Tác giả Gérard Lê Quang – bằng những tư liệu, thông tin báo chí hay các cuộc tiếp xúc với người trong cuộc – đã đánh giá như vậy trong cuốn sách về Võ Nguyên Giáp, xuất bản từ khi đất nước chưa thống nhất.

Cuốn sách Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân, đã xuất bản tại Pháp từ năm 1973, vừa được giới thiệu với độc giả Việt Nam qua sự phát hành của Thái Hà Books. Tác giả Gérard Lê Quang là một Việt kiều yêu nước, bằng sự yêu mến của mình với Võ Nguyên Giáp đã thực hiện cuốn sách trong lúc công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam chưa hoàn thành.

Ở bản gốc, sách có tên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân. Bằng 16 chương, tác giả tái hiện chân dung Võ Nguyên Giáp, từ thời trẻ cho tới năm 1972 – khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành thế chủ động trên chiến trường miền Nam.

Bìa sách Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân.

Tác giả Gérard Lê Quang bằng những cuộc tiếp xúc với người có liên quan tới Võ Nguyên Giáp như thầy giáo, bạn học… viết trong cuốn sách rằng Võ Nguyên Giáp ngẫu nhiên mà trở thành tướng quân sự. Ông lý giải đó là một sự lựa chọn của lịch sử hoặc số mệnh đã định. Sau khi kể lại những ngày tuổi trẻ của Tướng Giáp như một người mẫu mực, hết mình vì công việc… tác giả kết luận: "Võ Nguyên Giáp lẽ ra có thể trở thành bác sĩ, thầy giáo hay luật sư… Con đường ông đã chọn không phải con đường dễ nhất. Nhiều người Việt Nam quen biết ông đã khẳng định điều này. Đúng là ông không thật sự chọn đường đi cho mình mà lịch sử đã chọn ông".

Sách xây dựng chân dung Võ Nguyên Giáp thông qua những hoạt động mang tính chiến lược, tài ba. Ở tuổi 30, Võ Nguyên Giáp chỉ huy một toán người cầm súng, nhưng chưa phải là quân đội thực sự; ở tuổi 35 ông trở thành bộ trưởng của một chính phủ chưa được nước nào trên thế giới công nhận; ở tuổi 44 ông đã giành được một chiến thắng có tính quyết định trong cuộc đọ sức với đội quân viễn chinh Pháp.

Cuốn sách không chỉ đưa ra những thông tin, số liệu, mà còn có nhiều phân tích, bình luận sắc sảo. Theo Gérard Lê Quang, trong mắt người châu Âu, Võ Nguyên Giáp trước hết là người chiến thắng ở Điện Biên Phủ… chấm dứt 8 năm chiến tranh và báo hiệu sự kết thúc của một đế quốc. Đối với người Mỹ, Võ Nguyên Giáp là "đối thủ của họ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai". Nếu cuốn sách ra đời sau năm 1975, có lẽ tác giả Gérard Lê Quang sẽ đưa thêm vào cuốn sách phần bình luận rằng, thêm một lần nữa Võ Nguyên Giáp là người chiến thắng.

Không chỉ nói về Võ Nguyên Giáp với những quyết sách đúng đắn trong các cuộc chiến, tác giả Gérard Lê Quang cũng nói tới cuộc sống của Đại tướng trong những ngày tháng ít ỏi không ở trên chiến trường. Sách viết: "Ông là cha của một gia đình đông con. Vợ ông, bà Đặng Bích Hà là Phó Giáo sư sử học. Ông sống trong một ngôi biệt thự khiêm tốn tại Hà Nội, với một chiếc ôtô mà người ta nói là ông rất thích, đó là chiếc xe cũ kỹ mang nhãn hiệu Ziss từ thời Xôviết để chở ông mỗi khi cần đi xa. Những lúc rảnh rỗi ông chơi nhạc của Beethoven với sự hỗ trợ của các bản dàn bè được gửi từ Paris về. Chung quanh ông có vô số sách về lịch sử, về nghệ thuật quân sự được viết bằng năm thứ tiếng mà ông đều thông thạo: Việt, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc".

Bên cạnh những thông tin, sách Võ Nguyên Giáp hay cuộc chiến tranh nhân dân còn có rất nhiều hình ảnh tư liệu. Các bức ảnh của Hãng thông tấn Pháp, nhà báo Marcel Giularis, Thông tấn xã Việt Nam được nhà xuất bản Les Éditions Denoel mua bản quyền, số hóa và lưu giữ cẩn thận.

Dịch giả Nguyễn Văn Sự – người đã dịch một số cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đã chuyển ngữ cuốn sách này từ lâu. Ông tìm được bản photo cuốn sách tại Thư viện Quân đội, thấy hay nên đã dịch sang tiếng Việt. Phía nhà xuất bản Les Éditions Denoel cho hay cuốn sách xuất bản từ quá lâu, từ năm 1973. Họ cũng mua đứt bản quyền sách nên hiện không còn lưu giữ thông tin về tác giả Gérard Lê Quang. Một số thông tin từ Internet cho hay Gérard Lê Quang là một phóng viên, ông cũng là tác giả cuốn La Guerre d'Indochine américaine (Chiến tranh Đông Dương của Mỹ).

Một số trích đoạn sách:

– Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường tự hào khi gợi lại chiến công hiển hách của vị tướng tài giỏi trong lịch sử (Trần Hưng Đạo ba lần đánh bại quân Nguyên Mông). Ông muốn nhắc nhở những người Việt Nam vốn say mê lịch sử rằng ông chỉ là người kế tục một đường lối quân sự có chiều dài trong lịch sử, mà chính ông và cả Mao Trạch Đông đều không phải là những người đề xướng cuộc đấu tranh vũ trang mà ngày nay người ta gọi là chiến tranh nhân dân.

– "Tôi sẽ lấy làm sung sướng khi được buông tay súng", đó là tuyên bố của người thắng trận Điện Biên Phủ, sau khi tập đoàn cứ điểm thất thủ. 18 năm sau, súng vẫn kẹp chặt trong tay người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Họ chưa được quay về với đồng ruộng. Chúng tôi đảm bảo rằng người sinh viên trường Luật của Đại học Đông Dương năm nào, sau đó trở thành thầy giáo để kiếm sống, rồi hoạt động cách mạng bí mật, rồi trở thành đại tướng cầm quân, có lẽ là theo thiên hướng, đã không ngờ, khi tại chiến khu Việt Bắc, lắng nghe những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính và khâm phục vô hạn, số phận sẽ đưa ông đi mãi trong cuộc đời binh nghiệp, và cuộc Nam tiến sao dài đến thế! Đúng là đối với người Việt Nam, có lẽ đối với cả những người khác nữa, không ai hiểu nổi con đường đi của số phận".

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *