Là một hiện tượng tự nhiên, con người không thể hoàn toàn loại bỏ triều cường khỏi cuộc sống của mình, mà phải tìm cách thích nghi. Các công trình ngăn chặn triều cường như nâng đường, làm đê, kè…thời gian qua cho thấy hiệu quả khá tốt. Song, nước mỗi năm mỗi cao thì về lâu, về dài, cần giải pháp căn cơ hơn.

Những ngày xung quanh con nước đầu tháng 11 âm lịch, ông Nguyễn Ngọc Hiệp ở xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long dọn hàng trễ hơn so với thông thường. Ông cho biết, đỉnh triều mỗi năm mỗi tăng, rất bất tiện. Hàng rào ngăn nước trước cửa hàng được xây từ lâu, nhưng năm nay, nước cao hơn, ông Hiệp phải gia cố cao và làm dày thêm, nhằm bảo vệ kho gạo bên trong.

Với những bất tiện trong cuộc sống do triều cường gây ra, ông Hiệp cùng người dân nơi đây đều rất mong chờ nhà nước nâng quốc lộ 53 đoạn qua xã Long An – nơi thường xuyên ngập sâu cả mét nước này. Bởi, theo kinh nghiệm của những người dân này, việc nâng cao trình con lộ, làm bờ kè quanh bờ sông đã mang lại kết quả ngăn triều cường khá tốt tạ nhiều nơi.

Cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng do triều cường

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều con lộ được thi công sau này với cao trình được nâng cao so với các công trình trước đó, nhưng những năm gần đây cũng bắt đầu ngập – như đoạn đường Phạm Thái Bường, Trần Đại Nghĩa trên địa bàn phường 4, Tp Vĩnh Long. Nhiều con nước, các đoạn này ngập sâu, địa phương phải tổ chức bơm, tát, đảm bảo việc đi lại, mua bán cho người dân.

Bơm nước ở Phạm Thái Bường, P.4, TP Vĩnh Long

Như con đường liên ấp Phú Mỹ 1 vừa là đê bao bảo vệ trên dưới 1000 ha cây ăn trái đặc sản ở xã Đồng Phú, trên cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Được gia cố hàng năm, nhưng mới đây con nước tháng 10 âm lịch, đê đã bể, nước tràn ngập nhà cửa, vườn tược người dân. Đến con nước tháng 11, chính quyền địa phương cùng người dân đã khắc phục xong, nhưng nhiều người vẫn lo lắng đê mới không thể ứng phó lâu dài vì nước mỗi năm mỗi cao.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, đỉnh triều ghi nhận tại sông Tiền, sông Hậu có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Nhưng thực chất nước tại các cửa biển thì mực nước lại không cao như thế, bởi nhiều nguyên nhân.

Tiến sĩ Dương Văn Ni – Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – Trường Đại học Cần Thơ cho rằng không không thể cứ mãi loay hoay với giải pháp công trình. Chúng ta cần nghĩ đến giải pháp thích ứng với các đợt triều cường thời điểm cuối năm. Ví dụ, ở các đô thị thì có thể điều chỉnh thời gian sinh hoạt, làm việc theo giờ nước lên, nước rút để người dân hạn chế ra đường trong thời điểm ngập, ít chịu ảnh hưởng,…

Cùng quan điểm trên, Giáo sư – Tiến sĩ Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, các công trình đê bao cần chọn lựa đúng cho từng vùng sinh thái, không thể chỗ nào cũng đê, cũng kè, đặc biệt là các thành phố ven sông. Nếu nơi nào cũng kè thì mực nước trên sông sẽ ngày càng dâng cao, và các công trình cũng sẽ khó theo kịp mực nước.

Quốc Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *