Tối 19/6, hai tác phẩm quen thuộc với người đọc: Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng và Hiu hiu gió bấc của Nguyễn Ngọc Tư đã lên sóng THVL1 trong chương trình Kịch cùng Bolero. Đây là tập thứ 5 có chủ đề Tác phẩm văn học của chương trình Kịch cùng Bolero phát sóng 21g tối thứ Hai hàng tuần trên kênh THVL1.

Chương trình đã góp phần mang đến cho khán giả màn ảnh nhỏ một món ăn tinh thần mới mẻ, chất lượng, đồng thời giúp cho những khán giả miền Tây được tiếp cận với thể loại kịch nói và các bạn trẻ ngày càng yêu thích loại hình nghệ thuật này hơn.

NSƯT Kim Xuân, chia sẻ: “chưa bao giờ trẻ em miền Tây được xem kịch nếu như không lên TP.HCM. Kịch cùng Bolero là gameshow đầu tiên đem kịch có Bolero đến với khán giả truyền hình, cho nên các nghệ sĩ trong chương trình có sứ mệnh rất lớn là làm để các thế hệ trẻ yêu kịch hơn”.
 “Hiu hiu gió bấc” trở thành “Nợ sữa”
Đạo diễn Vũ Trần lấy cảm hứng từ tác phẩm Hiu hiu gió bấc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chuyển thành vở kịch Nợ sữa. Vở kịch xoay quanh mối tình ngang trái của anh chàng nông dân chân chất tên Hết (Vũ Trần) và cô thôn nữ tên Hoài (Hồng Trang).
Lúc Hết vừa chào đời, cha mẹ anh bị lật ghe chết sớm, Hết phải bú mẹ của Hoài. Do cùng bú chung dòng sữa nên Hết và Hoài thân thiết với nhau từ nhỏ, cả hai cùng nhau lớn lên rồi đem lòng yêu nhau.
 
Đạo diễn Vũ Trần chuyển thể "Hiu hiu gió bấc" của Nguyễn Ngọc Tư thành kịch "Nợ sữa"
 
 
Tuy nhiên, sau nhiều năm yêu nhau, Hoài chờ mãi mà vẫn không thấy Hết tính đến chuyện cưới hỏi. Cùng lúc đó, ba mẹ Hoài nhận được lời dạm hỏi của một gia đình giàu có nên ông bà quyết định gả Hoài. Đêm trước ngày cưới, Hoài đến nhà tìm Hết nhưng anh giả vờ dửng dưng và tỏ ra mình là người ham mê cờ bạc, bê tha để Hoài chán nản mà yên tâm về nhà chồng.
Trước khi ra về, Hoài đau đớn tặng cho người yêu chiếc áo mà cô đặt may cho anh như món quà của một người vợ dành cho chồng. Đó cũng là món quà cuối cùng, khép lại cuộc tình đầy nước mắt của Hoài và Hết.
 
Chuyên ân tình trong "Nợ sữa" lấy nước mắt người xem
 
 
Sau khi Hoài về, ông ngoại của Hết (diễn viên Duy Hòa) rất tức giận và đánh cháu trai một trận bởi ông tưởng Hết hư đốn và phụ bạc Hoài. Tuy nhiên, sau đó ông biết được lý do Hết làm như vậy là vì mẹ của Hoài đã van xin anh buông tha Hoài để cô được lấy chồng giàu có. Vì nợ ân tình của mẹ Hoài nên Hết đã cố tình nhận hết tiếng phụ bạc về mình để người yêu có được cuộc sống giàu sang, sung sướng.
Khi hiểu ra sự thật, ông ngoại của Hết không biết nói gì hơn bởi ông và Hết là những người trọng tình, trọng nghĩa. Vở kịch kết thúc khá buồn với cảnh Hoài ngậm ngùi đi lấy chồng còn Hết chạy theo phía sau nhìn theo dáng người yêu ngày càng xa dần.
 
Kịch giữ được tinh thần trong nguyên tác của Nguyễn Ngọc Tư
 
 
NSƯT Kim Xuân nhận xét: “Cả 3 diễn viên là Vũ Trần, Hồng Trang và Duy Hòa đã làm rất tốt, hát khớp với tâm trạng và diễn tâm trạng trong nhạc rất tốt. Vũ Trần cực kỳ chi tiết, từ đường dây đến từng đạo cụ. Khi Duy Hòa đá con vịt khiến Kim Xuân rất đau, đó là vì nghèo. Các bạn đã đưa lên thực trạng xã hội ở trong bất cứ thời kỳ nào vì nghèo mà người ta phải tan tác nhiều thứ”.
Xem Nợ sữa, khán giả còn nghe lại các ca khúc bolero được lồng vào vở kịch này, như: Chờ người, Buồn trong kỷ niệm, Bạc trắng lửa hồng, Thói đời, Làm dâu xứ lạ. Giám khảo NSƯT Công Ninh khen ngợi: “Vũ Trần dàn dựng tác phẩm mang đến cho người xem cảm xúc đẹp, chọn được giai điệu Bolero phù hợp”.
Giám khảo NSƯT Vũ Thành Vinh khen Vũ Trần luôn biến cách xử lý rất mới những đề tài quen thuộc và đưa những bài hát Bolero rất hợp lý và ngọt. Với những lời khen từ 3 giám khảo, Vũ Trần đã nhận được phần thưởng 10 triệu đồng khi đạt số điểm cao nhất đêm thi là 28 điểm (NSƯT Công Ninh: 9 điểm, NSƯT Kim Xuân: 9,5 điểm và NSƯT Vũ Thành Vinh: 9,5 điểm).
“Làm đĩ” thành “Nhật ký của Huyền”
Tiết mục của đạo diễn Xuân Trang mang tên Nhật ký của Huyền, được lấy cảm hứng từ tác phẩm Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Bối cảnh của tác phẩm diễn ra trong giai đoạn xã hội thành thị Việt Nam đang “Âu hóa” một cách nửa vời, đầy rẫy sự nhốn nháo, lừa lọc và sa đọa.
Tác phẩm nói về cuộc đời của Huyền (Ốc Thanh Vân) – 1 cô gái được sinh ra trong một gia đình giàu có, cha làm việc cho Tây nhưng lại cực kỳ hủ bại, thường hay dẫn gái về nhà.
 
Đạo diễn Xuân Trang chuyển thể "Làm đĩ" của Vũ Trọng Phụng thành kịch "Chuyện của Huyền"
 
 
Chứng kiến những điều đó khá sớm nên từ nhỏ Huyền luôn bị tò mò, thắc mắc về những vấn đề giới tính nhưng không ai chịu giải thích cho cô. Sự tò mò ấy làm bùng lên nỗi khát khao ở người thiếu nữ khi bước vào tuổi dậy thì, để rồi một ngày cô ngã vào vòng tay Lưu (Thanh Duy) – một người anh họ xa đang trọ học tại nhà. Mối tình vụng dại kết thúc bi thảm, Lưu tự tử chết bằng thuốc phiện, Huyền bị ép gả cho Tham Kim (Xuân Trang) – một tay ăn chơi, phóng túng.
 
Ốc Thanh Vân đã diễn xuất khá trọn vẹn trong vai Huyền
 
 
Do Kim bị mắc bệnh giang mai, không muốn lây cho vợ nên anh ta và Huyền dù cưới nhau đã lâu nhưng chưa động phòng thực sự. Trong thời gian sống cùng với Kim, Huyền nhiều lần dan díu cùng với Tân (Duy Anh) – một đại gia giàu có, đào hoa và cũng là bạn của Kim.
Khi việc ngoại tình bị phát hiện, Tân không ngại thừa nhận nhiều lần ngủ với vợ của bạn nhưng gã lật mặt cho rằng Huyền là loại gái thất tiết trước khi về nhà chồng. Huyền vừa đau đớn vì bị tình nhân sỉ nhục lại vừa nhục nhã ê chề vì bị chồng ép viết đơn thừa nhận ngoại tình và bị “giáng” xuống thân phận tôi đòi trong nhà.
 
Cuộc đời Huyền là chuỗi bị kịch của nhiều gia đình Việt Nam thời "Âu hóa" nửa vời
 
 
Huyền quyết định bỏ đi để tìm Tân trả thù nhưng cô không tìm được, tiền cạn, bước đường cùng khiến Huyền bắt đầu cuộc đời trụy lạc. Từ một người khinh miệt gái đĩ, Huyền bước vào con đường làm đĩ với nỗi cay đắng về cuộc đời ô nhục của mình.
Trong thời lượng có hạn của chương trình, đạo diễn Xuân Trang không lý giải nhiều về hoàn cảnh xuất thân và tuổi thơ của Huyền. Toàn bộ “nhật ký đau thương” của Huyền được thể hiện qua 3 lát cắt, đó là lúc Huyền gặp Lưu, Huyền ngoại tình với Tân khi đang sống cùng Kim và cuối cùng là Huyền lúc trở thành gái điếm.
Đạo diễn Xuân Trang cho biết anh chọn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng vì: “Ấn tượng với vấn đề tác giả đưa ra gần như sống đến tận ngày nay, đó là vấn đề giáo dục giới tính. Khi con người bước vào lứa tuổi dậy thì nếu không được giáo dục nghiêm túc từ học đường và gia đình thì rất dễ sa ngã sau này. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến kết quả là những nỗi đau khổ của người phụ nữ”.
Hỗ trợ cho phần nhạc Bolero của vở kịch “Nhật ký của Huyền” là giọng ca của Á quân Solo cùng Bolero Đào Duy Khánh với các ca khúc: Vết thương cuối cùng, Thu sầu, Tình kỹ nữ
Tuy nhiên, phần nhạc đưa vào tiết mục chưa được chặt chẽ. Giám khảo NSƯT Công Ninh tiếc nuối: “Xuân Trang chỉ mới sử dụng giai điệu Bolero ở những đoạn mở đầu và kết thúc của từng cảnh, nếu Xuân Trang tận dụng nhạc Bolero qua từng cảm xúc của nhân vật thì đảm bảo tiết mục rất rất thú vị và rất hay”.
NSƯT Vũ Thành Vinh cho biết“Kịch cùng Bolero không nhất thiết nhân vật phải tham gia vào hát, có nhiều cách để Bolero đưa vào tiết mục thuyết phục. Xuân Trang đã mang đến tiết mục đau nhưng kết thúc rất ngọt ngào qua bàn tay dàn dựng của em. Cái hay của Xuân Trang là lấy tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng viết năm 1936 để nói về thời đại ngày nay đang rất nóng, đó là vấn đề nhận thức”.
Giám khảo NSƯT Kim Xuân nhận xét: “Tài năng của các bạn rất giỏi, diễn viên diễn xuất rất hay, các bạn đã tạo nên 1 màu sắc rất lạ. 3 người đàn ông của Huyền, một người rất hèn, một người rất tồi, một người rất đểu và cảnh tôi thấy đau nhất là cảnh cuối Huyền ở phòng trà đau đớn về cuộc đời mình.
Chỉ có điều phải lưu ý là lần sau Xuân Trang nên tìm tác phẩm ở đó em thỏa chí sáng tạo, còn tác phẩm này vẫn còn hơi hướng của vở diễn cũ đã được biểu diễn”.
Xuân Trang nhận được số điểm 27,5 (NSƯT Công Ninh: 8,5 điểm, NSƯT Kim Xuân: 9,5 điểm và NSƯT Vũ Thành Vinh: 9,5 điểm), chỉ thua đạo diễn Vũ Trần 0,5 điểm.
Nguồn: Mai Huệ ( TT&VH )

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *