Việt Hương ví mình như một người lữ hành trên sa mạc, đi tìm nước uống. Chị đi chân đất đến với nghệ thuật, bàn chân giờ đầy sẹo nhưng đã vững vàng hơn trước sóng gió.
Vừa về nước, Việt Hương lập tức lên sàn tập nhưng không phải diễn hài. Lần đầu tiên, chị bị một chương trình “làm khó” – bắt phải múa ballet. “Hồi nào tới giờ tôi chỉ biết diễn hài, hát chứ có biết múa may gì đâu! Mà múa ballet mới khổ chứ!” – Việt Hương phân trần. Nói là nói vậy thôi chứ chị đâu ngại khó. Việt Hương “bay” lên sàn tập. Ai dè, chị múa ballet cũng không đến nỗi tệ!
Điều gì khó, có Việt Hương
Ai thân với Việt Hương đều biết chị chẳng ngán thử thách nào trong nghệ thuật. Đang diễn hài, đóng phim, chị quay qua ngồi “ghế nóng” làm giám khảo. Vai trò này chưa nguội, chị chuyển sang làm MC. “Là nghệ sĩ, phải luôn làm điều khán giả cần. Diễn viên hài mà đi ngồi ghế giám khảo hay làm MC đều khó cả nhưng tôi thích lao vào cái khó để thử thách mới ác chứ!” – chị cười.
Nghệ sĩ hài Việt Hương ngoài đời |
Ở vai trò nào, Việt Hương cũng được khán giả thích. Chưa nói đến chuyên môn, chất hài khó nhầm lẫn của chị đã góp phần giúp chương trình thành công. Không có vẻ ngoài sang trọng hay chiều cao lý tưởng nhưng chị luôn biết cách làm mình nổi bật, nhất là giọng nói khàn đặc trưng và cái miệng không bao giờ ngưng nói. Việt Hương không thể ngồi im một chỗ, cứ xoay trở, lắc qua lắc lại, đối đáp gọn lẹ, nói nhanh như chớp, đến nỗi khó ai chen vào khi chị đang say sưa. Mới gặp Việt Hương ai cũng vui nhưng không khéo lại “khóc” với chị.
Khả năng thu hút và đa dạng của Việt Hương trên sân khấu rất khủng khiếp. Nhờ ngoại hình nhỏ bé, chị có thể làm trẻ con, cô bé quàng khăn đỏ, bà già, phù thủy và làm cả… tên lưu manh. Đang làm phụ nữ hạng U60 nhưng trong tích tắc, chị vô hậu trường tròng vào chiếc váy, đội lên đầu cái nơ rồi ra sân khấu nhảy chân sáo, miệng hát líu lo thành cô bé tuổi teen.
Việt Hương đóng nhiều vai nhưng được yêu thích nhất khi vào vai trẻ con. Việt Hương là tương phản của Thúy Nga. Nếu như Thúy Nga có khả năng biến hóa thành vai bà già dễ dàng thì Việt Hương lại biến thành trẻ con nhanh chóng, dù sở hữu chất giọng khàn là một bất lợi khi vào vai này.
Trước đây, ai cũng bảo chị đừng dại chọn vai khó như vậy. Thế nhưng, ai đã xem vai trẻ con của Việt Hương, như Liên trong Trò đùa của người lớn hay Hoài Thu trong Hoài Thu của tôi, mới thấy chị biến cái nhược thành ưu điểm thế nào. Có một thời, Việt Hương bị chê diễn hình thể nhiều quá, tức là cứ nói huyên thuyên, mặt mày biểu cảm đủ kiểu. Song càng ngày, nét diễn của chị càng đậm, càng sâu hơn.
Từ ngày xa quê, Việt Hương vẫn không bỏ quên khán giả. Hễ có lời mời là chị “bỏ” chồng con về nước, lên sàn diễn, ra phim trường. Một năm chị đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam đến hơn 10 lần. Sức khỏe chị dạo này rất yếu vì phải bay liên tục, thay đổi giờ giấc nên mất ngủ trầm trọng. “Tôi phải dùng đến thuốc ngủ những lúc không thể chợp mắt nổi. Mệt là vậy nhưng bước lên sân khấu là quên hết. Tôi mê khán giả lạ lùng!” – chị thổ lộ.
Nước mắt sau màn nhung
Hồi nhỏ, Việt Hương sống rất cơ cực. Cha mẹ chia tay khi chị còn ẵm ngửa. Trong ánh mắt non nớt trẻ thơ, Việt Hương chưa bao giờ hình dung được bóng dáng, lời nói của cha. Từ ngày không gần cha, chị buồn nhiều hơn, phần vì thiếu vắng, cô đơn; phần vì đối diện nghèo khó. Nhà nghèo, 2 mẹ con rau cháo sống qua ngày.
“Cực quá, tôi lớn không nổi. Tủi thân nhất là lúc ốm đau, thèm một ly sữa đến mức tôi nghĩ được uống chắc sẽ hết bệnh liền! Tôi thèm tình thương của ba đến cồn cào” – chị bồi hồi. Thấy giọt mồ hôi rơi ướt nhễ nhại trên đôi vai gầy hao của mẹ, Việt Hương không cầm lòng. Chị bươn bả với nhiều nghề bán buôn, đi hát ở các quán ăn, nhà hàng để kiếm tiền. Bị cuộc mưu sinh cuốn đi, chị sống những ngày tháng u uất nhất của cuộc đời.
Việt Hương cho biết hồi nhỏ, chị thích làm bác sĩ. Lớn lên một chút, chị thích làm y tá rồi cô giáo dạy trẻ. Có máu nghệ thuật bẩm sinh (ông ngoại là nhà ảo thuật xiếc Huỳnh Thế Sơn, cha là nghệ sĩ xiếc Lâm Bằng), chị mê sân khấu lúc nào không hay nên thi vào Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP HCM. Ra trường, chị càng cực hơn. Hình như chưa có sân khấu nào chị chưa qua, từ thành phố đến tỉnh lẻ xa xôi, từ trong đến ngoài nước. Vai nào chị cũng thử, từ già đến trẻ, từ giang hồ đến công chúa. Mọi người có thể chê chị diễn không hay nhưng chưa ai bảo chị lười biếng.
Có năng khiếu, có đam mê nhưng Việt Hương lại chịu nhiều bất công. “Tôi luôn bị xử ép. Bạn diễn không hợp tác, không giúp mình, tôi buộc phải tự diễn luôn phần của họ nhưng trớt huớt, khán giả không cười” – chị kể. Mỗi đêm, chị thường đứng sau cánh gà, vớ lấy 2 bức màn nhung lau nước mắt. Việt Hương ví mình như một người lữ hành trên sa mạc, đi tìm nước uống. Chị đi chân đất đến với nghệ thuật, bàn chân giờ đầy sẹo nhưng đã vững vàng hơn trước sóng gió.
Gặp ai cũng cười nói nhưng lúc chỉ có một mình, Việt Hương không mở miệng được. “Cái dở nhất của tôi là khi buồn không thể chia sẻ với ai, cứ giữ trong lòng. Nỗi buồn chán cứ tích tụ trong lòng, ngày một dâng cao đến nỗi thành bệnh” – chị tâm sự. Lúc mẹ mất, chị cũng không thể nói hay khóc được, hầu như không còn cảm xúc. “Trong thời gian dài, tôi phải nhờ bác sĩ cho thuốc uống để khóc, xả bớt đau buồn ra ngoài. Giờ tôi học cách sống mở lòng ra, chia sẻ, tâm sự với mọi người để không trầm uất” – chị thở dài.
Cô đơn nơi xứ người
Việt Hương qua 2 chuyến đò nhưng chỉ một lần hạnh phúc. Chị kết hôn lần đầu tiên năm 23 tuổi, lúc tên tuổi nổi như cồn. Chị không mắc bệnh ngôi sao trong công việc nhưng lại cư xử theo kiểu “ngôi sao” khi về gia đình. “Tôi đi diễn hôm sớm, tập trung kiếm tiền. Những bữa cơm nhỏ, tôi cho là không cần thiết” – chị nói.
Nếu có một niềm ân hận nhất trong cuộc đời thì đó là việc chị không biết chăm lo cho gia đình. Khi hạnh phúc gia đình vụt mất, giấc mơ mái nhà không ít lần ám ảnh Việt Hương. Sau này, trong những chuyến lưu diễn hải ngoại, chị gặp nhạc sĩ Hoài Phương rồi kết hôn, định cư ở Mỹ, sinh một bé gái – nay đã gần 5 tuổi.
Những ngày đầu mới qua Mỹ, Việt Hương mới cảm nhận được cuộc sống nơi xứ lạ không dễ dàng gì. Không chỉ diễn hài ở khắp các tiểu bang, chị còn phải đi hát nhưng chủ yếu vào những ngày cuối tuần. Chị cùng nghệ sĩ Hoài Tâm hùn hạp vốn mở nhà hàng, bán những món ăn Việt. Bù lại, chị cảm nhận được hạnh phúc thật sự của một mái nhà. “Tôi dành nhiều thời gian cho gia đình, từ việc mua sắm vật dụng, san sẻ công việc nhà, vào bếp, chăm con với chồng. Phụ nữ phải biết giữ gia đình, giữ sự ấm cúng của góc bếp” – chị cảm nhận. Giấc mơ về mái nhà hạnh phúc ngày nào giờ đã thôi ám ảnh chị.
Nhà Việt Hương nằm ở miền Nam California, trong một không gian thiên nhiên thoáng mát, trên bàn ăn lúc nào cũng đầy ắp món Việt Nam. Mỗi lần về nước, chị đều học thêm một món ăn mới để đưa vào nhà hàng, mang lên bàn cơm nhà mình. Ngày xưa Việt Hương lao vào công việc là coi như quên hết. Giờ chị đi đâu cũng nghĩ đến chồng con, có món ngon vật lạ cũng mua dành mang về cho họ.
“Mỗi lần vấp ngã đứng lên là mỗi lần chân mang một vết sẹo. Cần nhìn nó thường xuyên để biết mình phải làm gì không lặp lại sai lầm” – chị chiêm nghiệm. Việt Hương không muốn từ nay đến cuối cuộc đời còn làm điều gì khiến mình phải ân hận nữa.
Ở nước ngoài, Việt Hương rất ít bạn bè, người thân, trừ chồng con và nghệ sĩ Hoài Tâm. Khi về Việt Nam, Hoài Linh là người quấn quýt với chị nhiều nhất. Việt Hương luôn gắn liền với những người có chữ lót là Hoài. Hoài Thu cũng là vai diễn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của chị.
Việt Hương bảo càng lớn tuổi, chị càng thấy cô đơn vì những người thân yêu lần lượt rời xa mình. “Ở Mỹ, con cái đến 18 tuổi sẽ ra ngoài sống tự lập, lúc đó còn vợ chồng già nên sẽ cô đơn. Thấy cảnh các cụ già sống trong trại dưỡng lão mà thương họ quá! Không biết sau này mình có như vậy không…” – chị trầm tư.
Nguồn: Minh Nga ( Người lao động )