Trường quay Focus 300 có quy mô 700m2, với trang thiết bị hiện đại được nhập về từ Mỹ, do nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải đảm nhận vừa được khánh thành tại Phú Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Theo đánh giá của nhiều đạo diễn, đây là một trường quay tốt cho việc quay các phim ca nhạc, phim truyền hình, talk show, game show…

Trường quay nhỏ nhưng… chuẩn

Trường quay ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu, khiến những người làm nghề gặp không ít khó khăn, tốn không biết bao nhiêu tiền của, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Cũng chỉ vì mỗi lần ra Bắc làm việc, quay phim, quay quảng cáo… phải đi thuê trường quay quá vất vả nên nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải đã quyết định cùng với một người bạn xây dựng trường quay Focus 300.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, hiện nay, có nhiều người xây dựng trường quay và mỗi người hiểu về trường quay theo cách riêng của mình. Với Focus 300, Lê Thanh Hải muốn đi theo hướng… chuẩn. Bởi nhiếp ảnh gia này cho rằng, nhiều khi có ý tưởng rất hay nhưng không làm sao tìm được bối cảnh trường quay phù hợp. Cuối cùng ý tưởng hay “bay” thành nửa mùa.

 
Mô hình trường quay Focus 300 của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải. Ảnh: CTV

 

Với diện tích 700m2, được trang bị bằng các thiết bị được nhập từ Mỹ vào loại hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Có phòng thu thanh, ánh sáng, hậu kỳ đồng bộ và máy quay hiện đại có thể quay dưới nước, quay xuyên gầm ôtô… Để có được một trường quay như vậy, Lê Thanh Hải đã phải đi thực tế nhiều trường quay trên thế giới và đặc biệt học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm xây dựng trường quay ở Hollywood. Do đó, nhiếp ảnh gia này khẳng định, có thể đây là một trường quay nhỏ nhưng chuẩn nhất Việt Nam hiện nay.

Chuẩn để làm nghề cho tử tế

Nhiếp ảnh gia Thanh Hải cho biết, hiện hai trường quay được nhiều đoàn làm phim đã và đang sử dụng nhiều để quay phim là Hàng Dầu và Hãng phim truyện Việt Nam, vẫn chưa thể gọi là trường quay mà chỉ có thể gọi là chỗ trống để đoàn phim đến làm. Và vẫn không theo chuẩn nào cả.

Theo nhiếp ảnh gia này, cái không chuẩn ở đây bộc lộ từ nhiều khâu. Đó là, đồ dùng dụng cụ được trang bị rất xịn, nhưng lại cực kỳ bị rẻ rúng, không giữ gìn. “Tôi không chịu được cảnh có người trèo lên ghế đẩu, giơ tay cầm đèn để tôi quay, hay trèo lên cây, buộc dây thừng để treo đèn, trong khi chân cao có, dàn đèn có mà không dùng”, Thanh Hải nói.

Điều không chuẩn nữa theo Thanh Hải đó là một phim truyền hình được bình giá 120 triệu đồng/tập sản xuất, bán cho đài 200 triệu đồng. Anh bức xúc: “Tôi cho rằng định giá này cực kỳ vô lý, vì một cảnh quay trong bếp thì bình thường, nếu quay ở sa mạc mà đơn giá cũng như vậy thì đạo diễn phải tính thế nào? Phải chấp nhận làm không hay là điều dễ hiểu. Thế nên tôi nói chuẩn cũng phải theo kịch bản, nó là cái gì và cần bao nhiêu. Nếu có điều kiện làm việc tốt, người làm nghề sẽ làm nhanh hơn, tốt hơn và quan trọng là dám nghĩ tới những cái lớn hơn”.

Việc nhiếp ảnh gia này xây dựng trường quay không vì mục đích kinh doanh mà chỉ đơn thuần phục vụ công việc và đồng nghiệp của mình để họ có điều kiện làm việc tốt hơn. “Tôi không định cái giá nào khi cho thuê vì không tính chuyện kinh doanh. Việc này sẽ dựa trên tinh thần làm tạo điều kiện tốt cho người làm nghề, thậm chí có thể cho mượn không nếu đó là bạn và những người thực sự tâm huyết với nghề”, nhiếp ảnh gia Thanh Hải chia sẻ.

Với Focus 300 ngoài việc trang thiết bị chuẩn, Lê Thanh Hải sẽ tuyển nhân sự và đào tạo đội ngũ lành nghề từ quay phim, đạo diễn… để củng cố và đưa trường quay theo mô hình chuẩn quốc tế.

Theo datviet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *