Với chủ đề Tết, đêm thi thứ 10 của Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội phát sóng vào tối 16/2/2018 nhằm mùng 1 Tết Nguyên Đán đã mang đến cho khán giả 3 tiểu phẩm xúc động nói về nỗi lòng của những người xa quê, những người phải tha hương mưu sinh, những người nghệ sĩ hy sinh niềm vui riêng của mình để phục vụ khán giả trong dịp Tết và nỗi trông ngóng, chờ đợi con về của những ông bố, bà mẹ nơi quê nhà…

3 tiểu phẩm với 3 câu chuyện khác nhau nhưng đều có chung một thông điệp đó là cầu mong tất cả mọi người đều có 1 cái Tết đoàn viên và no ấm. Đêm thi mang đến nhiều tiếng cười và lấy đi không ít nước mắt của khán giả, các nghệ sĩ tham gia chương trình. Giám khảo của đêm thi là danh hài Kiều Oanh và Anh Vũ. Ban bình luận gồm có nghệ sĩ hài Kiều Linh, Gia Bảo, Nam Thư và Puka.

 

Các nhóm thi trong chương trình Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội

 

Mở màn đêm thi, nhóm Hey Man – Những chàng trai (Lê Nam, Lạc Hoàng Long, Thanh Tân, Quách Thành Nhân) mang đến tiết mục Chợ hoang, nói về những anh chàng bán hoa tết, bao lì xì và trái cây trong một khu chợ đang giải tỏa. Do ế ẩm nên họ bày ra nhiều chiêu trò để thu hút sự chú ý của khách hàng như hát Rap, nhảy HipHop…

Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan bởi khách hàng ít khi đến khu chợ gần như bỏ hoang này để mua đồ. Đã vậy, họ còn bị gã giang hồ tên Nam Gò Mả đòi tiền bảo kê, nếu không sẽ bị hắn đuổi ra khỏi khu chợ. Với áp lực kiếm tiền, các chàng trai ban đầu cũng cạnh tranh, đấu đá với nhau để tranh giành địa bàn nhưng sau đó, họ cảm thông cho hoàn cảnh của nhau và chia khu vực ra để cùng buôn bán.

Lúc này, Nam cùng đàn em của hắn quay trở lại lấy tiền nhưng không được nên đã xảy ra ẩu đả. Những chàng trai khá bức xúc vì trước đây Nam là người nghĩa hiệp và giúp đỡ họ làm ăn nhưng nay lại trở nên tham lam, bất chấp.

Lúc này Nam mới cho họ biết lý do mà anh ép họ vào đường cùng là để họ chuyển qua khu chợ mới có nhiều cơ hội hơn, dù ở nơi đó, tiền thuê sạp có cao hơn nhưng vẫn còn hơn tình cảnh bi đát hiện nay. Nhận ra tình cảm của nhau, những chàng trai đồng ý dọn đến khu chợ mới và tất cả mọi người quây quần bên nhau đón giao thừa trong tình bằng hữu ấm áp.

Với tiết mục này, Hey Man – Những chàng trai đã lấy lại được phong độ sau đêm thi xuống sức ở tuần trước. Bình luận về tiết mục, kiều nữ làng hài Nam Thư thể hiện hành động “like đậm” cho câu chuyện hài hước, hoạt náo và ấm áp tình anh em của nhóm Hey Man.

Diễn viên hài Kiều Linh ấn tượng với diễn viên Lê Nam (vai Nam Gò Mả) bởi độ duyên và độ “khùng” ngày càng tăng hơn trước. Giám khảo Anh Vũ khen nhóm chuyển từ hài kịch qua chính kịch rất ngọt, tiết tấu tốt, là đội “nặng ký” trong cuộc thi.

Giám khảo Kiều Oanh thích cách dàn dựng, mảng miếng hài rất thâm thúy của nhóm, khi xem khán giả sẽ nhớ thông điệp ngoài những lo toan kiếm sống còn có tình người ấm áp. Chị đặc biệt thích nhân vật bán bao lì xì của diễn viên Thanh Tân vì tuy nghèo nhưng nhân vật này không hèn, sẵn sàng đứng lên phản kháng lại những áp bức.

Nhóm Khủng long tí hon (Quốc Khánh, Quỳnh Lý, Hoàng Khôi, Trần Giang, Xuân Tiến) mang đến tiểu phẩm Ăn Tết lớnNội dung tiểu phẩm nói về việc ông Năm (Quốc Khánh) có 1 người con trai là Quỳnh (Quỳnh Lý) đang theo đuổi nghề diễn viên ở Sài Gòn. Do lận đận mãi mà sự nghiệp vẫn làng nhàng nên Quỳnh mặc cảm, bỏ đi suốt 6 năm không về, khiến cho ông Năm ngày đêm nhớ con.

Nhóm Khủng long tí hon với tiết mục Ăn Tết lớn

 

Một ngày họ, ông may mắn trúng số độc đắc nên gửi tiền lên cho con trai mua sắm quần áo đẹp và sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để nhờ đạo diễn tên tuổi quay phim cho con trai của mình, đồng thời thuê những thanh niên trong xóm làm fan cổ vũ khi Quỳnh về quê ăn Tết.

 

Ban đầu, vị đạo diễn đưa ra kịch bản của mình để cho 2 cha con ông Năm diễn nhưng cả hai không diễn được vì kịch bản không đúng với hoàn cảnh của họ. Cuối cùng, vị đạo diễn quyết định để 2 cha con diễn đúng cuộc sống của họ và cả hai đã mang đến những thước phim thật xúc động khi tái hiện lại hình ảnh người cha già ngày ngày mang quần áo cũ của con trai ra ngắm vì nhớ con và nỗi lòng của người con trai sau 6 năm đi biền biệt mới chợt nhận ra người cha già chính là Tết của mình.

Xúc động với câu chuyện của 2 cha con, vị đạo diễn đã từ chối nhận số tiền lót tay của ông Năm vì ông tin rằng những thanh niên trẻ có thực lực, nếu chịu khó và cố gắng thì sẽ sớm thành công. Ngoài câu chuyện xúc động về 2 cha con ông Năm, phần đầu của tiểu phẩm mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả với màn đấu khẩu của ông Năm và ông Tư kẹo do “thánh chửi” Minh Dự đóng và bộ ba tóc cúp bế Ngọc Hoa, Phương Linh, Tiến Lộc trong vai những thanh niên được ông Năm thuê làm fan cho con trai mình.

Tiết mục hài với nội dung sâu lắng về tình cha con, tình hàng xóm láng giềng đã lấy nước mắt của Nam Thư, Kiều Linh, Puka, Gia Bảo và khán giả. Diễn viên hài Gia Bảo khen kịch bản của nhóm quá hay, cười thiệt đã, khóc thiệt đã, đặc biệt anh thích diễn viên Quốc Khánh (vai ông Năm) đã trụ được khi lôi khán giả trong những tràng cười rồi chuyển 1 cái khiến mọi người khóc liền.

Diễn viên Puka xúc động bởi cô cũng từng rơi vào hoàn cảnh như người con trai trong tiết mục, ở lúc cô chưa nổi tiếng gia đình vẫn luôn là nơi ủng hộ cô rất nhiều. Diễn viên Kiều Linh chia sẻ từ nhỏ đã không cùng sống cùng cha và tình cảm dành cho cha cũng rất ít nên khi coi những tiết mục về tình cha con cô ít khi xúc động nhưng khi coi tiết mục của nhóm Khủng long tí hon, cô đã khóc nức nở.

Kiều nữ làng hài Nam Thư cũng xúc động không kém: “Chắc chắn không bao giờ Nam Thư xem lại tiết mục này vì quá xúc động. Tiết mục của nhóm thể hiện rất đúng tâm lý những người từ quê lên thành phố lập nghiệp đều mong muốn thành công để trở về cho cha mẹ vui lòng. Cũng như nội dung tiết mục về người con trai không cần lót tay sẽ đi lên bằng thực lực của mình, Nam Thư tin nhóm cũng sẽ có thực lực vào chung kết”.

Danh hài Kiều Oanh ấn tượng với thông điệp của nhóm trong tiết mục nói về ngày Tết đoàn viên, hiếu đạo của con cái với cha mẹ. Chị cho biết mỗi khi Tết đến, trên đường về quê ở miền Tây, nhìn thấy các cặp chở nhau trên xe máy về quê, với rất nhiều quà bánh, nước ngọt trên xe, chị hay dừng lại nhìn vì cảnh đó quá đẹp.

Nhóm Kỳ Tài mang đến tiết mục Ngày Tết của ba với phong cách mới lạ khi kết hợp hài kịch và ảo thuật. Nội dung tiết mục là câu chuyện của người cha già (Mạc Văn Khoa) từng là một ảo thuật gia nổi tiếng, có 4 người con trai là Trường Sơn, Huỳnh Nhu, Thế Nhân cũng theo đuổi đam mê nghệ thuật. Trường Sơn theo nghề diễn hài, Thế Nhân theo nghề xiếc khỉ, Huỳnh Nhu theo nghề ảo thuật…

Vì là nghệ sĩ trong đoàn văn công nên ngày Tết, 3 người con trai đã không thể về nhà mà phải đi diễn phục vụ khán giả. Tiết mục mở màn với hình ảnh những người con thi nhau trổ tài của mình cho cha xem. Đây cũng là phần mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả cũng như sự hồi hộp khi Huỳnh Nhu trổ tài ảo thuật dùng cọc nhọn đâm xuyên qua thùng giấy có người cha trong đấy.

Diễn biến của câu chuyện hoàn toàn bất ngờ khi tổ trưởng tổ dân phố (Lâm Văn Đời) và thư ký (Hoài Thi) đến nhà của người cha để tặng quà Tết cho người neo đơn thì khán giả mới biết hình ảnh về 3 người con chỉ là tưởng tượng của người cha. Thực chất đó là những chú chó mà người cha xem như con trai của mình để bầu bạn hàng ngày. Câu chuyện kết thúc với sự xúc động dành cho sự hy sinh của những người nghệ sĩ trong dịp Tết để mang đến nhiều niềm vui và tiếng cười cho khán giả.

Giám khảo Anh Vũ đồng cảm với tiết mục nhưng anh không thích chi tiết người con trai dùng cọc nhọn đâm vào thùng giấy có cha mình trong đó. Giám khảo Kiều Oanh lý giải rằng vì đây là một gia đình nghệ thuật mà người cha và con trai đều là ảo thuật gia nên chi tiết này chấp nhận được. Bản thân chị từng là giám khảo của chương trình về xiếc ảo thuật nên chị không quá lạ với màn biểu diễn này. Chị ấn tượng với thông điệp của tiết mục về cuộc sống của một gia đình nghệ thuật, sự hy sinh của người nghệ sĩ trong lúc các gia đình khác sum họp thì mình phải đi phục vụ bà con khắp nơi.

Diễn viên Gia Bảo khen tiết mục có nhiều chiêu trò, gây hiệu ứng với màu sắc lạ và xúc động. Diễn viên hài Nam Thư ấn tuợng với tính nhân văn của tiết mục về hình ảnh người cha nghệ sĩ khi về già vẫn đam mê nghệ thuật, dõi theo những bước đi của các con. Diễn viên Kiều Linh cho biết sự hài hước trong tiết mục đã khiến chị cười mất tư cách, sau đó lại lắng đọng với những chi tiết xúc động chạm vào trái tim, nếu vở kịch này diễn bán vé chị sẵn sàng mua vé đi xem.

Với số điểm 19,75 nhóm Khủng long tí hon đang tạm dẫn đầu, kế đến là đội Hey Man – Những Chàng Trai 19,5 điểm và đội Kỳ Tài 19,25 điểm. Đêm thi thứ 10 của Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội là đêm thi không loại. Số điểm của các đội sẽ được cộng dồn với các đêm thi tiếp theo.

Nguồn: Mi Ty ( Thế giới điện ảnh )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *