Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã cụ thể hóa tương đối đầy đủ các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực nhà ở cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi người dân tạo lập chỗ ở phù hợp với khả năng của mình.

 

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2005, lĩnh vực nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng, giải quyết cơ bản được nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước, từng bước bảo đảm an sinh xã hội.

Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản sửa đổi, bổ sung đã tạo một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở. 

Tuy nhiên cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật về nhà ở và Chính phủ thấy cần thiết phải nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở hiện hành.

Đảm bảo quyền có chỗ ở của công dân

Trong quá trình soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đã yêu cầu phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến nhà ở. Trong đó, tại Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và Chương III Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường của Hiến pháp 2013, đã có những quy định mang tính nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt về các vấn đề liên quan đến nhà ở. Cụ thể là:

– Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý (Điều 22).

– Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở…. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường (Điều 32).

– Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở (Điều 59).

Để cụ thể hóa các nội dung trên, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành Chương II quy định về sở hữu nhà ở trong đó quy định: Công dân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và các hình thức khác theo quy định của pháp luật, Người có nhà ở hợp pháp có quyền sở hữu đối với nhà ở đó (Điều 4). Đồng thời quy định, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở của các chủ sở hữu nhà ở (Điều 5).

Đặc biệt, để cụ thể hóa quy định tại Điều 59 của Hiến pháp trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có các Chương với các quy định cụ thể nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ để mọi người dân đều có chỗ ở phù hợp, đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, Điều 14 dự thảo Luật đã quy định về Chính sách phát triển nhà ở như sau:

– Nhà nước có chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính, tín dụng, về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu xây dựng mới và thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

– Chính sách phát triển nhà ở phải thể hiện chủ trương xã hội hóa trên cơ sở khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu.

– Nhà nước ban hành các cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng, miễn, giảm tiền sử dụng đất và chủ động hỗ trợ vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở theo quy định của Luật này nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đô thị, nông thôn bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.

10 nhóm đối tượng được hỗ trợ cải thiện về nhà ở 

Dự thảo Luật đã dành Chương IV quy định về Chính sách nhà ở xã hội, trong đó quy định 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ cải thiện về nhà ở, như người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo và cận nghèo; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; cán bộ, công chức viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; học sinh, sinh viên…

Các cơ chế ưu đãi, hình thức thực hiện chính sách về nhà ở xã hội bao gồm hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; hỗ trợ vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện có; hỗ trợ cho vay từ ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi để tự xây dựng nhà ở (Điều 51).

Về các điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện đó là điều kiện về chỗ ở (chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình…), thu nhập (không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân, hộ nghèo, chuẩn nghèo…) và điều kiện về cư trú (phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại nơi có nhà ở xã hội) (Điều 52).

Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng điều chỉnh, bổ sung quy định về quyền được mua và sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều 18 của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Cụ thể hóa quy định trên, trong dự thảo Luật Nhà ở đã dành một Chương quy định về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (Chương IX).

Theo đó, Điều 155 của dự thảo đã quy định mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì được sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước (không phân biệt loại nhà và số lượng nhà ở được sở hữu) nhằm thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, mặt khác quy định nêu trên cũng là để cụ thể hóa chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị và Điều 18 của Hiến pháp năm 2013 coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, Điều 156 của dự thảo Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì về cơ bản họ cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với nhà ở như công dân trong nước, cũng có đầy đủ các quyền như chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, tặng cho, để thừa kế…

Có thể nói rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với các đạo luật khác đã cơ bản cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về các vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực nhà ở cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi người dân tạo lập chỗ ở phù hợp với khả năng của mình, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về nhà ở trong tình hình mới.

Nguồn: Nguyễn Mạnh Hà ( Cục trưởng Cục Quản lý nhà – Bộ Xây dựng )

Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *