Mở màn tập 7 Ký ức ngọt ngào 2023, chính là màn tái hiện hit xưa của 2 nữ thần tượng. Nếu Phương Dung mang đến những giây phút sâu lắng cùng Nỗi buồn gác trọ thì Ánh Tuyết lại khiến cả trường quay trở nên rộn ràng với Ô mê ly. Phần trình diễn của 2 danh ca khiến khán giả như được ngồi trên chuyến xe ký ức để trở về ngày xưa
Vốn nổi tiếng với tên gọi Nhạn trắng gò công, khi MC Kim Tử Long thắc mắc nguồn gốc biệt danh này, danh ca Phương Dung cười giải thích: “Biệt danh đó xuất hiện năm 1961, nhạc sĩ Mạnh Phát viết Nỗi buồn gác trọ và giao cho chị, lúc đó chị còn trẻ mới 15 tuổi. Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên mời chị hát bài Nỗi buồn gác trọ, chị lúc đó là học trò, không có tiền cũng không biết diện thế nào thành ra ngoài tà áo trắng chị không có cái khác. Thành ra chị mặc áo dài trắng hát thì thi sĩ Kiên Giang Hạ Huy Hà đã viết một bài báo, ông nói có một cô học trò ở tỉnh Tiền Giang, Gò Công đã hát bài hát này và được khán giả rất thương mến, thành ra ông tặng cho cái biệt danh, mà tới bây giờ đi đâu chỉ nói tên chị người ta sẽ nói Nhạn Trắng Gò Công”.
Danh ca Phương Dung chia sẻ thêm trước Nỗi buồn gác trọ, Đường về khuya là cột mốc trong sự nghiệp âm nhạc – bài hát đầu tiên đưa cô đến với khán giả. Nỗi buồn gác trọ tuy không mang đến nhiều cát-xê nhưng để lại trong cô một ký ức hết sức ngọt ngào: “Nhạc sĩ Huỳnh Anh và nhạc sĩ Mạnh Phát đã dày công, thương mến mình và bài hát nào của 2 người nhạc sĩ đó đưa ra đều dạy cho mình, cái ký ức ngọt ngào đó cộng thêm ký giả Kiên Giang Hạ Huy Hà. Có 3 người trong sự nghiệp của chị, chị mang ơn cho đến bây giờ. Và cũng nhờ 2 nhạc sĩ đó mà cô Sáu Liên mới đưa chị vào con đường đĩa nhạc. Gia tài lớn nhất của chị chính là cái tên Nhạn Trắng Gò Công”.
Ở độ tuổi 79, danh ca Phương Dung tâm sự 8 người con đều không muốn mình tiếp tục đi hát. Đáp lại câu hỏi “Chị có muốn mở lớp, truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ không?” của Kim Tử Long, cô bồi hồi tâm sự: “Chị yêu cái người tình âm nhạc từ lúc 5 tuổi và không bỏ người này được. Chị có nói với con: Mẹ đi hát bây giờ cát-xê không quan trọng mà mẹ muốn gặp lại những khuôn mặt thân thương và muốn đứng lại phải có một truyền nhân xứng đáng của mình”.
Nhìn về phía truyền nhân Quốc Linh, cô nói: “Linh là chị dạy khi đứng trước khán giả quần áo phải đàng hoàng tươm tất và cái lời giới thiệu bài hát phải khác biệt, phải suy nghĩ. Ví dụ như khi chị hát bài Hàn Mặc Tử: Vào thập niên 40 có một thi sĩ rất nổi tiếng, sao anh không về thăm thôn vĩ. Nhìn nắng hàng cầu nắng mới lên. Vườn ai mướt quá xanh Như Ngọc. Lá trúc chen ngang mặt chữ điền. Mời quý vị thưởng thức dòng nhạc của tác giả Trần Thiện Thanh với bài hát Hàn Mặc Tử. Tự mình mình phải suy nghĩ, ví dụ mình hát một bài thơ của ông Nguyễn Bính thì mình phải nói một câu để dẫn dắt người ta, dẫn khán giả đi theo mình. Thành ra chị dặn Linh con phải suy nghĩ”.
Theo NSƯT Kim Tử Long, giọng hát của danh ca Phương Dung không hề trùng lặp với bất cứ người nào, cô là một nghệ sĩ chỉn chu ngay cả trong cách giới thiệu ca khúc. Hết sức đồng tình, danh ca Ánh Tuyết nói: “Có thể nói những nghệ sĩ thời của chị Dung về trước, các chị mà cất giọng lên thì mọi người có thể nhận ra ngay đó là ai, cái âm sắc cũng như phong thái rất riêng”
Không hề thua kém đàn chị, danh ca Ánh Tuyết cũng sở hữu giọng ca hết sức đặc biệt. Kim Tử Long khẳng định Ô mê ly của cô không phải ai cũng có thể hát được, nam NSƯT từng suýt cắn trúng lưỡi khi ca thử trong một gameshow. Theo nam MC chỉ những người có giọng ca trời phú giống danh ca Ánh Tuyết mới thể hiện được những nốt cao nhất trong Ô mê ly.
Khi được hỏi về đam mê ca hát, nữ thần tượng từ tốn tâm sự: “Nói thực thì chị có một niềm đam mê từ nhỏ xíu, trong gia đình chị mọi người đều rất yêu âm nhạc. Ba chị ngày xưa dạy học thôi nhưng đến giờ giải lao lại dạy hát cho tất cả mọi người, lúc đó chị 3 tuổi mỗi lần thấy ông dạy hát đều chạy từ ngoài vườn chạy vô đứng hát luôn, cứ nhép miệng theo và sau đó bài hát đầu tiên biết trong cuộc đời là Những đồi hoa sim, nhưng hát lời 2 chứ không phải lời 1. Đến mãi những năm sau này thì nghe rất nhiều những nghệ sĩ lớn đi trước.
Nhà Ánh Tuyết là nhà hàng bán cơm nên mở nhạc cả ngày cho mọi người nghe, nghệ sĩ nào hát mình cũng nghe. Trẻ con, không nhận thức được nên mình bắt chước người ta mình giống người ta nhưng cứ nói người ta giống mình. Đặc biệt nhái ai cũng nhái hết xong cứ nghĩ người ta giống mình, đặc biệt nói cô Thái Thanh giống mình, khổ vậy đó. Nhưng thực ra Ánh Tuyết có giọng hát có âm vực rộng, thuận lợi và sau đó Ánh Tuyết thích bài Ô mê ly, thích bởi vì nó vui tươi, sinh động và yêu đời. Nó có cảm nhận chan hòa với cuộc sống thế là từ đó hát chơi, hát chơi thôi nhưng mọi người thấy vậy bốc lên sân khấu hát vậy thôi mà cũng không nhớ hồi nào nữa, nhớ hồi nhỏ thôi.
Mình học người đi trước vì trong nghệ thuật có quyền thừa kế. Chúng ta thừa kế và biết mình phù hợp ở đâu và sẽ tự nâng khả năng, ưu điểm đó lên. Cho nên thế hệ trẻ sau này cũng vậy, có thuận lợi nhìn người đi trước và chúng ta biết loại bỏ những gì không phù hợp với mình. Dẫu người đi trước giỏi nhưng các em không nên thấy người ta hay mà mình bắt chước nếu nó không phù hợp với mình. Điều đó khiến mình không bước xa hơn được mà chỉ là cái bóng. Cho nên là mình nhớ học cái gì trong khả năng có thể nâng lên được và từ đó Ánh Tuyết học ở các cô chú, anh chị đi trước ở ưu điểm phù hợp với mình”. Không ngừng học hỏi và nâng cao giá trị, ưu điểm bản thân chính là điều danh ca Ánh Tuyết muốn nhắn gửi tới thế hệ trẻ
Ngoài lắng nghe giọng ca cùng những tâm sự của danh ca Phương Dung – Ánh Tuyết, chúng ta còn được thưởng thức 2 nghệ sĩ trẻ thể hiện hit của thần tượng. Nếu Minh Sang lựa chọn Bức họa đồng quê thì Quốc Linh lại thể hiện Về đêm, cả 2 tiết mục đều khiến thần tượng vô cùng hài lòng. Những chia sẻ tiếp theo sẽ có trong tập 8 Ký ức ngọt ngào sẽ phát sóng lúc 21h00 Chủ nhật ngày 30/7 trên kênh THVL1.
Theo thegioidienanh