Gần 200 năm trước, Thống chế Thọai Ngọc Hầu đã chỉ huy dân binh đào kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Đây là công trình “Trấn biên, trị thủy” mang lại lợi ích muôn đời.

Xuôi theo dòng chảy lịch sử , những năm cuối thế kỷ 20, Thủ Tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt lại quyết định thi công tiếp hệ thống kênh xuyên sườn Vĩnh Tế đổ ra biển Tây và đã làm bừng dậy sức sống mới cho vùng Tứ Giác Long Xuyên.

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt vừa kế thừa tầm nhìn chiến lược của tiền nhân, vừa có những quyết sách an dân, giữ nước vững bền.Từ những công trình ích nước lợi nhà, cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã để lại trong lòng mọi người một hình tượng cao quý về vị Thủ Tướng giản dị, nghĩa tình, dám nghĩ, dám làm như chính cuộc đời của ông, một cuộc đời không dành cho riêng mình .

Từ công trình lưu danh hậu thế

 Vĩnh Tế sơn – nơi thiên nhiên đặt một dấu chấm lửng đầu tiên trước dãy Thất sơn thơ mộng ở đồng bằng sông Cửu Long.Từ những xóm làng thưa thớt dân cư thời khẩn hoang lập ấp, nay quanh chân Vĩnh tế sơn đã trở thành thị trấn đông đúc. Nhiều di tích lịch sử thời khẩnhoang lập ấpvẫn còn lưu giữ nơi đây.

Thoáng trông ông giống như đạo sĩ Thất Sơn, cũng có nét đôn hậu như vị lương y Bảy Núi. Không, Ông chỉ là người dân bình thường, sinh ra và lớn lên ở sườn núi này. Ông tên là Nguyễn Hữu Sàng , hậu duệ đời thứ tư của lớp cư dân theo đòan quân Thọai Ngọc Hầu  về đây đào kênh Vĩnh Tế . Từ thời còn niên thiếu,ông thường xuyên leo lên đỉnh Vĩnh Tế sơn để ngắm nhìn phong cảnh làng quê. Nay ông vẫn chọn thú vui chinh phục đỉnh cao để luyện tập dưỡng sinh và làm bạn với mây trời.

Bao thế hệ đã sinh ra và lớn lên trên vùng đất này đều thụ hưởng những lợi ích từ công trình lịch sử mang lại. Họ luôn nhớ ơn tiền nhân.

Trong hành trình khai mở đất Phương Nam, Châu Đốc tân cương được xem là vùng biên cảnh quan trọng bậc nhất .Vì vậy, từ những năm đầu thế kỷ 19  hệ thống đồn lũy ở đây đã được binh lính triều Nguyễn bố phòng vững chắc  .

Sách Gia Định thành thông chíĐại Nam nhất thống chí có  ghi chép rằng : Sau khi hoàn thành hệ thống  đồn trú  vùng Châu Đốc tân cương , Vua Gia Long xem địa đồ miền quan ải rồi  nêu ý kiến : “ Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên , thời nông – thương đều lợi cả. Ngày sau, dân ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to  ” 

 Vì vậy , sau khi đào xong kênh Thoại Hà ,  Thống chế Thoại Ngọc Hầu , nhận chiếu chỉ vua Gia Long , tiếp tục  huy động dân binh  trấn Vĩnh Thanh để thực hiện công trình quy mô to lớn hơn, kế sách lâu bền hơn, đó là đào một con kênh song song với biên cương Tây Nam, từ Châu Đốc đến Hà Tiên , với chiều dài 205 dặm rưỡi (tương đương 91km), rộng 7 trượng 5 thước (tương đương 25m).       

 Kênh Vĩnh Tế  khởi công đào từ Rằm tháng Chạp, năm 1819 đến cuối năm 1824 thì kênh Vĩnh Tế hoàn thành. Trong suốt 05 năm ấy, Thống Chế Thoại Ngọc Hầu đã huy động trên 80 ngàn dân binh , chia làm nhiều đợt, thi công ngày đêm , bằng sức người và bằng công cụ thô sơ .  

Ngày nay, nhìn con kênh Vĩnh Tế thẳng tắp, nhiều người rất thán phục về tài phóng tuyến đào kênh  của người xưa. 

Sự sáng tạo của người xưa rất đáng nể phục. Chỉ với công cụ thô sơ và sức người , nhưng các bậc tiền nhân đã  để lại hậu thế một công trình lợi ích muôn đời .

Để ghi nhớ công trạng của ông bàThoại Ngọc Hầu và dân binh , triều đình Huế lúc bất giờ  chọn lấy tên bà Châu Thị Vĩnh Tế ( phu nhân Thọai Ngọc Hầu) để đặt tên cho con kênh , gọi là Vĩnh Tế hà. 

Năm Minh Mạng thứ 17 ( 1836 ) Triều đình Huế cho đúc 09 cái Cửu đỉnh để làm quốc bảo. Riêng cao đỉnh , to lớn , đặt giữa,  trạm khắc hình Kênh Vĩnh Tế và dãy Thất sơn , dưới chân núi khắc 3 chữ “Vĩnh Tế hà”  như muốn khẳng định với hậu thế rằng: Đây là công trình đáng được ghi dấu đời đời. 

Hằng năm, cư dân đôi bờ Vĩnh Tế tổ chức nhiều lễ hội để tri ân Thống Chế Thọai Ngọc Hầu và tiền nhân đã khai mở và mang lại sự  thịnh vượng cho vùng đất này. 

Đến hệ thống kênh ông Võ Văn Kiệt

 Hai thập niên sau hòa bình, kênh Vĩnh Tế kể cả một số kênh đào của Pháp ở đồng bằng Cửu Long đã tỏ ra bất lực trước những cơn thịnh nộ của giặc Thủy tinh tràn về từ thượng nguồn.

 

Vào những mùa lũ lớn , vùng Tứ giác Long Xuyên , đồng ruộng nước ngập mênh mông như biển cả. Nhiều người dân phải chịu cảnh bó gối chờ cứu đói. Nhà cửa chìm dưới biển nước, có khi chỉ còn là nơi bám víu, cầm cự cuối cùng . Cảnh cắt lúa chạy lũ ,cảnh học sinh đến lớp bị sóng gió làm lật chìm xuồng ghe , chết đuối thương tâm . Tất cả những điều đó đã khắc họa nên bức tranh ảm đạm về những mùa lũ lớn quét qua đồng bằng.

 Bức xúc trước cảnh đồng bằng bị nhấn chìm trong lũ, cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt khi còn đương chức cũng như sau khi nghỉ hưu đã có nhiều chuyến khảo sát về các vùng trọng điểm ngập lũ.Ông đi đến nhà dân, tận mắt chứng kiến nhiều hòan cảnh khốn khó. Ông trò chuyện và chăm chú lắng nghe những tâm trạng bức xúc của họ.

Sau nhiều tháng ngày sống chung với lũ, ông cùng các vị lãnh đạo và các nhà khoa học tâm huyết với vùng đất nàyđã có nhiều cuộc bàn thảo. Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phân tích: “ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đi lên bằng cái gì, công nghiệp hóa bằng cái gì, thóat khỏi đói nghèo bằng cái gì, nếu không phải là cơ sở hạ tầng ? Đó là cái cơ bản nhất để giải quyết các vấn đề khác. Hạ tầng đó là thủy lợi gắn liền giao thông và gắn liền với đời sống…” 

Sau quyết định của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt , kênh T5 được nhanh chóng khởi công.Các phương tiện thi công bằng cơ giới làm việc ngày đêm.Đây là kênh T5 trong những ngày sắp thông dòng. Công trình này hòan thành chỉ trong vòng 4 tháng. Một tốc độ thi công đạt “kỷ lục”, bởi lẽ nó không phải tuần tự thông qua các khâu trình duyệt như lệ thường. Kênh dài 36.700m , rộng từ 30 đến 40m. Kênh T5 nối từ kênh Vĩnh Tế tại địa phận xã Lạc Quới,huyện Tịnh Biên , xuyên qua Tri Tôn , Hòn Đất ( Kiên Giang ) rồi đổ ra biển .

Tiếp theo T5, các kênh T4 và T6 cũng lần lượt được khai dòng từ sườn Vĩnh Tế. 3 dòng kênh như ba mũi tên lao qua Tứ giác Long Xuyên làm thức tỉnh vùng đất hoang hóa, rồi cùng đẩy lũ, xổ phèn ra biển Tây.

Những công trình này, không chỉ giải quyết chuyện thóat lũ trước mắt, mà  cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt với tầm nhìn xa đã quyết định khai phá vùng đất  trũng phènTứ Giác Long Xuyên, có diện tích hàng trăm ngàn ha . Đây là một trong những vùng đất bị nhiễm phèn nặng từ bao đời. Nơi mà trước kia người Pháp cũng đã dòm ngó đến. Họ cho đào kênh đắp đập, nhưng sau đó phải bỏ chạy vì phèn dậy. 

Buổi đầu đào hệ thống kênh thóat lũ ra biển Tây , cũng có những ý kiến chưa đồng thuận. Có người cho rằng : Làm như vậy sẽ mất nhiều phù sa cho đồng ruộng, đất sẽ mau chóng bạc màu, hoặc đất đai Kiên Giang phải hứng chịu xổ phèn. 

Vượt lên sự phản biện bằng tầm nhìn xa, cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và các nhà khoa học đã đưa ra quy trình kiểm sóat lũ khả thi. Quy trình kiểm sóat được tóm gọn là: khi lũ từ thượng nguồn Mê Kông đổ về Campuchia, nó tiêu úng xổ phèn trên ruộng đồng đất bạn , rồi đẩy dòng nước phèn ấy  xuống kênh Vĩnh Tế . Hệ thống kiểm sóat lũ dọc bờ kênh và hệ thống kênh T4, T5, T6 sẽ mở ra thải dòng nước phèn và ít phù sa  thóat nhanh ra biển Tây để giảm đến mức thấp nhất sự ngập lũ đầu vụ . Đợi đến khi dòng nước son xuất hiện, thì cho tràn đồng tháo chua rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng, kết hợp với ngăn mặn , giữ ngọtcải tạo đất phục vụ sản xuất.Lòng kênh thì thóat lũ, trên đôi bờ  kênh thì  xây dựng tuyến dân cư an tòan. Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường- Nguyên Viện trưởng Viện Quy họach thủy lợi Miền Nam– Người có nhiều năm tham gia bàn thảo với cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt về khai mở Tứ giác Long Xuyên nói rằng: Đây là một quyết định vô cùng thông tuệ của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.

Từ khi có hệ thống kênh đào và kiểm sóat lũ của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đồng ruộng được cải tạo, nông dân  vùng Tứ giác Long Xuyên sản xuất một năm 3 vụ, năng suất tăng từ 2 tấn lên 10 tấn /ha/năm. Nếu như sản lượng lương thực năm 1978 của An giang chỉ đạt 387 ngàn tấn/ năm, thì năm 1988 đạt 1 triệu tấn, năm 1996  tăng lên 2 triệu tấn và đạt trên 3 triệu 300 ngàn tấnvào năm 2003. An Giang từ chỗ thất bát , đói nghèo vì lũ lụt , vươn lên thành tỉnh dẫn đầu tòan vùng về sản xuất lương thực và góp phần nâng Việt Nam lên hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo . Quan trọng hơn là, 10 triệu cư dân vùng lũ đã an cư lạc nghiệp.

 Sống thuận hòa với thiên nhiên

 Kênh xẻ tới đâu cụm tuyến dân cư hình thành tới đó. Nước ngọt tuôn tràn đến đâu lúa xanh mọc lên đến đấy. Cả công trình quanh năm không chút hoang phí. Từ chổsống bấp bênh giữa đồng ngập lũ, nay người dân đã được an cư lạc nghiệp trên những tuyến đê an tòan.Điện, đường, trường, trạm lần lượt xây dựng hòan chỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh sống của cư dân vùng lũ.

Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề cơ sở hạ tầng , mà cái chính là phù hợp tập quán sinh họat của người dân. Từ bao đời nay cư dân Nam bộ vẫn thích sống theo kênh rạch. Kênh rạch là con đường phát triển của họ. Nhà nhìn ra đường đi, bên cạnh là dòng kênh, phía sau là đồng lúa… quả là làng quê đẹp  của nền “Văn minh lúa nước”. 

 

Phát huy hiệu quả các công trình , năm 2002 tỉnh An Giang đã đưa ra đề án 31 về việc khai thác nguồn lợi từ mùa lũ. Cư dân hình thành nên các mô hình sống chung với lũ như: Mô hình trồng trọt hoa màu , mô hình nuôi nhử và khai thác thủy sản ,mô hìnhngành nghề dệt lưới, làm ngư cụ bắt tôm cá. Năm 2010, ước tính An Giang khai thác từ mùa nước nổi khỏang 400.000 tấn lúa, 268.000 tấn rau màu, 8.000 tấn cá đồng, 1000 tấn lươn…

Để có được ruộng đồng,làng quê Tứ giác Long Xuyên trù phú như hôm nay, bên cạnh chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, còn có sự vốc sức khai hoang phục hóa của nông dân. Nhiều hộ quyết tâm bám trụ, chí thú làm ăn đã vươn lên trở thành tỷ phú.

Đây là cơ sở làm ăn của gia đình ông Nguyễn Lợi Đức, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Sau khi hệ thống kênh đào khai mở, vợ chồng ông về đây lập nghiệp. Từ nghề nuôi cá bè trên sông Hậu, chuyển sang nghề trồng lúa giữa đồng phèn. Vậy mà đến nay, gia đình ông Lợi Đức đã có trong tay 150 ha đất canh tác cặp kênh T6 và Kênh Võ Văn Kiệt. Mỗi mùa vụ thu họach trên 1000 tấn lúa . Ông được nông dân trong vùng tôn vinh là “Vua sản xuất lúa giống”.

Có trong tay 150 ha và nhiều công cụ sản xuất, “Vua lúa”  Lợi Đức đã thành lập công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên SD. Công ty chuyên sản xuất lúa giống theo tiêu chuẩn Global GAP, bằng máy móc hiện đại, như: Máy Laser chan phẳng mặt ruộng, máy cấy, máy  gặt , hệ thống máy sấy , máy tách hạt và các trang thiết bị thí nghiệm. 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và nhà quản lý: Với nhiều lợi thế, vùng Tứ Giác Long Xuyên đang từng bước hình thành vùng sản xuất lớn, với quy trình khép kín, hiệu quả cao.

Hằng năm, khi màu nước son của dòng Mê Kông hùng vĩ vượt qua xứ sở Chùa Tháp , tràn xuống lãnh thổ Việt Nam , thì   cũng là lúc kênh Vĩnh Tế hả hê xả lũ rabiển Tây.Đón lấy cơ hội xả lũ, người dân nơi đây sử dụng các lọai ngư cụ, thi nhau  đánh bắt cá vui như vũ điệu mưu sinh mùa nước nổi .

Có thể nói: Đề án 31 là một thắng lợi “kép” của tỉnh An Giang. Bên cạnh giải quyết công ăn việc làm, tạo kế sinh nhai cho người nông dân, còn kích thích được tinh thần chủ động sáng tạo, biến mùa nước nổi thành mùa thu họach chính của cư dân.

Từ khi có kênh đào băng qua ,cây tràm cũng phát triển tốt hơn, thành nơi bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, nhiều nhất là các loại cá đồng và chim chóc.

Những cánh sếu tha phương tìm về đất lành.Chúng nhảy múa tỏ tình và ấp trứng nuôi con giữa đồng cỏ bàng xanh mượt. Từ sự trân trọng những giá trị bền vững của quy luật tự  nhiên, lòai chim  ghi vào sách đỏ bảo tồn của thế giới đã  biến đồng cỏ xanh thành xứ sở thanh bình . Cũng sau 10 năm bảo tồn, Dự án Đồng cỏ bàng Phú Mỹ đã đọat giải thưởng  của Liên Hiệp Quốc, về quản lý – Bảo vệ đa dạng sinh học vùng xích đạo .

 

 Ngày nay,người dân An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung không còn sợ lũ, chạy lũ như trước kia. Người dân xứ này đã chế ngự được lũ , đã biết cách sống chung với lũ và trông đợi lũ về.

Mấy năm gần đây, các mô hình lễ hội, du lịch sinh thái mùa nước nổi được tổ chức thường xuyên. Kênh rạch phèn chua, rừng tràm hoang hóa thuở nào, giờ đây trở thành điểm đến đầy thú vị của du khách gần xa. Mùa nước nổi bây giờ đ được biến thành mùa vui, ma sinh lợi .

Sự tri ân của người dân

 Hằng năm vào ngày 11 tháng 6 ( ngày mất của cố TT Võ Văn Kiệt) , ở một góc nhỏ của làng quê An Giang, gia đình Ông Nguyễn Hữu Khánh – nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã nghỉ hưu- đều tổ chức lễ giổ cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.

Tương tự như phong tục lễ giổ ở làng quê Nam bộ, mọi người đến đây đều mang các phẩm vật cúng giổ là những “Cây nhà lá vườn”. Đến dự lễ giổ, bên cạnh các vị đã nghỉ hưu, còn có nhiều cán bộ, viên chức ở An Giang và người dân địa phương. Mọi người đến đây một cách tự nguyện , quây quần bên nhau chuyện trò và cùng ôn lại những kỷ niệm khó quên về chú Sáu Dân –về ông Võ Văn Kiệt. 

 Trong căn nhà giản dị, trước di ảnh cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, mọi người kính cẩn thấp hương và lâm râm khấn nguyện. Họ bày tỏ lòng tri ân đối với Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, mà còn tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai mở  vùng đất này.

Để tri ân công lao to lớn của cố TT Võ Văn Kiệt, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VII (nhiệm kỳ 2004 – 2011)đã quyết nghị đặt tên công trình kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt. Đồng thời, xây dựng bia tri ân Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và công viên văn hóa cạnh dòng kênh.

 

Bia tri ân là khối kiến trúc vững chãi. Phần đỉnh tượng bia nổi bật với bức phù điêu chân dung Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.Theo ý tưởng sáng tạo của họa sĩ Dương Đình Chiến: Ba cánh chim được cách điệu bằng ba bông lúa trĩu hạt xếp hình chữ V ( vừa tượng trưng cho Việt Nam,vừa biểu hiện sự chiến thắng ). Tất cả như đang tung cánh nâng lên.Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mất, nhưng công trình, sự nghiệp cách mạng của ông vẫn mãi gieo mầm no ấm, sung túc cho vùng đất TGLX nói riêng, cho ĐBSCL nói chung.

Mặc dù Thống chế Thọai Ngọc Hầu và Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phụng sự đất nước trong những giai đọan lịch sử khác nhau …nhưng cả hai ông đều có chung chí lớn, nhìn xa trông rộng, khai mở tương lai đồng bằng. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thống chế Thọai Ngọc Hầu đã để lại hậu thế bài học quý báu về sự thuận hòa chung sống với tự nhiên, về quốc sách an dân , giữ nước vững bền . 

Quy luật tạo hóa đã đưa cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt về thế giới vĩnh hằng, nhưng ông đã để lại trong lòng mọi người  một hình tượng cao quý về vị Thủ Tướng giản dị, nghĩa tình , dám nghĩ, dám làm như chính cuộc đời của ông , một cuộc đời không dành cho riêng mình. 

 “Người nhờ đất để sống, Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối… Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thọai Hà và kênh Vĩnh tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất Phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả niềm tự hào và niềm biết ơn sâu sắc.”

Tư Duy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *