Không giống các nghề khác, học xong mới kiếm việc làm, hầu hết sinh viên sân khấu – điện ảnh đi làm từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Ai không bắt kịp nhịp độ này sẽ tự “rụng” trong quá trình học.

Khó tiếp cận nghề

Theo Minh Luân, diễn viên chính trong phim Dòng sông định mệnh và đang đóng vai bác sĩ An Hùng trong Anh em nhà bác sĩ, khóa học của anh ban đầu có 26 sinh viên, nhưng khi tốt nghiệp chỉ còn khoảng 10 người. Trong số 10 người đó, chỉ vài người theo nghề diễn, còn lại đi làm PR hay nhân viên cho các hãng phim.

 

Nhiều khán giả nhỏ nhận ra Minh Luân khi anh về quay phim tại Vĩnh Long.

Chia sẻ ý kiến này, diễn viên trẻ Trí Quang (phim Tuổi yêu, Tại tôi) cho rằng nghề diễn là một nghề thực hành, nếu không cọ xát thực tế thì dù kết quả học tập có tốt mấy cũng không thể trở thành diễn viên thực thụ. Nhiều bạn trẻ vì thế nhanh chóng nắm bắt cơ hội ngay khi nhận được lời mời đóng phim. Nhưng điều đó cũng giống chơi dao hai lưỡi. Nếu diễn không tốt, họ bị chính vai diễn đầu đời đào thải. Ngược lại, họ sẽ được khen ngợi, dẫn đến ảo tưởng, bị cuốn vào đam mê kiếm tiền mà quên trau dồi kỹ năng diễn và vốn sống.

Bên cạnh đó, diễn viên chính quy còn phải cạnh tranh với lực lượng không nhỏ diễn viên tay ngang từ giới ca nhạc, MC, thường được đánh giá cao ở ngoại hình, khả năng ăn nói, sự nổi tiếng.

Đối với diễn viên trẻ tay ngang, mọi việc còn khó khăn hơn. Trở thành diễn viên sau một lần đi casting cho vui, và đã có thành công ban đầu với phim Cổng mặt trời, nhưng Phùng Ngọc Huy cho biết hiện giờ anh vẫn phải tập lấy cảm xúc, hiểu lời thoại cũng như luyện giọng nói to, rõ ràng hơn. Điều này đối với một sinh viên trường điện ảnh là bình thường nhưng đòi hỏi ở Ngọc Huy một nỗ lực lớn.

Ít cơ hội tỏa sáng

Trí Quang thừa nhận, diễn viên trẻ ngày nay rất nhiều, nhưng chỉ một số ít sống được với nghề chứ chưa nói đến tỏa sáng. Trong bối cảnh nở rộ phim truyền hình Việt, khán giả có thể thấy một gương mặt nào đó quen quen nhưng không nhận ra đó là ai, đã đóng phim gì. Theo Minh Luân, có ba nguyên nhân chính dẫn đến điều này. Thứ nhất, diễn viên trẻ chưa được thực hành nhiều nên vai diễn chưa gây được ấn tượng. Thứ hai, diễn viên coi thường vai phụ, dẫn đến thiếu đầu tư đúng mức. Thứ ba, bản thân vai diễn và kịch bản phim không đủ đặc sắc để lôi cuốn khán giả, hoặc phim được chiếu vào thời điểm không thuận lợi nên ít người quan tâm.

Yếu tố đầu tiên phụ thuộc vào khả năng của diễn viên và có thể cải thiện dần qua từng vai diễn. Yếu tố thứ hai thường đặt diễn viên trẻ vào một vòng luẩn quẩn: Là gương mặt mới nên ít được nhận vai chính. Các vai phụ thì có ít phân đoạn, cát-sê thấp nên phải “chạy sô”, làm thêm mới đủ sống, dẫn đến thiếu đầu tư cho nhân vật, và bởi vậy, sẽ khó có vai lớn hơn ở những lần sau. Còn khán giả chỉ thấy họ là diễn viên nghiệp dư, ham kiếm tiền mà không chịu tìm tòi, phát triển nghề nghiệp.

Ở yếu tố thứ ba, diễn viên cần một sự may mắn. Theo Minh Luân, nếu diễn viên nhận được vai có nhiều đất diễn, họ sẽ có nhiều khả năng được biết đến hơn. Sự may mắn còn nằm ở thời điểm phim ra mắt. Phim phát sóng trên kênh truyền hình lớn vào “giờ vàng” dễ được khán giả chú ý, phim ra mắt vào cuối năm dễ được đề cử các giải thưởng.

Phùng Ngọc Huy cũng cho rằng sự tỏa sáng phần lớn do tài năng, khổ luyện nhưng không thể thiếu yếu tố may mắn. Nhưng Huy tin tưởng: “Khi nhận được vai dù lớn hay vai nhỏ, mình cũng phải quyết tâm làm tròn thì sẽ có ngày tỏa sáng".

Theo tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *