Các bệnh như cúm, viêm màng não, thủy đậu, sởi… có thể diễn ra quanh năm nhưng có nguy cơ tăng cao vào mùa hè khi thời tiết thay đổi và trẻ bắt đầu nghỉ hè, đi du lịch cùng gia đình.

Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trong năm đầu đời vốn non nớt nên rất dễ nhiễm bệnh và gặp biến chứng nặng, nhất là trong thời điểm giao mùa nắng mưa bất chợt. Tiêm ngừa là cách chủ động phòng bệnh cho trẻ, tránh lây nhiễm từ những người xung quanh.

Các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và nhi khoa đã liệt kê các bệnh truyền nhiễm cần chú ý hiện nay và cách phòng ngừa cho trẻ nhỏ trong buổi livestream tối 31/5 với chủ đề: “Cúm, viêm màng não, thủy đậu và vắc xin quan trọng cho trẻ 0-12 tháng”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: BS.CKI Nguyễn Lê Nga và BS Nguyễn Văn Quảng, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; ThS.BSNT Nguyễn Thị Ngọc Nga, BS khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây.

Chương trình tư vấn trực tuyến tối 31/5 với chủ đề “Cúm, viêm màng não, thủy đậu và vắc xin quan trọng cho trẻ 0-12 tháng”.

Mở đầu chương trình, BS Ngọc Nga cho biết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch non yếu chưa hoàn thiện. Trẻ thường có kháng thể từ mẹ truyền sang, giúp bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, kháng thể này chỉ tồn tại trong khoảng 3-6 tháng sau khi sinh ra, sau đó bé phải tự sinh ra kháng thể để chống lại bệnh tật. Do đó, trẻ tuổi càng nhỏ, càng dễ mắc bệnh và gặp các biến chứng nặng.

Hiện nay, thời tiết giao mùa xuân hè, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân truyền nhiễm như vi khuẩn, virus sinh sôi. Thời tiết này cũng làm suy giảm sức đề kháng của con người nói chung, nhất là trẻ nhỏ nên càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Trẻ có thể gặp nhiều bệnh lý tấn công nhiều hệ cơ quan dẫn đến viêm phổi, viêm đường tiêu hóa, viêm màng não, nhiễm khuẩn tiết niệu…

ThS.BSNT Nguyễn Thị Ngọc Nga trong buổi tư vấn trực tuyến tối 31/5.

BS Ngọc Nga kể ra các tác nhân truyền nhiễm lây qua đường hô hấp gồm có ho gà, bạch hầu, sởi, cúm, thủy đậu. Các tác nhân lây gây viêm não, viêm màng não nhưng cũng lây qua đường hô hấp như vi khuẩn Hib, phế cầu, não mô cầu.

Trong đó, cúm có thể xuất hiện quanh năm chứ không chỉ riêng mùa lạnh vì nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thủy đậu thường được xem là bệnh thường gặp, “bệnh của trẻ nhỏ” nhưng nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phổi, viêm thận, viêm não, nhiễm trùng huyết. Còn viêm màng não do Hib, phế cầu hay não mô cầu đều có tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng nếu qua khỏi. Trước khi có vắc xin, Hib là tác nhân gây viêm màng não hàng đầu ở trẻ nhỏ tại nước ta. Còn viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có thể gây tử vong trong 24 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Phế cầu ngoài viêm màng não còn có thể gây ra viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết.

BS Nguyễn Văn Quảng trong buổi tư vấn trực tuyến tối 31/5.

BS Nguyễn Văn Quảng cho biết, để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các tác nhân gây bệnh kể trên, ngoài giúp trẻ giữ vệ sinh, tránh các nguồn lây bệnh thì tiêm ngừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo là cách phòng bệnh hiệu quả cao và an toàn cho trẻ. Phụ huynh cần chủ động tiêm ngừa cho con, giúp trẻ có kháng thể đặc hiệu chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

BS Quảng liệt kê các mốc tiêm ngừa quan trọng cho trẻ trong năm đầu đời. Cụ thể, từ khi sinh ra, trẻ cần được tiêm ngừa vắc xin lao và viêm gan B, tốt nhất trong 24 giờ đầu sau sinh. Đến 2 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Trong đó tiêm chủng dịch vụ cung cấp nhiều vắc xin cần thiết như: vắc xin 6 trong 1, phế cầu chủng ngừa từ 2 tháng tuổi, có thể tiêm sớm từ 6 tuần tuổi; vắc xin Rotavirus uống từ 6 tuần tuổi; vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới tiêm từ 2 tháng tuổi; vắc xin cúm và não mô cầu nhóm B, C chủng ngừa từ 6 tháng tuổi; vắc xin sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135 chủng ngừa từ 9 tháng tuổi. Vắc xin viêm não Nhật Bản, viêm gan A, B chủng ngừa từ 12 tháng tuổi.

Với vắc xin phòng não mô cầu, BS Quảng lưu ý phụ huynh cần chủng ngừa đầy đủ cả 5 nhóm huyết thanh gây bệnh A, B, C, Y, W-135.

BS Quảng nhấn mạnh trẻ cần tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch để vắc xin phát huy khả năng bảo vệ tối ưu.

BS.CKI Nguyễn Lê Nga trong buổi tư vấn trực tuyến tối 31/5.

BS Nguyễn Lê Nga lưu ý các biểu hiện ban đầu của các bệnh về đường hô hấp khá giống nhau như sốt, ho, hắt hơi, mệt mỏi… Khi chưa có chỉ định của bác sĩ, phụ huynh không nên tự ý mua kháng sinh cho con. “Dùng kháng sinh không đúng bệnh và liều lượng, trẻ có thể mệt hơn, bệnh nặng hơn. Việc dùng kháng sinh liều cao lâu ngày cũng có thể dẫn đến kháng kháng sinh, khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn”, BS Nga phân tích.

Trước thắc mắc nhiều phụ huynh về việc trong thời tiết nóng, trẻ nhỏ có thể nằm điều hòa hay quạt không, BS Lê Nga giải đáp trẻ vẫn có thể nằm điều hòa và quạt, tuy nhiên cần chú ý không bật nhiệt độ quá thấp và không để hơi lạnh phả trực tiếp vào cơ thể trẻ.

Ngoài ra, để phòng bệnh cho trẻ, các chuyên gia lưu ý tiêm ngừa cho người lớn trong gia đình cũng là một biện pháp “kép” vừa giúp người lớn khỏe mạnh, chăm sóc bé tốt hơn, vừa tránh trở thành nguồn bệnh và lây sang trẻ. Bên cạnh đó, phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai cũng nên chú ý tiêm ngừa đầy đủ. Trong thai kỳ, thai phụ cần chú ý tiêm ngừa cúm và vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván từ 3 tháng giữa thai kỳ, giúp bảo vệ mẹ và truyền kháng thể sang con, giúp trẻ phòng bệnh trong những tháng đầu khi chưa đến tuổi tiêm ngừa.

Nhật Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *