Với việc chẩn đoán, điều trị sớm và đúng cách, tỷ lệ chữa khỏi ung thư phổi có thể lên tới 90%. Trong đó, phẫu thuật nội soi được xem là cứu cánh, giúp triệt căn ung thư phổi ngay từ giai đoạn đầu.

Đó là khẳng định của TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tại buổi tư vấn trực tuyến “Phẫu thuật lồng ngực ít xâm lấn điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm” diễn ra ngày 18/12.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng thông tin, tại bệnh viện Tâm Anh có máy CT 786 lát cắt, và gần đây là CT 1975 lát cắt giúp tầm soát cả những tổn thương phổi nhỏ nhất. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Thống kê cho thấy tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 26.000 ca mắc mới và gần 24.000 ca tử vong do ung thư phổi. Đây là loại ung thư có tiên lượng xấu, diễn tiến nhanh do thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khi tế bào ung thư đã di căn lên não, gan, xương… “Hiện nay, nhờ các kỹ thuật tầm soát và điều trị hiện đại, rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi đã phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, rất sớm, nhờ đó phẫu thuật triệt căn khối u và khỏi bệnh hoàn toàn”, bác sĩ Dũng chia sẻ, thêm rằng đối với trường hợp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn hơn, vẫn có khả năng phẫu thuật, sau đó tiếp tục điều trị với hóa, xạ trị bổ trợ. Nếu đáp ứng tốt, tỷ lệ sống trên 2 năm ở nhóm bệnh nhân này cũng rất tốt, có thể lên đến 50%.

Đầu tháng 12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhân nữ 60 tuổi, đến khám khi sốt ba ngày không hạ, khó thở, mệt mỏi, ho nhiều. Bác sĩ chỉ định chụp CT lồng ngực, phát hiện khối u kích thước 17x12mm ở thùy phổi phải, hạch nhỏ rải rác ở trung thất. Êkíp tiến hành phẫu thuật nội soi cắt thùy trên phổi phải kèm nạo hạch trung thất. Kết quả giải phẫu bệnh sau đó cho thấy u ác tính, tất cả các hạch đều lành tính, chứng tỏ ung thư phổi chưa di căn xa, chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 1B. Sau mổ bệnh nhân cải thiện triệu chứng, chưa cần điều trị bổ trợ bằng hóa xạ trị hay liệu pháp miễn dịch, được hướng dẫn tái khám định kỳ để phát hiện sớm bất thường.

TTND.PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho hay bệnh nhân trên là trường hợp rất may mắn khi phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm, được điều trị triệt căn nhờ phẫu thuật nội soi cắt thùy phổi mà chưa cần hóa, xạ trị hay các liệu pháp bổ trợ khác. Ở giai đoạn này, khối u có kích thước chưa tới 2 cm, chỉ ở phổi và chưa di căn đến các hạch bạch huyết.

Theo TTND.PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Hữu Ước, tỷ lệ phát hiện ung thư phổi ở Việt Nam đa phần giống với các nước khác, thường ở giai đoạn muộn. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Mổ nội soi (hay phẫu thuật ít xâm lấn) là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm, với nhiều ưu điểm như hạn chế nhiễm trùng, mất máu ít, đường mổ nhỏ, nhanh hồi phục, theo ThS.BS.CKII Nguyễn Lê Vinh – Phó khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Không cần mở ngực như ca mổ mở trước đây, đối với mổ nội soi, bác sĩ chỉ rạch 3 đường mổ nhỏ khoảng 0.5-1 cm. Từ đây, camera và dụng cụ mổ được đưa vào trong lồng ngực để tiếp cận và thực hiện loại bỏ khối u hoặc cắt thùy phổi. Người bệnh trải qua ca mổ nhẹ nhàng, có thể sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật vài giờ và xuất viện trong vòng 1-3 ngày.

ThS.BS.CKII Nguyễn Lê Vinh chia sẻ, phẫu thuật nội soi được triển khai điều trị hầu hết các bệnh lý lồng ngực như u phổi ác tính, hạch, u trung thất… Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bên cạnh kỹ thuật mổ nội soi truyền thống, gần đây các bác sĩ hướng tới mổ nội soi robot. Đây là phương pháp hiện đại giúp khắc phục hầu hết nhược điểm của mổ nội soi truyền thống như gây tổn thương các cơ quan lân cận, khó khăn trong thao tác… Nhờ cánh tay robot linh hoạt, các khối u lồng ngực gồm u phổi, u trung thất, u tuyến ức được bóc tách trọn vẹn, ít mất máu, bệnh nhân ít đau hơn, hồi phục nhanh, đảm bảo thẩm mỹ. “Phương pháp này đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu trong điều trị ung thư phổi và các bệnh lý lồng ngực, sẽ được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong thời gian tới”, TTƯT.BS.CKII Trần Công Quyền, Phó khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch Máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.

Phẫu thuật nội soi robot được đưa vào sử dụng từ những năm 2000, TTƯT.BS.CKII Trần Công Quyền cho biết. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Thống kê cho thấy hơn 65% số người mắc ung thư phổi giai đoạn 1 sống trên 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, bệnh rất khó chẩn đoán sớm vì không có dấu hiệu rõ ràng, chỉ biểu hiện triệu chứng khi đã bước sang giai đoạn muộn. Thực tế, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật, đáp ứng kém với hóa trị, xạ trị. Do đó, tầm soát định kỳ là rất quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm, giúp điều trị hiệu quả và giảm nguy cơ tái phát.

Hiện có nhiều phương pháp tầm soát ung thư phổi như chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp, nội soi phế quản, xét nghiệm tế bào đờm, sinh thiết phổi. Trong đó, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (LDCT) để tìm dấu ấn ung thư phổi là phương pháp phổ biến, được khuyến nghị cho những người lớn tuổi, người hút thuốc lá và các đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Việc tầm soát nên được ưu tiên thực hiện mỗi 3-5 năm ở người bình thường và 6-12 tháng đối với nhóm nguy cơ cao.

Để phòng ngừa ung thư phổi, cần nhất là bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá, duy trì lối sống lành mạnh (tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học, giảm uống rượu và duy trì cân nặng hợp lý), tránh tiếp xúc với các chất độc hại (amiăng, cadimi, niken, crom, uranium, thạch tín…) trong thời gian dài. “Nhờ các phương tiện tầm soát và kỹ thuật điều trị hiện đại, ung thư phổi không còn là mối đe dọa với người bệnh. Kim chỉ nam trong điều trị ung thư phổi là chủ động tầm soát, phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, nhờ đó phẫu thuật triệt căn để nâng cao cơ hội chữa khỏi, ngăn ngừa bệnh tái phát”, bác sĩ Dũng đúc kết.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *