Xăm hình tạo dấu ấn tồn tại vĩnh viễn trên da. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như: xin việc làm, xuất khẩu lao động, hình xăm xấu, chia tay người yêu khiến nhiều người chật vật tìm cách xóa xăm trong nhiều năm. Có một số trường hợp để lại biến chứng sau xóa xăm bao gồm: nhiễm trùng, hoại tử da, sẹo lồi… Lựa chọn phương pháp xóa xăm hiệu quả và phù hợp giúp giảm đau, không để lại sẹo, xóa sạch mọi màu mực.
Chương trình tư vấn trực tuyến “Xóa xăm hậu chia tay”.
20 giờ tối 27/07, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Xóa xăm hậu chia tay” với sự tham gia của 3 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Da liễu – Thẩm mỹ Da.
- Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích với 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh Da liễu – Thẩm mỹ da, hiện là bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung với chuyên môn giỏi, kinh nghiệm nhiều năm ở lĩnh vực Ứng dụng Laser và Ánh sáng trong điều trị, cải thiện các vấn đề về da, hiện là bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
- Thạc sĩ bác sĩ nội trú CKI Trần Nguyễn Anh Thư có nhiều bài nghiên cứu khoa học về bệnh da liễu được đăng trên các báo Y tế nước ngoài và tạp chí Y học Việt Nam. Bác sĩ Thư giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng Laser, ánh sáng và các thiết bị năng lượng vật lý trong điều trị da thẩm mỹ, hiện là bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình được hàng chục nghìn khán giả theo dõi và gửi rất nhiều câu hỏi, thắc mắc về xăm hình, phương pháp xóa xăm hiệu quả và điều trị biến chứng do xăm và xóa xăm. Ngay trong chương trình, các bác sĩ đã tư vấn tận tình cũng như giải đáp đầy đủ về cấu trúc da, ảnh hưởng của mực xăm với sức khỏe, các phương pháp xóa xăm hiệu quả hiện nay và cách chăm sóc da sau xóa xăm.
Mực xăm và những biến chứng xóa xăm sai cách
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích giải thích về cấu trúc da và những ảnh hưởng của xăm hình.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: xăm mình là hình thức sử dụng kim để đưa mực vào lớp bì của da. Mực thường được sử dụng để xăm là mực công nghiệp chứa các chất như: coban, niken, sắt, titan… những chất này khi ở lâu trong cơ thể dễ gây đột biến gen và ung thư. Đặc biệt một số loại mực có chứa chất nhân thơm đa vòng (Hydrocacbon thơm đa vòng (PAH)) dễ gây ung thư hơn. Do vậy, ở các nước tiên tiến trên thế giới đã cấm một số hóa chất có nhân thơm đa vòng trong mực in và mực xăm.
Trong quá trình xăm hình, mực không được vô khuẩn vô tình đưa một lượng vi khuẩn vào cơ thể gây nhiễm trùng da, nếu không được chăm sóc tốt có thể gây hoại tử da. Do đó trước khi quyết định xăm hình người dân cần tìm hiểu kỹ về mực xăm có những thành phần gì, có những chất gây hại cho da hay không.
Bác sĩ Bích khuyến cáo với tình trạng xóa xăm hiện nay, nhiều bạn trẻ truyền tay nhau sử dụng kem bôi xóa xăm. Thực chất kem bôi xóa xăm chứa hàm lượng acid, mục đích chủ yếu để bong da. Nguy hiểm khi nhiều cơ sở, cá nhân xóa xăm bằng bôi kem chứa lượng acid nồng độ cao gọi là tẩy da, việc này làm ăn mòn và tạo ra sẹo trên da. Những sẹo do acid nồng độ cao gây ra có thể là sẹo lồi, sẹo co rút, sẹo co kéo khiến da tổn thương nhiều hơn. Ngoài ra, việc sử dụng các hình thức xóa xăm xâm lấn khác mà không có sự theo dõi của bác sĩ cũng như chăm sóc da không tốt dễ có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử da và để lại sẹo.
Các phương pháp xóa xăm hiện nay
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung trả lời câu hỏi của khán giả về các phương pháp xóa xăm hiện nay.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh: với những tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ hiện nay thì hình xăm có thể xóa được. Các phương pháp xóa xăm bao gồm xóa xăm phẫu thuật và xóa xăm không phẫu thuật. Với phương pháp xóa xăm không phẫu thuật thì laser được sử dụng nhiều nhất. Trong kỹ thuật xóa xăm bằng laser được chia theo 2 nhóm gồm: laser không xâm lấn và laser xâm lấn.
Với phương pháp xóa xăm không xâm lấn có ưu điểm xóa xăm hiệu quả vượt trội, ít đau, xóa được mọi màu sắc, ít xâm lấn, ít gây tổn thương đến những vùng da xung quanh, rất ít nguy cơ tạo sẹo cho cơ thể. Tuy nhiên, laser không xâm lấn cũng có nhược điểm là phải thực hiện các liệu trình nhiều lần. Laser không xâm lấn ít hiệu quả với hình xăm bị biến đổi màu do laser hoặc xăm do chấn thương.
Ở nhóm xâm lấn thường dùng laser vi điểm bóc tách gây đau và cần thời gian nghỉ dưỡng. Laser vi điểm sẽ ít hiệu quả hơn khi xóa những sắc tố trên da vì ít chọn lọc màu sắc hình xăm. Tuy nhiên, laser xâm lấn vẫn có các ưu điểm như: rút ngắn thời gian điều trị, hỗ trợ điều trị tốt hơn ở hình xăm bị thay đổi màu sắc do laser và hình xăm do chấn thương. Tuy nhiên, đây là phương phương pháp xâm lấn nên có nguy cơ gây sẹo cao, ở một số vùng da sẽ bị sẹo lồi. Do vậy, laser xâm lấn hạn chế sử dụng xóa xăm ở ngực và chỉ xóa những hình xăm nhỏ dưới 20cm vuông.
Tùy theo tình trạng hình xăm, màu sắc, kích thước, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp xóa xăm phù hợp để xóa được tối đa tất cả màu sắc mà không để lại sẹo. Ở mỗi quy trình xóa xăm bằng laser, khách hàng đều được sử dụng phương pháp vô cảm như: bôi tê, tiêm tê giúp giảm cảm giác đau và khó chịu.
Chăm sóc da sau xóa xăm
Bác sĩ Trần Nguyễn Anh Thư hướng dẫn chăm sóc da sau xóa xăm.
Thạc sĩ bác sĩ nội trú CKI Trần Nguyễn Anh Thư, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da cho biết: sau xóa xăm khách hàng sẽ được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc da tại nhà để tránh viêm nhiễm. Vùng da sau xóa xăm có thể trắng ngay và có chấm xuất huyết, do đó việc chăm sóc để hồi phục da sau xóa xăm rất quan trọng. Không nên tắm bằng nước nóng mà thay bằng nước ấm cùng xà phòng dịu nhẹ. Không chà xát vào vùng da vừa xóa xăm cũng như kỳ cọ quá kỹ. Sau 2-3 ngày sau xóa xăm, nên bôi thuốc kháng viêm làm dịu vùng da, tiếp tới dùng dưỡng ẩm phục hồi da theo chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp có tình trạng đóng mài từ 7-10 ngày sau xóa xăm, mảnh mài tự bong tróc và da tự phục hồi sau đó.
Trường hợp người dân nhận thấy da sau xóa xăm có nổi bóng nước, sưng, viêm đỏ, đau nhiều cần đến gặp bác sĩ da liễu để được khám và điều trị sớm.
Trong thời lượng gần 2 tiếng chương trình phát sóng trực tiếp, ngoài cung cấp những thông tin liên quan đến phương pháp xóa xăm, khắc phục các biến chứng, và cách chăm sóc da sau xóa xăm, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh còn giải thích cho khán giả hiểu về quy trình xóa xăm thế nào là an toàn. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY.