Hiện nay, 1 ha trồng cam sành nghịch vụ có thể cho bà con thu lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, trồng cam sành nghịch vụ đã trở trành nghề làm giàu cho những nông dân tâm huyết với loại cây ăn trái này. Anh Huỳnh Văn Lẫm – ở ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh – là một điển hình nông dân yêu nghề trồng cam sành.
Anh Huỳnh Văn Lẫm xuất thân trong gia đình nông dân có đông anh em. Khi lập gia đình riêng, anh được cha mẹ cho 5 công đất, trong đó phân nửa là vườn, phân nửa là ruộng. Nói là vườn là ruộng, chứ thật ra, đất ở ấp Bưng Lớn B này toàn là đất bưng biền nên vào thời điểm gần 20 năm về trước, canh tác gặp nhiều khó khăn. Mới lập gia đình riêng, vợ anh bệnh nặng, phải điều trị thời gian dài nên cuộc sống gia đình lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Cầm cự đến năm 1993, anh bán đất để trả nợ mà cũng chẳng thấm vào đâu vì số nợ quá lớn. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng tìm một nghề khác và quyết định mua máy xới đất thuê.
Cây cam sành có thể mang lại thu nhập cao cho nhà nông |
Nhờ nhận định đúng với thực tế sản xuất lúc bấy giờ nên chẳng bao lâu, nghề xới đất đã mang lại cuộc sống khá hơn cho gia đình anh. Chẳng những anh trả hết nợ, mà còn dư để mua thêm nhiều đất đai hơn trước. Từ đó, anh mua được 33 công ruộng ở huyện Phụng Hiệp và cho thuê lại, còn tại quê nhà, anh cũng mua được 11 công đất để làm ruộng. Có thể nói, cuộc sống gia đình của anh lúc đó cũng tạm đầy đủ chứ chưa khá giả lắm.
Năm 2000, thấy người anh của mình trúng vườn cam chỉ hơn 2 công mà thu gần 100 triệu đồng, anh Lẫm cho rằng đây là cơ hội làm giàu… Từ đó, anh bắt đầu học cách trồng cam. Sau khi nghiên cứu nghề trồng cam sành nghịch vụ, đến năm 2004, anh Lẫm mạnh dạn lên liếp 4 công ruộng trồng cam. Thấy cây phát triển đúng ý mình, năm sau, anh tiếp tục trồng cam hết 7 công còn lại. Ba năm sau, cam bắt đầu cho thu hoạch, hàng năm đều cho nguồn thu vài trăm triệu đồng. Riêng năm 2009 vừa qua, khi cây bắt đầu đi vào tuổi cho trái ổn định, chỉ với 11 công cam, anh thu về 60 tấn trái, thu nhập 1,2 tỷ đồng, trong đó lãi trên 1 tỷ đồng. Năm 2010 này, với năng suất và giá cả hiện tại, anh Lẫm ước tính thu nhập sẽ tăng trên 30% so với năm 2009.
Có thể nói, ở tuổi 42, anh Lẫm còn rất nhiều ước mơ. Những ước mơ đó thúc giục anh mạnh dạn đầu tư nhiều hơn cho nghề trồng cam sành. Trong năm 2009, sau khi tính toán, anh tiến hành thuê gần 50 công đất của bà con xung quanh để mở rộng diện tích trồng cam. Anh Lẫm cho biết, đến nay, về kỹ thuật canh tác, anh rất tự tin. Tuy nhiên, cũng như bao nhà vườn khác, anh vẫn lo lắng vấn đề giá cả đầu ra. Riêng về nhân công, anh Lẫm tâm sự, toàn trang trại chỉ cần 5 lao động thường xuyên là đủ. Hàng ngày, những người này đảm nhận các công việc như : tưới nước, bón phân, phun thuốc… Đến mùa vụ thu hoạch sẽ thuê thêm lao động mùa vụ để cắt và vận chuyển cam. Do anh Lẫm trả công rất khá, phù hợp với tính chất từng công việc nên nhiều người cảm thấy chấp nhận được và chịu gắn bó làm việc cho anh lâu dài.
Từ thành công của 11 công cam ban đầu, anh Lẫm tiến hành nhân rộng và “nuôi dưỡng” thêm gấp 5 lần diện tích chỉ trong vòng 5 năm với giá trị đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Nếu đổi lại là cây lúa như trước đây, người nông dân khó có thể làm được điều này. Việc làm của anh Lẫm đã góp phần tích cực vào việc mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho những thửa ruộng kém hiệu quả ở địa phương. Mới qua hơn 8 tháng đầu tư, tuy chưa thu hoạch, nhưng nhìn những chồi non xanh tốt trong vườn cam của anh, cho phép chúng ta nghĩ đến một sự thành công không còn quá xa cho gia đình anh Lẫm.
Ngành Nông nghiệp địa phương đã xác định cam sành tiếp tục là cây trồng chủ lực của xã Tam Ngãi và có nhiều chủ trương chính sách để giúp bà con nhà vườn phát triển loại cây ăn trái này. Bên cạnh đó, hình thức mở rộng diện tích theo kiểu của anh Lẫm cũng đang diễn ra khá phổ biến tại địa phương. Hiện có đến vài trăm ha đất đang cho thuê trồng cam như thế này. Hy vọng rồi đây, cái tên Tam Ngãi sẽ được nhiều người biết đến như một địa danh của những tỷ phú cam sành.
Mỹ Hạnh