Diễn xuất biến hóa của nghệ sĩ gạo cội lột tả đậm nét chân dung nhà lãnh tụ Việt Nam trong phim "Nhà tiên tri".
Nhà tiên tri là phim mới về chân dung Hồ Chí Minh của đạo diễn Vương Đức và biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Phim gây ấn tượng nhất ở màn hóa thân sáng giá của NSND Bùi Bài Bình.
Bùi Bài Bình nhập vai tự nhiên và sắc sảo với nhân vật Hồ Chí Minh. |
Trước khi đến với Nhà tiên tri, Bùi Bài Bình từng ghi dấu diễn xuất trong các mẫu vai đa dạng – hiền lành yếm thế trong Mùa ổi và ác nghiệt đểu giả trong Ma làng. Hóa thân thành Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian nằm gai nếm mật trên Việt Bắc những ngày kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 đến 1954, NSND toát ra hình ảnh nhà lãnh tụ vừa tài ba, vừa gần gũi.
Ngay đầu phim, người xem thấy một Hồ Chí Minh kham khổ, gầy guộc, mặt sạm đen vì ăn rau rừng, uống nước suối, ngủ hang đá và trúng sốt rét. Tuy vậy. thần thái của một người cầm quân cương quyết chỉ huy các chiến dịch kháng chiến chống Pháp vẫn hiện lên qua biểu cảm trên khuôn mặt của Bùi Bài Bình. Ông cũng diễn tả tài tình từ dáng vẻ uy nghi ngồi thảo thư trong các lán trại, chống gậy leo dốc đá, thuần thục dong ngựa xuyên rừng, hay thong dong câu cá trên suối ở nơi gần bom rơi… Trong cảnh đối đáp với nhà báo người Pháp ở giữa lán trại trên rừng Việt Bắc, Bùi Bài Bình chắp tay đi lại ngẫm ngợi và đưa ra những lời nói đanh sắc của một nhà ngoại giao giỏi đối đáp.
Ngoài diễn bằng vẻ mặt và hành động, Bùi Bài Bình còn khiến hình tượng Hồ Chí Minh trở nên "rất đời" khi lồng vào những lời thoại tự nhiên. Trong một cảnh phim hành quân xuyên rừng, nhà lãnh tụ nói đùa với những người đi cùng: “Hồ Chí Minh muốn nằm” thay cho dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” để tạo không khí hài hước, gần gũi giữa người chỉ huy và anh em tướng sĩ.
Về cuối phim, người xem gần như quên hẳn Bùi Bài Bình đang diễn Hồ Chí Minh mà chỉ thấy nhân vật ông đóng đang sống trên khuôn hình. Sự hóa thân tự nhiên của nghệ sĩ gạo cội để lại dấu ấn riêng so với các chân dung Hồ Chí Minh từng được diễn bởi Tiến Hợi, Trần Lực hay Minh Đức. Để đóng tốt, Bùi Bài Bình đã không ngại giảm cân, mài răng, nuôi râu và mày mò học hỏi ba ngoại ngữ.
Cảnh họp bàn trong lán trại trên núi trong phim. |
Ngoài hóa thân của Bùi Bài Bình, tác phẩm có kịch bản tốt được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn Vương Đức và nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Phim mở ra bằng cảnh vị chỉ huy chiến dịch đang gặp sốt rét thì phải chạy trốn khỏi trận càn ác liệt. Từ đó, nhịp dựng luân chuyển nhuần nhuyễn giữa những hoạt động của Hồ Chí Minh như họp bàn kháng chiến, tiếp nhà báo Pháp, sang Trung Quốc rồi sang Nga để tìm đến liên minh cộng sản.
Phim cũng mô tả chân thực cuộc sống người dân miền núi rừng khi theo kháng chiến và phần nào cho thấy sự trưởng thành của những người dưới quyền Hồ Chí Minh thuở trứng nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp (anh Văn) hay kỹ sư quân sự Trần Đại Nghĩa.
Cốt truyện phim đan cài song song hai tuyến rõ ràng, vừa kể về cuộc sống gian truân của Hồ Chí Minh ở chiến khu, vừa kể về cuộc kháng chiến kéo dài 10 năm chống Pháp từ 1947 đến 1954. Điều này làm cho một bộ phim tuyên truyền trở nên không khô cứng mà dễ theo dõi.
Cảnh nhân vật Hồ Chí Minh vượt rừng trên chiến khu Việt Bắc. |
Nhà biên kịch – nổi tiếng với tập thơ Viên xúc xắc mùa thu hay kịch bản Hà Nội mùa Đông năm 46 (1997) – cho biết ông ấp ủ ý tưởng, nghiên cứu và phác thảo chi tiết trong 10 năm để cho ra kịch bản Nhà tiên tri. Khi xem phim, khán giả sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh được lấy ra từ lịch sử như cảnh nhà lãnh tụ đội mũ cối ngồi trên ghềnh đá chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đạo diễn Vương Đức – từng làm Những người thợ xẻ và Rừng đen – chứng minh bản lĩnh của nhà làm phim "hiểu rừng". Dưới những góc máy do ông chỉ đạo, rừng núi chiến khu hiện lên bạt ngàn vừa thơ mộng, vừa thiêng độc. Những cảnh toàn từ trên cao, cảnh trung đặt máy quay trước tán lá, cảnh cận bắt khuôn mặt lấp ló sau bụi gai làm nổi lên cuộc sống nhiều nhịp điệu ở vùng Tây Bắc. Trên những con đường ngoằn nghèo, âm u có khi thấp thoáng bóng phụ nữ hái rau rừng hay đàn ông rong ngựa trở thành vài điểm nhấn thi vị cho phim. Dàn cảnh của phim cũng khá tốt khi biết đưa nhân vật vào hình rồi ra khỏi khung hình hợp bố cục.
Bộ phim 16 tỷ không chọn cách gây ấn tượng ở các đại cảnh chiến tranh. Không khí chiến tranh trong phim không khốc liệt, chết chóc mà đa phần được làm mang tính mô tả, gợi mở. Thậm chí những trận đánh ác liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ở đoạn kết thúc phim được lược đi và dùng thuyết minh để dẫn dắt.
Nhà tiên tri được chiếu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 – diễn ra từ 19/8 đến 5/9 trên khắp cả nước. Phim đang chiếu ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội và ở hệ thống rạp nhà nước.
Nguồn: Vũ Văn Việt ( VnE )