Tái tạo túi ngực: nhu cầu làm đẹp ở phụ nữ không may bị ung thư vú

Sự tiến bộ của y học hiện đại giúp chị em an tâm trị bệnh ung thư vú vừa lấy lại vóc dáng bên ngoài, đảm bảo sự tự tin trong đời sống hôn nhân và công việc, sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, nhiều người lo ngại túi ngực sẽ gây ung thư vú, đặt túi ngực sẽ không tầm soát được ung thư vú…

Các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tham gia Chương trình tư vấn trực tuyến “Túi ngực trong tái tạo vú điều trị ung thư vú”.

20 giờ tối 20/7, Hệ thống Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Túi ngực trong tái tạo vú điều trị ung thư vú” với sự tham gia của 3 chuyên gia, bác sĩ:

  • BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ Thùy Giang có gần 20 năm kinh nghiệm trong thăm khám và phẫu thuật tuyến vú.
  • CKII Lê Hồng Cúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ Hồng Cúc là một trong những chuyên gia đầu ngành với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh tuyến vú, ung bướu trên cả nước.
  • CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ Tuấn tâm niệm, phẫu thuật ung thư vú ngày nay không chỉ đòi hỏi an toàn, chính xác, hiệu quả mà cần tái tạo lại nét đẹp thẩm mỹ vốn có cho chị em.

Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn khán giả theo dõi. Các bác sĩ tư vấn tận tình, giúp người dân giải đáp các thắc mắc về túi ngực là gì, có nguy cơ gây ung thư vú không; túi ngực thẩm mỹ khác với túi ngực trong tái tạo vú; phương pháp tái tạo vú phổ biến; đặt túi ngực có tầm soát được ung thư vú…

Tại Việt Nam, gần 22.000 ca mắc mới ung thư vú mỗi năm

Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới (GLOBOCAN) thống kê: mỗi năm, Việt Nam có gần 22.000 ca mắc mới ung thư vú, chiếm gần 1/3 trong tổng số bệnh ung thư ở phụ nữ. Điều này cho thấy nhu cầu đặt túi ngực tái tạo vú rất lớn ở những chị em không may bị ung thư vú. Thậm chí, chị em đoạn nhũ phòng ngừa ung thư vú cũng đặt túi ngực.

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang giải thích về các loại túi ngực và mục tái tạo an toàn, thẩm mỹ và không cản trở điều trị, theo dõi sức khỏe sau đó.

Theo thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khoảng 10 năm gần đây, thế giới đã dùng túi ngực thẩm mỹ trong tạo hình sau điều trị ung thư vú. Cho tới hiện nay, ở những nước phát triển, tỷ lệ tái tạo dùng bằng túi đến 80%. Đây là phương tiện tái tạo đơn giản, chỉnh sửa ngực đối bên rất thông dụng.

Tuy nhiên ở châu Á, đặc biệt Việt Nam, tái tạo túi ngực còn chưa được hiểu rõ. Khi người bệnh ung thư được khuyên tái tạo túi ngực rất e dè, lo lắng. Nhiều chị em có thể mang cảm giác tội lỗi như “đang trị bệnh còn làm đẹp nữa”, điều này khá nghịch lý trong khi đây là nhu cầu chính đáng.

Bác sĩ CKI Đỗ Anh Tuấn hướng dẫn cách chăm sóc sau phẫu thuật tái tạo vú.

Túi ngực là loại bao silicon chứa chất gel hoặc nước muối sinh lý. Nếu như thẩm mỹ nhằm làm đẹp thêm, còn tạo hình với mục đích giúp chỉnh sửa lại các bộ phận đã mất đi và tạo lại. Sử dụng túi trong tạo hình và thẩm mỹ như nhau. Tuy nhiên, chọn lựa túi trên từng người sẽ khác nhau.

Với phẫu thuật tái tạo, các bác sĩ khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ phối hợp với bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh cho kết quả chẩn đoán chính xác, sau đó lập kế hoạch tái tạo cho người bệnh. Tái tạo phải đảm bảo: đúng mục đích, nhu cầu, an toàn, vừa đạt yêu cầu ung thư vừa đạt thẩm mỹ và không cản trở cho điều trị, theo dõi sức khỏe sau đó.

Bác sĩ Giang nhấn mạnh, không phải ai cũng được tái tạo vú bằng đặt túi. Nếu bệnh vẫn đang diễn tiến, có kế hoạch xạ trị sẽ không đặt túi tái tạo, chỉ đặt túi giãn mô để chuẩn bị đủ da cho sau này đặt túi ngực. Sau khi người bệnh xạ trị xong 6-12 tháng, bệnh không nặng thêm thì mới tái tạo ngực tránh nguy cơ viêm, thắt vỏ bao nhiễm trùng túi.

Có 2 loại tái tạo tức thì và tái tạo trì hoãn. Bác sĩ Giang chia sẻ, tái tạo tức thì gồm 2 kỹ thuật: kỹ thuật đặt trước cơ và sau cơ, được thực hiện ngay trong cuộc phẫu thuật ung thư vú.

Tái tạo trì hoãn áp dụng cho người bệnh đã điều trị, đã đoạn nhũ và muốn tái tạo lại bằng túi. Bác sĩ sẽ mở rộng vết sẹo cũ. Sau đó, đặt túi giãn mô đợi 4-6 tuần da căng đủ mới đưa túi ngực vào hoặc kết hợp vạt lưng và túi.

Chăm sóc, tầm soát sau khi đặt túi ngực

Bác sĩ CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, sau khi tái tạo đặt túi ngực, chị em cần tuân thủ dùng kháng sinh, kháng viêm để giảm đau, mặc áo định hình sớm giúp nâng đỡ túi ngực, tránh di lệch. Ngoài ra, trong 1-2 tuần đầu, người bệnh hạn chế nước ướt vào vết thương. Người bệnh kiêng vận động mạnh vài tuần sau khi phẫu thuật, tránh nằm sấp và các hoạt động làm căng cơ ngực (ví dụ như với lên cao lấy đồ, hoặc xách đồ nặng…).

Bác sĩ CKII Lê Hồng Cúc chia sẻ về quá trình tầm soát ung thư sau khi đặt túi ngực.

Để tầm soát túi ngực có an toàn sau khi đặt, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, sau đặt túi 5 năm nên chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá túi có bị xơ hóa không, mức độ xơ hóa như thế nào hoặc có vỡ không. Bên cạnh đó, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác (siêu âm, chụp nhũ ảnh) giúp chúng ta tầm soát mô vú bên lành.

Theo bác sĩ CKII Lê Hồng Cúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM, tầm soát ung thư vú (siêu âm, chụp nhũ ảnh) ở người đặt túi ngực sẽ khó khăn hơn. Do vậy, cần có bác sĩ nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại để có kết quả hình ảnh chính xác.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có đầy đủ các phương tiện cần thiết để tầm soát ung thư vú và hỗ trợ điều trị như máy siêu âm cao cấp: hỗ trợ tìm ra sang thương vú dễ dàng hơn với hình ảnh rõ nét dù là các chi tiết nhỏ; ước đoán được hình ảnh này có thể là lành tính hay ác tính, đánh giá mức độ nguy hiểm của bất thường để quyết định có làm sinh thiết hay không.

Máy chụp nhũ ảnh 3D chụp được nhiều tấm với các lát cắt mỏng khác nhau, nhìn thấy bất thường bên trong vú dễ hơn, nhất là ở vú dày – đặc trưng vú của phụ nữ châu Á.

Trường hợp xuất hiện khối u sau khi đặt túi ngực, người bệnh được chọc kim để xác định có ung thư không. Quá trình này được thực hiện dưới dẫn siêu âm nên bác sĩ quan sát rõ u nằm ở đâu, đưa kim vô từng bước một nên không gây tổn thương cho túi ngực.

Trong thời lượng gần 2 tiếng diễn ra chương trình, ngoài cung cấp những thông tin liên quan tái tạo bằng túi ngực cho chị em bị ung thư vú, cách tầm soát an toàn, hiệu quả, các chuyên gia của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn lắng nghe những hoàn cảnh, câu chuyện từ người bệnh, người thân, đặc biệt là những người chồng cũng muốn làm đẹp cho vợ. Các bác sĩ còn hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau phẫu thuật và tạo hình túi ngực thẩm mỹ. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY.

Nguyễn Trăm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *