Trong những năm gần đây, Vĩnh Long có quan tâm đầu tư cho công tác dạy nghề. Nhờ vậy, lĩnh vực đào tạo nghề có những chuyển biến đáng mừng. Mạng lưới trường lớp phát triển nhanh, tỉ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, số lao động tìm được việc làm ổn định đang ngày thêm đông, thêm nhiều. Tuy nhiên, thực trạng dạy nghề vẫn còn những bất cập, ít nhiều có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế – xã hội chuyện dạy và học nghề.
Là một tỉnh có khá nhiều trường chuyên nghiệp, kể cả những trường cấp tỉnh lẫn những trường trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn, Vĩnh Long có điều kiện đẩy mạnh công tác dạy nghề. Trong vòng vài năm trở lại đây, người dân cũng có ý thức hơn về chuyện cho con cái học nghề. Do chịu ảnh hưởng bởi tâm lý “trọng thầy, khinh thợ”, nhiều bạn trẻ vẫn muốn chọn con đường khoa bảng làm bước tiến thân. Song, trước thực tế thừa thầy, thiếu thợ, cơ hội tìm việc làm của một công nhân kỹ thuật, hoặc một cán bộ trung cấp kỹ thuật có khi mau mắn suôn sẻ hơn một cử nhân vừa tốt nghiệp ra trường đã khiến cho không ít người suy gẫm lại về hiệu quả học nghề theo cách nói của người xưa: “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Vừa mới được nâng cấp từ trường Dạy nghề lên thành trường Trung cấp nghề cách nay chưa lâu, trường Trung cấp Nghề số 9 thuộc Quân khu 9 có khá nhiều hệ đào tạo, từ hệ đào tạo cho bộ đội phục viên đến hệ đào tạo dân sự cho thanh niên trong cộng đồng. Thắng lợi lớn của trường trong những năm qua là có hiệu quả đào tạo cao, hầu hết học sinh vừa ra trường là có việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo và có thu nhập ổn định ở mức khá. Có được kết quả này, một phần do nhu cầu nhân lực các lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật ở khu vực ĐBSCL không ngừng phát triển, mặt khác, nhà trường cũng có những cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, công tác dạy nghề cần phải hết sức coi trọng việc kiện toàn cơ sở vật chất trang thiết bị. Cơ cấu ngành nghề, nội dung chương trình đào tạo cũng rất cần có sự quan tâm thoả đáng hơn. Hiệu quả sau cùng phải là hiệu quả công việc chớ không phải chỉ trao cho các em mảnh bằng tốt nghiệp ra trường là đủ. Đây cũng là khó khăn và thách thức đối với nhà trường trong quá trình thực hiện chức năng của một cơ sở đào tạo nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là trong điều kiện lực lượng lao động chưa có tay nghề còn chiếm tỉ lệ cao song không hẳn ai cũng sẵn lòng cất công đi học nghề để mưu sinh lập nghiệp.
Vốn có thế mạnh về đội ngũ giáo viên vững nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm, Trung tâm Dịch vụ Việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Vĩnh Long luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo. Việc tăng cường các giờ thực hành thực tập góp phần tạo điều kiện cho học viên rèn luyện tay nghề, làm quen với thực tiễn. Được tiếp nhận chương trình đào tạo ngày càng cải tiến, người học thêm phần năng động và tự tin vào công việc sẽ đeo đuổi trong tương lai.
Một lớp dạy nghề đan giỏ bằng dây lác tại ấp Phú Hòa, xã Phú Thịnh – Tam Bình |
Nếu như ưu thế của các trường dạy nghề tập trung ở những ngành nghề đào tạo dài hạn thì việc đào tạo các ngành nghề ngắn hạn là thế mạnh của các trung tâm dạy nghề. Có lẽ về lâu dài, tỉnh cần có chính sách khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề. Đây là một tiềm năng lớn mà hiện tại chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu. Đồng thời, phải đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của nhà nước, đặc biệt là phải quan tâm chú trọng về thiết bị dạy nghề. Lĩnh vực này đòi hỏi những thiết bị phục vụ cho đào tạo tay nghề công nhân làm sao khi ra trường họ đáp ứng được yêu cầu làm việc của các thành phần kinh tế.
Một chuyển biến tích cực đáng ghi nhận trong thời gian qua là sự phát triển nhanh mạng lưới trung tâm dạy nghề từ tỉnh xuống đến đều khắp các huyện, thị. Nhờ gắn kết được công tác dạy nghề với dịch vụ giới thiệu việc làm, Vĩnh Long đã cung ứng lao động qua đào tạo nghề cho các khu công nghiệp, các khu chế xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… và cả đưa đi xuất khẩu lao động. Mặc dù phải thừa nhận chất lượng đào tạo nghề còn nhiều vấn đề bất cập, song công tác dạy nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động một cách tương đối có hiệu quả.
Gần đây, công tác đào tạo nghề hết sức chú ý đến việc đào tạo nghề trong nông thôn, đào tạo nghề cho người trực tiếp làm lao động để từ đó họ có kiến thức đủ sức tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trện mảnh đất của mình. Những người thiếu việc làm hoặc những người có thời gian nông nhàn dài đều cần phải đào tạo để phát triển hai lĩnh vực : một là công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hai là phát triển dịch vụ trong nông nghiệp. Điều này sẽ giúp cho việc sử dụng lao động nông nghiệp có hiệu quả và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp ở nông thôn.
Để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, điều cơ bản nhất có lẽ là cần phải căn cứ vào quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà để có kế hoạch đào tạo gắn kết phù hợp, từ đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các cơ sở sản xuất, các thành phần kinh tế.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội từng bước phát triển đi lên. Dẫu vẫn còn không ít những bất cập về cơ cấu ngành nghề, trang thiết bị, kinh phí, con người… song, với thành quả đã đạt được trong thời gian qua, phải nhìn nhận là Vĩnh Long có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực dạy nghề và cũng là tiền đề cơ sở tạo đà cho những bước tiến mới trong thời gian tới.
An Khánh