Robot và các hệ thống máy móc hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp bác sĩ triển khai thành công các kỹ thuật mổ mới, mang lại hiệu quả điều trị tối ưu đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống khó và nguy hiểm.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết thông tin trên trong chương trình tư vấn trực tuyến: “Tiên phong tại Việt Nam – Robot AI và các máy móc, kỹ thuật mới mổ đột quỵ, u não, u tủy sống hiệu quả vượt trội” do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra vào tối 14/6/2024.

Chương trình thu hút hơn 70 nghìn lượt xem trực tiếp và xem lại trên các nền tảng số. Hàng trăm câu hỏi của khán giả từ khắp nơi gửi về được các chuyên gia, bác sĩ giải đáp tận tình.

Chương trình Tư vấn trực tuyến: “Tiên phong tại Việt Nam – Robot AI và các máy móc, kỹ thuật mới mổ đột quỵ, u não, u tủy sống hiệu quả vượt trội” được phát sóng trên nhiều nền tảng số. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đột quỵ, u não, u tủy sống nguy hiểm vì có thể gây ra những tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Tế bào thần kinh trong não và tủy sống hoàn toàn không có khả năng tái sinh. Do đó, khi đã tổn thương, tế bào thần kinh không phục hồi và cũng không thể bổ sung hoặc thay thế tế bào mới. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh đột quỵ, u não, u tủy sống có thể bị khiếm khuyết một hoặc nhiều chức năng thần kinh như liệt hoàn toàn hoặc mất ngôn ngữ, thính giác, thị giác, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Tấn Sĩ, có những tổn thương do đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống gây ra tại vị trí nguy hiểm trong não, rất khó tiếp cận để loại bỏ. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình tiếp cận, bóc tách và loại bỏ khối xuất huyết hoặc khối u cũng có thể phạm phải, làm tổn thương đến cấu trúc thần kinh lành lân cận. Khi đó, người bệnh phải gánh chịu những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong ngay tại phòng mổ.

Trước đây, khi chưa có robot và các hệ thống máy móc hiện đại ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bác sĩ phẫu thuật thần kinh không thể đánh giá hoặc phát hiện sớm các tổn thương thần kinh vi thể hoặc khối u có kích thước quá nhỏ. Trong quá trình mổ cũng không thể nhìn thấy toàn diện cấu trúc não và tủy sống trên cùng một hình ảnh 3D, bao gồm cả khối u, khối máu tụ, mạch máu, các dây thần kinh và mô não lành. Do đó, quá trình mổ điều trị đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống từ chẩn đoán cho đến phẫu thuật đều phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm của bác sĩ, hiệu quả điều trị không cao.

Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học công nghệ, robot và các hệ thống máy móc hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác các khối xuất huyết và khối u. Đồng thời, giúp bác sĩ phẫu thuật thần kinh triển khai thành công các kỹ thuật mổ mới. Từ đó, giúp điều trị thành công cho nhiều ca bệnh đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống khó và nguy hiểm, được xem là thách thức hoặc không thể điều trị trước đây.

Khán giả Thành Được hỏi: “Cách nào giúp chẩn đoán, phát hiện sớm đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống nhằm tận dụng tối đa “thời gian vàng” để điều trị sớm?”.

ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ – Bác sĩ Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết để chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng của bác sĩ, cần phải chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI). Điển hình như tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM vừa đưa vào sử dụng hệ thống chụp CT 1975 lát cắt Revolution Apex Elite ứng dụng trí tuệ nhân tạo chính hãng duy nhất tại Việt Nam, được đặt hàng đầu tiên tại Đông Nam Á, có tốc độ chụp nhanh nhất thế giới (0,23 giây/độ phân giải thời gian 19,5 mili giây), độ bao phủ đầu thu 16 cm giúp thu hình nhanh chóng, hỗ trợ bác sĩ phát hiện, đánh giá nhanh đột quỵ và các loại u chỉ trong vòng vài phút. Đồng thời, có 5 hệ thống chụp MRI 1,5-3 Tesla, máy chụp mạch máu kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA) giúp bác sĩ chẩn đoán, phát hiện sớm các khối xuất huyết hoặc khối u. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra chiến lược điều trị phù hợp sớm, mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người bệnh.

Giải đáp thắc mắc của khán giả Thùy Dương: “Bệnh viện Tâm Anh có những máy móc, thiết bị hiện đại nào để điều trị đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống? Hiệu quả điều trị như thế nào?”, bác sĩ Tấn Sĩ cho biết, Hệ thống Bệnh viện Tâm Anh hiện có robot mổ não AI Modus V Synaptive duy nhất tại Việt Nam giúp bác sĩ nhìn thấy được các bó dẫn truyền thần kinh trong quá trình mổ. Đồng thời, robot cho phép bác sĩ mổ mô phỏng trước, giúp chủ động chọn đường tiếp cận khối u, khối máu tụ an toàn. Bác sĩ chủ động mọi thao tác nhằm bảo tồn tối đa các cấu trúc xung quanh trong khi mổ. Robot dẫn đường để đường mổ của bác sĩ không làm tổn thương các bó dẫn truyền thần kinh, dễ dàng tiếp cận, bóc tách và loại bỏ khối máu tụ hoặc khối u.

“Với sự hỗ trợ của robot AI, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Tâm Anh áp dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật điều trị đột quỵ xuất huyết não xâm lấn tối thiểu – gọi tắt là ENRICH, duy nhất tại Việt Nam. Bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não được phẫu thuật lấy khối máu tụ sớm, giải áp và cầm máu nhanh, chính xác, hiệu quả, an toàn. Từ đó, nâng cao khả năng phục hồi các chức năng thần kinh, giảm thiểu tối đa các di chứng do đột quỵ xuất huyết não gây ra” – bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

Ngoài ra, còn có hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation AI hỗ trợ xác định chính xác vị trí, ranh giới tổn thương, dẫn đường bác sĩ loại bỏ u tối ưu nhất. Hệ thống Kính vi phẫu có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới nhất, giúp bác sĩ nhìn rõ mọi ngóc ngách trong não, với độ phóng đại và phân giải hình ảnh lớn, dựng hình 3D. Đặc biệt, hai hệ thống này có thể kết hợp với nhau qua một phần mềm chuyên dụng để trở thành robot AI thứ hai, giúp các cuộc mổ điều trị đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

Khán giả Hồng Nhung hỏi: “Với những máy móc, kỹ thuật hiện đại tại Bệnh viện Tâm Anh có giúp loại bỏ được hoàn toàn các khối xuất huyết não, u não, u tủy sống không?”

BS.CKI Lê Xuân Sang – Bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết mục tiêu của các ca mổ đột quỵ xuất huyết não, u não, u tủy sống vừa nhằm loại bỏ được nhiều nhất có thể các khối xuất huyết hoặc khối u, vừa phải bảo tồn được tối đa các chức năng thần kinh cho người bệnh.

Robot và các hệ thống máy móc hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có thể hỗ trợ bác sĩ bóc tách và loại bỏ được hầu hết các khối xuất huyết hoặc khối u, kể cả bao u. Tuy nhiên, có một vài trường hợp hiếm gặp, do cấu trúc tổn thương xâm nhiễm hoặc gắn chặt vào mô não lành. Việc loại bỏ hết hoàn toàn khối u hoặc khối xuất huyết có thể gây tổn thương, làm khiếm khuyết chức năng thần kinh của người bệnh.

“Ví dụ, nếu lấy hết u khiến người bệnh co giật mặt, mất ngôn ngữ sau mổ thì tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc, tận dụng tối đa trí tuệ nhân tạo tích hợp trong các hệ thống máy móc hiện đại để đánh giá và quyết định được lấy u bao nhiêu là phù hợp, đường mổ đến vị trí nào là điểm dừng hợp lý. Ví dụ, trường hợp buộc phải chừa lại một phần nhỏ khối xuất huyết hoặc khối u nhưng sẽ giúp bảo tồn được chức năng thần kinh nhiều hơn cho người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể kết hợp các phương án điều trị hậu phẫu như xạ trị, hóa trị hoặc dùng thuốc nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất cho người bệnh” – bác sĩ Sang nói.

Trường Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *