Xóm làng nhang ở Thị trấn Cái Vồn đã tồn tại hàng trăm năm |
Chúng tôi đến thăm cơ sở làm nhang của gia đình bà Hồ Thị Đầm. Bà là thế hệ thứ 3 nối nghiệp ông bà. Các con bà là thế hệ thứ tư cũng đang sống bằng nghề này. Những kiện nhang thơm được đóng gói sẵn, chờ xe đến chuyển đi theo hợp đồng đã bán cho thương lái. Sản phẩm gia đình bà làm ra mẫu mã khá đẹp, tuy vẫn còn sản xuất phương thức sản xuất cũ là nhúng tăm vào nước rồi rắc bột hồ keo… sau đó làm tròn nhang bằng thùng lắc. Phải bốn lần nhúng và lắc như vậy mới thành những bó nhang khá đều nhau. Tuy nhiên, mới chỉ là nhang trắng, chưa sử dụng được. Nhang trắng phải phơi một nắng cho khô rồi đem nhúng với phẩm màu vàng, phun hương liệu cho thơm rồi đưa ra dàn phơi một lần nữa cho thật khô.
Hầu hết bà con đóng gói nhang đều làm giống nhau theo kiểu sắp thành hình lục giác, cạnh là 9 cây hoặc 11 cây. Tùy theo bó lớn, bó nhỏ và loại nhang trung bình hay cao cấp mà định giá khác nhau. Chỉ cần vài động tác vỗ thật chuyên nghiệp là xong một bó nhang hình lục giác thật đẹp. Bà con cho biết, hình thức vỗ nhang thành gói hình lục giác này mới xuất hiện ở Bình Minh vài năm gần đây nhờ những người thợ đi làm xa, học nghề rồi mang về áp dụng ở quê mình…
Ngày xưa, bà con xóm nghề phải phải tự mua tre về chẻ tăm, bột nhang làm từ lá gòn nên phải mua lá về phơi rồi xay thành bột làm nhang, rất mất thời gian. Ngày nay, bột nhang được các nhà máy ở TPHCM sản xuất công nghiệp và cung cấp cả tăm tre chuốt bằng máy. Chi phí làm nhang có tăng cao hơn, nhưng bù lại, bà con sản xuất được nhanh, đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mỹ cũng đang cùng các con vừa làm vừa phơi để kịp gởi xe đò về Sóc Trăng, Bạc Liêu cho chồng chị kịp bán trong những ngày trước Tết. Tháng cuối năm, nguyên liệu bắt đầu khan hiếm và tăng giá, chị biết trước nên mua tăm và bột nhang dự trữ khá nhiều, có dư để khai trương sản xuất ngày đầu năm mới…
Mùa Tết năm nay, xóm làm nhang càng nhộn nhịp hơn bởi nhiều hộ đã đầu tư mua máy ép nhang. Đây là loại máy được bà con thiết kế rồi nhờ cơ sở hàn tiện gia công thành máy ép nhang. Công xuất làm ra cây nhang rất nhanh, chỉ cần trộn một lần bột hồ rồi đưa vào máy, người thợ chỉ cần 2 thao tác : đưa tăm tre vào và đạp là có cây nhang… Sau đó là đem phơi, không còn các công đoạn nhúng, dọng, lắc gì cả…
Anh Nguyễn Bảo Việt có một cơ sở lớn trong xóm nhang. Anh học nghề làm nhang từ ông bà ngoại. Vì vậy, dù trẻ, nhưng anh cũng có thâm niên trong nghề từ lúc làm nhang bằng công nghệ gia truyền. Ngoài các máy ép nhang bằng bàn đạp chân ra, anh còn cải tiến thêm một máy ép nhang bằng điện, công xuất lại tăng thêm khoảng 30% nữa và động tác của người thợ là chỉ còn đưa cây tăm tre vào là có ngay cây nhang thành phẩm, rất nhanh và nhẹ nhàng…
Nghề làm nhang của bà con có thuận lợi là mùa nào bán cũng được, không theo mùa vụ. Mùa mưa thì thương lái mua thu gom trước đó để trữ hàng bán vào các dịp lễ. Vào mùa mưa, bà con vẫn làm được nhang nhưng làm ít để có hàng gối đầu, bán cho thương lái khi họ cần.
Từng bước hiện đại hóa sản xuất là nhu cầu tất yếu của nghề, nhưng bà con vẫn giữ được cái gốc cơ bản của làng nghề. Tập quán thắp nhang tưởng niệm người quá cố được xem là một việc làm thiêng liêng, biểu hiện sự tri ân, lòng hiếu thảo của thế hệ đi sau đối với ông bà và các bậc tiền nhân có công với dân, với nước… Vì vậy, đây là một nghề có sức sống bền lâu, cần được quan tâm giữ gìn và hỗ trợ để phát triển bền vững.
Quách Nhị