Ảnh minh họa |
Trao đổi với nhiều trẻ em bán vé số, hầu hết các em đều cho biết, trung bình mỗi ngày các em bán được từ 50 đến 100, có em bán trên 200 vé số. Như vậy, mỗi ngày thu nhập của các em bán từ 50.000 đồng đến trên 100.000 đồng tiền huê hồng. Nhờ số tiền từ việc bán vé số mà nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đã có thêm điều kiện phụ giúp gia đình – nhất là trong dịp hè. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây chính là mặt trái của công việc này đối với trẻ em. Do mức thu nhập khá và dễ kiếm tiền nên đã có nhiều trẻ em bỏ học giữa chừng để theo chân người lớn đi bán vé số để kiếm sống.
Tại một khu ăn uống xung quanh bến xe buýt ở Thành phố Vĩnh Long, chúng tôi gặp một bé gái đang len lỏi qua dẫy bàn ghế này đến dẫy bàn ghế khác, kiên trì mời từng người mua vé số. Khi có người lắc đầu từ chối, em lại tiếp tục len lỏi qua các dẫy bàn ghế khác, mời những thực khách khác mua. Giữa trưa hè nắng gắt, trên gương mặt em, mồ hôi đọng từng giọt, nhưng điều đó không làm em bận tâm. Điều em bận tâm là từ sáng đến giờ, đi mỏi cả chân mà em chỉ bán được có mấy tờ vé số. Em là Trần Thị Mỹ Duyên, 11 tuổi, học lớp 4 và sẽ lên lớp 5 vào tháng 9 tại Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, Phường 5, Thành phố Vĩnh Long. Em bán vé số từ hơn hai năm nay. Bắt đầu nghỉ hè là em tranh thủ qua đây bán vé số. Ba em bị bệnh phổi đã mấy năm. Mẹ em – bà Mỹ Hoa – vừa ở nhà chăm sóc chồng, vừa phải tranh thủ qua chợ bán vé số để kiếm thêm tiền. Em muốn dùng mùa hè này đỡ đần thêm cho ba mẹ. Hằng ngày, từ sáng sớm, cô bé này đã len lỏi qua các quán xá để bán vé số. Tối mịt mới trở về nhà. Cứ bán 100 tờ vé số, em được 50 ngàn đồng huê hồng. Ngày nào bán nhiều, em kiếm được 50 đến 100 ngàn đồng, ngày nào ít chỉ 20.000 – 30.000 đồng. Số tiền kiếm được, em đưa hết cho mẹ để lo thuốc thang cho ba. Khi được hỏi về chuyện học hành, em cho biết là em học rất yếu so với các bạn cùng lớp và cũng có ý định bỏ học vào năm học mới.
Chúng tôi có dịp tiếp xúc với cậu bé trai 12 tuổi, ở đường Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long. Cứ 7 – 8 giờ sáng, em đã có mặt tại các quán cà phê đối diện bờ kè sông Tiền. Đi đến quán nào thấy có nhiều người tập trung, em cũng chìa ra xấp vé số và cuốn sổ kèm theo lời năn nỉ mọi người mua giúp. Em có cái tên rất sáng : Trần Hòang Tỉ, nhưng hình dáng và cuộc đời của em thì hòan tòan ngược lại. 12 tuổi mà cậu nhỏ như một đứa bé lên 7 lên 8, nước da cháy đen vì nắng. Quê em ở vùng Mộc Hóa – Long An. Nhà nghèo, cha mẹ đi làm mướn, rồi bỏ nhau, mỗi người mỗi ngã. Em và anh trai 14 tuổi của mình từ vùng Mộc Hóa, dắt díu nhau về Phường 4 ở với bà ngọai để bán vé số kiếm tiền sinh sống. Trước em cũng được đi học, nhưng giờ đã bỏ học giữa chừng. Sớm mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, dành nhiều thời gian để bán vé số là nguyên nhân mà Trần Hoàng Tuấn – anh của em Tỉ – không được học hành. Đã hơn 15 tuổi mà đọc viết chữ chưa rành.
Cùng đợt đi "bán tuổi thơ" với anh em Tỉ và Tuấn, còn có 2 chị em khác ở Phường 8, Thành phố Vĩnh Long, gia cảnh cùng nghèo. Đó là Út và Loan. Mỗi ngày, hai em phải đi từ dãy phố này đến dãy phố khác, qua các phường nội ô trong thành phố, bất chấp trời nắng như thiêu đốt hay những cơn mưa ngập trắng đường. Một tờ vé số bán được, các em nhận tiền hoa hồng là vài trăm đồng. Những hôm nào đắt đỏ bán được một, hai trăm tờ, các em cũng chỉ kiếm 60.000 – 70.000 đồng. Thu nhập ít, lại phải phụ chi trả tiền thuê phòng trọ, tiền ăn qua ngày và bao nhiêu thứ phát sinh ốm đau, bị cướp giật nên số tiền tích lũy, dành dụm được cũng chẳng đáng là bao. Nhà nghèo, không được đến trường, với xấp vé số trên tay, hai chị em thường lang thang khắp ngõ ngách của Thành phố Vĩnh Long và trở về nhà khi xấp vé số đã vơi và thành phố cũng đã lên đèn.
Trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa chỉ biết ăn học và được ba mẹ sắm cho những bộ áo cánh tinh tươm để vui chơi, giải trí và du lịch trong những ngày hè, thì với những trẻ em nghèo đi bán vé số, mùa hè lại là mùa để kiếm sống. Và còn rất nhiều những em nhỏ như Cẩm Hiếu, Mẫn, Mỹ Thuận, Thông, Thu… đang phải nhọc nhằn mưu sinh ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Nỗi lo cơm áo cứ thế đang từng ngày đè nặng trên những đôi vai gầy guộc, mong manh. Thành phố Vĩnh Long vào những ngày tháng 6 trời nắng nhiều hơn mưa. Thế nên, trong các quán ăn uống lúc nào cũng có trẻ em bán vé số. Mỗi khi có thực khách bước vào quán, các em len lỏi đến, tay chìa những xấp vé số, miệng liến láu : “Cô, chú mua giúp cháu với, có nhiều số đẹp”. Hoặc: "Dò số đi chú". Khi nhận được những cái lắc đầu cùng với cử chỉ khoát tay xua đuổi, mặt các em như chùng xuống và lủi thủi bước ra trong nắng…
Gặp một bé gái có gương mặt đen nhẻm bán vé số, chúng tôi hỏi mua và lân la làm quen. Ngay lập tức, em cho biết hoàn cảnh của mình : “Nhà em có mấy người đều bị bệnh. Mẹ em bị bệnh tim, ba em là thương binh, 1 chị bị chất độc da cam. Em còn cho biết em ở trọ ở Phường I, quê thị trấn Trà Ôn. Em nói em lên đây ở với người bác rồi đi bán vé số. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn em, em bảo không thích nhưng nếu chúng tôi chịu mua hết 100 tờ vé số, em sẽ đồng ý cho chúng tôi phỏng vấn. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là cô bé này rất chững chạc, hơn hẳn những em nhỏ cùng tuổi. Tỉ tê hỏi han một hồi em mới nói tên em là Đinh Thị Hồng Loan, 10 tuổi, ở Phường 5. Em ở cùng mẹ và 2 chị. Mẹ em và 2 chị đi bán hàng rong còn em bán vé số ở khu vực này. Em nói phải kể hoàn cảnh thật khổ thì người ta mới thương mà mua vé số cho. Ở em, chúng tôi thấy hiện lên vẻ già dặn trái hẳn với độ tuổi. Có lẽ vì phải vào đời sớm, phải vất vả mưu sinh từ khi còn bé nên những nét ngây thơ hồn nhiên trên gương mặt em đã bị mất đi!
Ở lứa tuổi này các em chưa nhận thức được đầy đủ, phân biệt giữa cái xấu và cái tốt, do đó cuộc sống của các em nếu không được sự quan tâm chăm sóc của gia đình sẽ trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Mới đây, tại quán cà phê bên hành lang Siêu thị Coop Mark, trung tâm Thành phố Vĩnh Long, có một bé gái tên Tiền, 10 tuổi (nhà ở Phường 8 Thành phố Vĩnh Long) đi bán vé số ở khu vực này bị kẻ gian lợi dụng lấy hết xấp vé số và lấy hết tiền bán được trong ngày của em…
Thực tế cho thấy, những đứa trẻ bán vé số đang phải đối mặt với nhiều cạm bẫy trong xã hội, thế nhưng còn có nhiều bậc cha mẹ chưa thật sự quan tâm đến con cái mà còn nhẫn tâm giao “chỉ tiêu” phải bán hết vé số trong ngày, nếu không thì bị la mắng hoặc đánh đập, có em đã phải lo lắng, hoảng hốt, nước mắt giàn giụa, đó là nguyên nhân việc bán không hết vé, gần đến giờ xổ số mà vé vẫn còn nhiều. Những đứa trẻ phải ra đời mưu sinh sớm, rồi tương lai của chúng sẽ ra sao?
Tại buổi lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Vĩnh Long vừa rồi, bà Lê Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – đã nhấn mạnh : “Với những đứa trẻ phải vào đời sớm, mặt tích cực là chúng sẽ rất lanh lợi, lớn lên thả vào môi trường nào chúng cũng sống được. Nhưng mặt tiêu cực là khi ra đời sớm quá, phải tiếp xúc với những mánh khóe lừa lọc, nếu không được định hướng thì chúng rất dễ bị lạm dụng, tương lai rất dễ sa ngã. Vì thế, vai trò của gia đình, của những người lớn là rất quan trọng. Người lớn phải theo sát và có định hướng cho các em. Phải giúp các em hiểu rằng hoàn cảnh khó khăn, các em phải kiếm sống giúp đỡ gia đình là điều đáng hoan nghênh nhưng nếu để có tiền mà phải bằng mọi giá, bằng mọi mánh khóe lừa lọc thì đáng phê phán. Ra đời sớm, các em đã phải chịu thiệt thòi nên gia đình cần quan tâm, sâu sát hơn, đừng sớm tiêm nhiễm vào đầu các em những mánh lới, những lọc lừa của thế giới người lớn nếu không tương lai các em sẽ dễ trở thành những người xấu trong xã hội”.
Trọng Dũng