Vắc xin sốt xuất huyết là “lá chắn” hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe mỗi người bên cạnh những biện pháp diệt lăng quăng, phòng muỗi đốt thông thường.

Biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa, cùng với mật độ dân số tăng cao là những vấn đề khiến dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nước ta.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết và hàng chục ca tử vong. Trong đó, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người béo phì và người cao tuổi có bệnh nền là nhóm đối tượng dễ chuyển nặng khi mắc sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị, chủ yếu điều trị triệu chứng. Chi phí điều trị một ca mắc sốt xuất huyết nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, các biện pháp diệt trừ muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt khó thực hiện triệt để. Vắc xin sốt xuất huyết ra đời sẽ là vũ khí hỗ trợ đắc lực kiểm soát bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam.

Đó là những chia sẻ của các chuyên gia tại buổi tư vấn trực tuyến livestream diễn ra vào ngày 20/9 với chủ đề: “Giới thiệu Vắc xin Sốt Xuất Huyết & Diễn biến nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam”.

Chương trình tư vấn trực tiếp với chủ đề: “Giới thiệu Vắc xin Sốt Xuất Huyết & Diễn biến nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam” được diễn ra vào ngày 20/9.

Buổi livestream có sự tham gia tư vấn của PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC. Bạn đọc quan tâm có thể xem lại chương trình tại đây.

Mở đầu chương trình, PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết sốt xuất huyết là bệnh dịch lưu hành tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các nước Đông Nam Á và châu Á – nơi có khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc và hàng trăm ca tử vong do sốt xuất huyết. Riêng năm 2023, đã có hơn 170.000 ca mắc và 43 ca tử vong vì bệnh này.

Thời gian gần đây, sốt xuất huyết lan rộng đến nhiều khu vực, điển hình là Tây Nguyên – nơi trước đây chỉ ghi nhận bệnh sốt rét.

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tư vấn tại chương trình.

Lý giải vì sao bệnh sốt xuất huyết ngày càng lan rộng, PGS Trần Đắc Phu cho biết đây là bệnh lây truyền qua muỗi vằn, loài muỗi phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ trên 25 độ C và sinh sản ở những nơi có nước trong như các mảnh phế thải, chai lọ đọng nước mưa, bể chứa, thậm chí ở cả lư hương. Điều đáng lo ngại là muỗi sốt xuất huyết không đậu ở bờ tường như muỗi sốt rét nên rất khó phun thuốc loại trừ.

Trước khi có vắc xin phòng ngừa, việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy để giảm thiểu véc – tơ truyền bệnh sốt xuất huyết.

“Sốt xuất huyết không còn là căn bệnh xảy ra 4 -5 năm/lần mà đã hiện diện quanh năm. Bệnh không chỉ gây gánh nặng về sức khỏe mà còn gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến an sinh xã hội”, PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh thông tin đến khán giả.

Bệnh sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, từ trẻ em đến người lớn. BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho biết, hiện Việt Nam đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4), trong đó, tuýp DEN-2 thường gặp và liên quan đến các ca sốt xuất huyết nghiêm trọng. Do có 4 chủng virus nên người từng mắc bệnh vẫn có thể bị các tuýp virus chưa nhiễm.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo người bị sốt liên tục trong 48 giờ mà không có triệu chứng rõ ràng cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh và xác định mức độ bệnh nặng hay nhẹ.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM tư vấn tại chương trình.

Bàn về gánh nặng của bệnh, bác sĩ Khanh chia sẻ sốt xuất huyết là căn bệnh có diễn biến khó lường và phức tạp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, suy tim, suy thận, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê…

Nhiều trường hợp trẻ nhập viện khi đã gặp biến chứng nặng dễ rơi vào tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt và giảm thể tích tuần hoàn, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao. Khi sốt xuất huyết nặng, trẻ có thể bị suy nội tạng, tổn thương gan nghiêm trọng, phải điều trị hồi sức tích cực với các phương pháp phức tạp như thở máy, lọc máu và thay huyết tương.

Đối với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Người mẹ có nguy cơ gặp biến chứng chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương gan, thận và nguy hiểm tính mạng do chảy máu kéo dài trong quá trình chuyển dạ. Chi phí điều trị một ca sốt xuất huyết nặng có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đồng tình với các ý kiến trên, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết sốt xuất huyết là gánh nặng của xã hội. Dù nước ta đã làm rất tốt những biện pháp phòng bệnh nhưng vẫn cần một “vũ khí” mạnh mẽ hơn, đó chính là vaccine sốt xuất huyết.

BS Chính thông tin vaccine sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản sản xuất đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam vào tháng 5/2024. Là đối tác chiến lược toàn diện với Takeda, VNVC đã nỗ lực cùng nhà sản xuất triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam từ ngày 20/9 tại gần 200 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên toàn quốc.

“Sự xuất hiện của vaccine vào thời điểm này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi dịch bệnh đang bùng phát trong điều kiện thời tiết mưa lũ thất thường”, BS Chính nói.

Bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin thêm, vaccine sốt xuất huyết được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn, có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Đặc biệt, vắc xin có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết. Điều này có ý nghĩa lớn khi hiện số người từng mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam ít nhất một lần khá cao, tình trạng mắc bệnh lần sau thường nặng hơn lần trước.

Ngay sau khi nghe tin VNVC có vắc xin sốt xuất huyết, nhiều người dân ở mọi lứa tuổi đã kịp thời đến các trung tâm tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vào cuối năm.

VNVC đã chính thức triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết từ chiều ngày 20/9,

Việc liên tiếp đưa về Việt Nam nhiều loại vắc xin mới và liên tục mở rộng hệ thống các trung tâm tiêm chủng đến các địa phương trên cả nước khẳng định quyết tâm của VNVC trong việc giúp trẻ em và người lớn tại Việt Nam có cơ hội được sử dụng đầy đủ các vắc xin phòng bệnh bảo vệ sức khoẻ, cũng như được sớm tiếp cận với các vắc xin mới, chất lượng cao như người dân trên thế giới. Từ đó, giảm gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng và áp lực khám chữa bệnh cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho ngành y tế.

Xuân Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *