Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phẫu thuật mũi xoang: an toàn, chính xác, hạn chế tối đa biến chứng
30/03/2025Đó là chia sẻ của GS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 tại buổi tư vấn sức khỏe trực tuyến (Livestream) “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phẫu thuật mũi xoang”, diễn ra ngày 27/3/2025.
Chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phẫu thuật mũi xoang” với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Chương trình thu hút hàng ngàn người xem với nhiều câu hỏi liên tục được gửi về, liên quan đến bệnh mũi xoang, khi nào cần mổ xoang, mổ xoang có tái phát không, phương pháp hiện đại ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mổ xoang như thế nào.
Chương trình với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm: GS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng ASEAN; ThS.BS.CKI Phạm Thị Phương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Các chuyên gia đã thông tin về tình trạng bệnh viêm xoang hiện nay, hướng điều trị và sự hỗ trợ đắc lực của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phẫu thuật mũi xoang.
Viêm mũi xoang ngày càng tăng
Theo GS Chung Thủy, viêm mũi xoang là một trong những bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến hiện nay. Số lượng người bệnh ngày càng tăng qua ghi nhận khám chữa bệnh thực tế tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Nguyên nhân gây viêm xoang do dị ứng, vi khuẩn, virus hoặc cấu trúc bất thường trong khoang mũi.
Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong. Viêm xoang gồm viêm xoang hàm, viêm xoang sàng, viêm xoang trán, viêm xoang bướm và viêm đa xoang (viêm nhiều xoang).
Viêm xoang không chỉ gây khó chịu với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau đầu, mất khứu giác mà còn có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
GS Chung Thủy chia sẻ thông tin về Hệ thống định vị ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật mũi xoang cho người bệnh tái phát viêm xoang.
Dịch nhầy có thể chảy xuống họng gây viêm họng, xuống phế quản gây viêm phế quản, xuống phổi gây viêm phổi, xuống bao tử gây viêm bao tử. Ngoài ra, người có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, viêm xoang không điều trị kịp thời hoặc không được điều trị đúng có thể biến chứng lên mắt, não gây giảm thị lực, mất thị lực vĩnh viễn, viêm màng não…
Thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Thị Phương cho biết, viêm xoang gồm viêm xoang cấp, viêm xoang bán cấp, viêm xoang mạn tính. Điều trị viêm xoang ban đầu bằng các phương pháp hỗ trợ như xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày, điều trị nội khoa dùng thuốc. Nếu dùng thuốc không đáp ứng, không cải thiện tình trạng bệnh, bất thường cấu trúc mũi (lệch vách ngăn, phì đại cuốn mũi), xuất hiện polyp thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
Người bệnh khi tái phát viêm xoang, không nên dùng đơn thuốc cũ. Vi nếu lần tái phát này, nguyên nhân không giống với nguyên nhân gây bệnh trước đó, khi uống theo toa thuốc cũ có thể khiến bệnh không cải thiện mà còn nặng hơn. Người bệnh cần đến khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh, hạn chế biến chứng.
AI giúp xác định chính xác, hạn chế tối đa biến chứng
GS Chung Thủy cho biết, hệ thống định vị ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác vị trí cần can thiệp, “dẫn đường” bác sĩ tiến vào xoang, điều khiển dụng cụ phẫu thuật, cảnh báo khi dụng cụ phẫu thuật tiến gần đến khu vực nguy hiểm (hốc mắt, sàn sọ, dây thần kinh thị giác), giảm tối đa biến chứng.
Xoang gần các cấu trúc quan trọng như hốc mắt, sàn sọ, dây thần kinh thị giác, động mạch cảnh trong… Chỉ cần một sai sót nhỏ có thể để lại biến chứng cho người bệnh như giảm thị lực, mất thị lực vĩnh viễn, rò dịch não, liệt mặt, chảy máu ồ ạt….
Phẫu thuật xoang tái phát thường phức tạp hơn nhiều so với lần đầu. Lúc này, cấu trúc xoang bị thay đổi, mô sẹo xơ hình thành làm mất các mốc giải phẫu tự nhiên. Việc xác định ranh giới giữa mô bệnh và mô lành khó khăn hơn, khi bóc tách cũng nguy hiểm hơn. Chưa kể, nếu không loại bỏ hết tổ chức viêm, bệnh có nguy cơ tái phát lần nữa.
“Hệ thống này đặc biệt hữu ích đối với những trường hợp viêm xoang tái phát, giúp bác sĩ lấy hết bệnh tích một cách an toàn cho người bệnh. Lúc này, cấu trúc giải phẫu đã thay đổi, nguy cơ biến chứng cao, cần độ chính xác tuyệt đối”, GS Chung Thủy nói.
Theo bác sĩ Phương, hệ thống định vị ba chiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đồng bộ dữ liệu, hình ảnh CT scanner của người bệnh với cấu trúc giải phẫu thực tế, tạo mô hình 3D giúp bác sĩ xác định chính xác các khu vực tổn thương, từ đó đưa ra kế hoạch phẫu thuật tối ưu, điều hướng dụng cụ nội soi một cách chính xác và an toàn. Với sự hỗ trợ của AI, bác sĩ có thể thao tác nhanh chóng và chính xác hơn, giúp rút ngắn thời gian mổ.
Bác sĩ Phương chia sẻ quá trình mổ xoang ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Hệ thống này giúp hạn chế tối đa biến chứng, đặc biệt những ca viêm xoang khó, bất thường cấu trúc giải phẫu khó, viêm xoang tái phát. AI giúp tránh tổn thương đến các vùng nguy hiểm như dây thần kinh thị giác, động mạch chính và não bộ, hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm. Phương pháp xâm lấn tối thiểu, thời gian phẫu thuật nhanh và độ chính xác cao, người bệnh ít đau sau mổ, thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.
AI là công cụ hỗ trợ, không thay thế bác sĩ
Theo GS Chung Thủy, dù AI mang nhiều lợi ích, nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của phẫu thuật viên. Công nghệ này hoạt động như một công cụ hỗ trợ phẫu thuật viên, nâng cao độ chính xác, giảm rủi ro, giúp lấy hết bệnh tích an toàn, hạn chế tái phát. Tuy nhiên, kinh nghiệm và kỹ năng của bác sĩ vẫn là yếu tố quyết định thành công của ca phẫu thuật.
Bên cạnh đó, không phải trường hợp viêm xoang nào cũng cần can thiệp bằng AI. Những ca bệnh nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc hoặc biện pháp không xâm lấn. AI thường được áp dụng cho các trường hợp phẫu thuật khó, viêm đa xoang, tái phát nhiều lần, cấu trúc giải phẫu phức tạp để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, tránh những biến chứng đáng tiếc cho người bệnh.
Ứng dụng AI trong phẫu thuật mũi xoang là một bước tiến lớn trong ngành y nói chung và chuyên khoa tai mũi họng nói riêng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tuy nhiên, chỉ khi kết hợp giữa công nghệ hiện đại và chuyên môn, kinh nghiệm của bác sĩ mới có thể tối ưu hóa hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Uyên Trinh