy, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc. Kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phục hưng đất nước, kỷ nguyên kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không có ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn và đầy sáng tạo của Đảng ta đã gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Cách mạng Tháng Tám đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.Lênin, Hồ Chí Minh, với xu hướng của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay đã tròn 69 năm, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt lớn với những thử thách vô cùng to lớn. Nhưng dù ở giai đoạn nào, dù thử thách có to lớn đến đâu, nhưng Đảng và Nhà nước ta biết dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ, mọi việc đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ thì kẻ địch nào dù sừng sỏ, hùng mạnh đến đâu, khó khăn nào dù to lớn đến mấy, chúng ta cũng chiến thắng, cũng vượt qua và đưa đất nước phát triển.
Ngày nay, sau 28 năm đổi mới đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn cả về kinh tế – xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng. Đất nước ta đang có nhiều thời cơ lớn đồng thời cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ, nhưng với tinh thần, ý chí của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó chính là khí phách Việt Nam “ý chí Việt Nam” trong giai đoạn mới.