Virus cúm hoạt động mạnh khi thời tiết lạnh vào cuối năm, dễ lây nhiễm cho mẹ bầu và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, sảy thai, sinh nhẹ cân.
Đó là những chia sẻ của các chuyên gia dịch tễ, y khoa hàng đầu trong chương trình tư vấn trực tuyến “Diễn biến nguy hiểm của cúm mùa và các bệnh hô hấp cuối năm ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ” diễn ra tối ngày 8/11/2024.
Chương trình tư vấn trực tuyến: “Diễn biến nguy hiểm của cúm mùa và các bệnh hô hấp cuối năm ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ” diễn ra tối ngày 8/11/2024.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia y tế đầu ngành gồm BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM; BS.CKII Lê Thị Mỹ Châu,Trưởng Đơn vị Bệnh Truyền nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM; BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Chương trình đã nhận được sự quan tâm của hàng nghìn khán giả theo dõi trong bối cảnh thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng cao kỷ lục vào mùa hè, mùa mưa bão kéo dài đến cuối năm là các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm và mức độ nặng của các ca nhiễm cúm.
Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn Tại đây
Mở đầu chương trình, BS Trương Hữu Khanh cho biết, bệnh cúm diễn ra quanh năm. Tuy nhiên năm nay thời tiết khắc nghiệt, đầu năm nắng nóng xen kẽ mưa, miền Bắc lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm sinh sôi. Cúm phát triển và gây bệnh mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa. Trẻ cùng lúc mắc nhiều bệnh gây đồng nhiễm, bội nhiễm có nguy cơ trở nặng hơn.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em, khi có bệnh đừng mong trẻ sẽ hết nhanh. Ngoài dùng thuốc giảm ho, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý theo chỉ định, phụ huynh cần quan sát nhịp thở của trẻ, kịp thời đưa đến bệnh viện khi trẻ thở nhanh, thở rút lõm ngực vì đây có thể là dấu hiệu viêm phổi nặng.
Trẻ cần tiêm ngừa các tác nhân gây bệnh hô hấp đã có vắc xin như cúm, sởi, bạch hầu, ho gà. Chẳng hạn thời gian qua, đa số các ca mắc sởi chưa chích ngừa hoặc chích ngừa chưa đủ mũi. Đồng thời, người lớn cũng cần rà soát các mũi tiêm chủng để phòng lây lan cho trẻ nhỏ trong gia đình.
Với phụ nữ mang thai, mắc cúm có thể dẫn đến viêm phổi. Mùa dịch cúm A/H1N1 năm 2009 hoành hành, rất nhiều mẹ bầu buộc phải chấm dứt thai kỳ hoặc sảy thai, trẻ sinh ra nhẹ cân, sức đề kháng kém.
Để phòng mắc cúm trong thai kỳ, phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin cúm. Vắc xin cúm được nghiên cứu an toàn, không ảnh hưởng đến thai kỳ.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM chia sẻ về diễn biến cúm mùa năm nay.
BS.CKII Lê Thị Mỹ Châu, Trưởng Đơn vị Bệnh Truyền nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết thêm hầu hết các bệnh hô hấp đều biểu hiện sốt ho, sổ mũi… Nếu các triệu chứng này kéo dài, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế và thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nếu cần thiết.
Theo bác sĩ Châu, nguồn lây bệnh truyền nhiễm như cúm không chỉ từ người bệnh mà còn cả người khỏe mạnh nhưng mang virus, gọi là “người lành mang trùng”. Virus cúm lây lan từ 1 ngày trước khi có những triệu chứng, kéo dài 5-7 ngày, thời điểm lây lan mạnh nhất rơi vào 3-4 ngày đầu.
BS.CKII Lê Thị Mỹ Châu, Trưởng Đơn vị Bệnh Truyền nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chỉ ra các nguồn lây bệnh cúm.
Ngoài hít phải trực tiếp các giọt bắn ở đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, virus cúm có thể lây khi trực tiếp ôm hôn bắt tay người bệnh, cầm nắm với đồ vật, mặt phẳng dính dịch tiết của người bệnh sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Bác sĩ Châu cho biết các trường hợp nhiễm cúm nhẹ có thể thể chăm sóc tại nhà bằng thuốc giảm đau, hạ sốt, không nên sử dụng thuốc ức chế ho trừ khi có chỉ định bác sĩ.
Đối với phụ nữ mang thai, bác sĩ Châu khuyến cáo không nên lạm dụng paracetamol, cần lưu ý những dấu hiệu như xuất huyết âm đạo để nhập viện kịp thời. Ngoài ra, bác sĩ Châu lưu ý ngoài cúm, các loại siêu vi khác như tụ cầu, liên cầu khuẩn cũng có thể gây ra các triệu chứng sốt, mệt mỏi, ho, sổ mũi. Vì thế, mẹ bầu nên theo dõi kỹ dấu hiệu và đến bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán bệnh.
Theo các chuyên gia, virus cúm có khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên. Hằng năm WHO đều tổ chức giám sát các ca bệnh cúm để lấy mẫu xét nghiệm dự đoán chủng virus cúm lưu hành phổ biến trong mùa cúm năm sau. Khi WHO cập nhật chủng virus cúm, nhà sản xuất có 6 tháng để chế tạo vắc xin phòng bệnh trong các mùa cúm ở mỗi nơi. Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa nên cúm lưu hành quanh năm. Mùa đông xuân thời tiết lạnh, cúm gia tăng hơn so với các tháng còn lại nhưng nhìn chung tháng nào cũng có ca cúm.
BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay vắc xin cúm không chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Mẹ bầu nên tiêm cúm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, trước ngày dự sinh ít nhất một tháng.
Ngoài cúm, trước khi mang thai, phụ nữ nên tiêm phòng các vắc xin như thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi – quai bị – rubella, viêm gan B để tránh mắc bệnh và ảnh hưởng thai kỳ.
BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC tư vấn về lịch tiêm vắc xin cúm.
Ai cũng có thể tiêm được vắc xin, nhưng trong vắc xin vẫn ưu tiên những đối tượng yếu thế, có nguy cơ cao trong cộng đồng, đối tượng khi mắc bệnh dễ biến chứng như trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Khi đã tiêm mũi lao và viêm gan B thì đến lúc trẻ đạt 2 tháng tuổi, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm thêm các loại vắc xin quan trọng trong 2 năm đầu đời gồm: 6in1, phế cầu, rota,..
Hiện Việt Nam đang lưu hành hai loại vắc xin phòng cúm tứ giá thế hệ mới gồm Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan) phòng được 4 chủng virus cúm gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria). Vắc xin được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm như sau:
Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi: Tiêm 2 mũi vắc xin
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên;
- Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 4 tuần, tiêm nhắc lại hằng năm.
Trẻ em từ 9 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 1 mũi.
Mỗi người cần tiêm nhắc lại vắc xin cúm hằng năm để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.
Hệ thống tiêm chủng VNVC với hơn 200 trung tâm tại 55 tỉnh, thành làm việc xuyên trưa, từ thứ 2 đến chủ nhật. VNVC cung cấp đầy đủ các loại vắc xin quan trọng cho trẻ em và người lớn. Tất cả vắc xin ở VNVC được bảo quản ở hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP theo tiêu chuẩn quốc tế; quy trình tiêm chủng an toàn; đội ngũ bác sĩ giỏi, điều dưỡng tiêm nhẹ nhàng; trung tâm có phòng xử trí phản ứng sau tiêm hiện đại, đủ phương tiện y khoa cao cấp. Người dân có nhu cầu tư vấn, tiêm chủng vắc xin có thể đến trực tiếp các trung tâm VNVC hoặc gọi hotline.
Kim Oanh