Cách đây hơn 8 năm, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 42 về “ Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước”. Ở tỉnh Vĩnh Long qua hơn 8 năm triển khai thực hiện nghị quyết này, trình độ của đội ngũ cán bộ đã được nâng lên đáng kể, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đề ra. Đây là sự nỗ lực lớn của các địa phương, đơn vị trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.

 Thực hiện nghị quyết 42 của Bộ Chính trị, những năm qua Đảng bộ xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình đã tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến nay, tất cả cán bộ phụ trách các ban ngành, đoàn thể của xã này đều có trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn thấp nhất cũng từ trung cấp trở lên. Sự nỗ lực trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đã giúp xã này hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn. 

Còn ở phường 5, thành phố Vĩnh Long, đến nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng tương đối đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và được nâng lên về chất lượng. Cụ thể về trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 95% cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên. Trong đó có trên 60% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Về trình độ lý luận chính trị có trên 53% cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên. Nhờ được chuẩn hóa về trình độ mọi mặt nên đa phần cán bộ của phường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Ở thành phố Vĩnh Long, những năm qua công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm sâu sát. Nhờ vậy mà trình độ của đội ngũ cán bộ thành phố đã được nâng lên một mức. Đối với Ban chấp hành Đảng bộ thành phố,100% cấp ủy có trình độ lý luận chính trị từ cấp trung cấp trở lên, 87% cấp ủy có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng, đại học. Còn đối với Ban chấp hành Đảng bộ các xã, phường có trên 70% cấp ủy có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Về nghiệp vụ chuyên môn, số cấp ủy có trình độ trung học, cao đẳng, đại học cũng chiếm hơn phân nửa.

 

 Qua 8 năm thực hiện nghị quyết 42 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Long đã được nâng lên rõ rệt. Ở tuyến xã, phường, thị trấn có trên 70% cán bộ đã qua đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Ở tuyến huyện, thành phố có trên 60% cán bộ có trình độ đại học nghiệp vụ chuyên môn, 80% cán bộ có trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học. Còn ở tuyến tỉnh, số cán bộ được tào tạo bồi dưỡng mỗi năm mỗi tăng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long : So với yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh vẫn chưa theo kịp đà phát triển. Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh hiện nay vẫn còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng lẫn chất lượng, nhất là còn thiếu các chuyên gia lãnh đạo đầu ngành.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế, nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX đã xác định 2 đột phá. Trong đó có chương trình “ Phát triển và nâng cao nguồn nhân lực của hệ thống chính trị giai đoạn 2010-2015 và chuẩn bị nguồn cán bộ cho giai đoạn 2015-2020 ”. Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành có đủ năng lực trình độ, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. 

 Chương trình Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đề ra chỉ tiêu đến năm 2015, tỉnh Vĩnh Long có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, trưởng phó các ban, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương đạt trình độ đại học chuyên môn, có trình độ lý luận chính trị cao cấp, có trình độ ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quy định, phấn đấu đến năm 2020 có 60% cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên. Đối với cán bộ, công chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập từ trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương, phấn đấu đến năm 2015 có 100% cán bộ có trình độ đại học chuyên môn, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, sử dụng thông thạo tin học trong công việc.

 Còn đối với Ban chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn đến năm 2015 có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó có 50% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học về nghiệp vụ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị cao cấp, phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, trị trấn có trình độ thạc sĩ. Đối với các chức danh công chức xã phường phải qua đào tạo chuyên ngành đạt chuẩn phù hợp với nhiệm vụ được phân công. Riêng chức danh bí thư chi bộ các ấp, khóm phải có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

 Để hoàn thành mục tiêu mà chương trình Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị” đã đề ra, hiện nay 8 đảng bộ huyện, thành phố và 4 đảng ủy khối trực thuộc tỉnh ủy Vĩnh Long đang tập trung công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020. Với mục tiêu chung, là đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu đồng bộ. Trong đó tập trung tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia ban chấp hành nhiệm kỳ tới đạt yêu cầu theo quy định của Trung ương, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn trình độ mọi mặt. 

 Sau khi tổng kết chương trình Vĩnh Long 100  vào cuối năm nay, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài giai đoạn 2013-2015. Mặt khác, phối hợp với các học viện, các trường, các trung tâm đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ bồi dưỡng ngoại ngữ để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

 Các trường cao đẳng, đại học của tỉnh cũng đang đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, với nhiều hình thức như : Đào tạo tập trung, tại chức để nâng cao kiến thức chung về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quan hệ ứng xử giao tiếp cho cán bộ. Đồng thời mở các lớp tập huấn ngắn hạn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hội nhập quốc tế, kỹ năng chuyên ngành cho từng chức danh. Trong đó chú trọng đào tạo chính quy cho cán bộ trẻ trong độ tuổi. Mặt khác, tỉnh tiếp tục tổ chức thi tuyển công chức theo quy định nhằm bảo đảm tiêu chuẩn để chuẩn hóa trình độ cán bộ ngay từ đầu vào. 

 Để phát triển và nâng cao chất lượng cán bộ trong hệ thống chính trị, tỉnh cũng đang rà soát bố trí lại cán bộ đúng với chuyên môn đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời tăng cường công tác luân chuyển cán bộ để nâng cao năng lực thực tiễn và kinh nghiệm công tác, có chính sách phù hợp để thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị, đặt biệt đối với cấp xã phường.

 

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng, là một trong 2 đột phá nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX : “Nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, đáp ứng cho nhu cầu phát triển giai đoạn 2010-2015 và chuẩn bị nguồn cán bộ cho giai đoạn 2015-2020” , là trách nhiệm của cả hệ thống trị. Trong đó sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước giữ vai trò quyết định.Tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực phấn đấu xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *