Trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là một nội dung mà các địa phương cần phấn đấu nếu muốn đạt tiêu chí về môi trường.
Với sự hỗ trợ từ nhiều phía và nổ lực của ngành chức năng, đến nay xã Trung Hiếu, một trong 04 xã điểm xây dựng nông thôn mới ở huyện Vũng Liêm, đã đạt được tiêu chí về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là xã Trung Hiếu đã giải quyết hoàn toàn nhu cầu về sử dụng nước sạch của người dân. Vẫn cần tiếp tục có những giải pháp để người dân thụ hưởng tốt hơn nguồn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Đây là những hình ảnh thường gặp ở khắp các vùng nông thôn. Tận dụng nguồn nước mặt từ các kênh rạch, nhiều hộ nông dân tiến hành khoanh vùng nuôi vịt chạy đồng. Nơi đàn vịt nghỉ ngơi, sinh sống cũng là đường dẫn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của những hộ dân ven con rạch này. Lúc mực nước còn cao thì chưa đến nỗi nào, nhưng đến thời điểm rút nước để gieo sạ thì cả dòng kênh đen ngòm với đủ các loại chất thải từ đồng ruộng và quá trình chăn nuôi.
Đây chỉ là một trong rất nhiều khó khăn của người dân nông thôn vốn quen sử dụng trực tiếp nguồn nước mặt từ các kênh rạch để sử dụng hàng ngày. Những vấn đề khác, như ô nhiễm nguồn nước từ nước thải sinh hoạt của các khu dân cư tập trung cũng đã và đang góp phần làm giảm chất lượng nguồn nước mặt trên các sông rạch, đặc biệt là khu vực nội đồng, xa sông lớn.
Chính từ thực trạng này mà nhiều năm qua Đảng ủy, UBND xã Trung Hiếu xác định vấn đề cung cấp nguồn nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho nhân dân là một mục tiêu hàng đầu để giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống. Giải pháp cụ thể là tăng cường phát huy tác dụng của các trạm cấp nước tập trung được đầu tư trên địa bàn. Từ nhiều nguồn lực khác nhau, đến nay trên địa bàn xã hiện có 04 trạm cấp nước, hiện đang phục vụ cho gần 2.500 ngàn hộ dân, chiếm tỷ lệ 83% . Một con số khá ấn tượng nếu so với tỷ lệ chung trên địa bàn tỉnh mới chỉ có khoảng 32% số hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung.
Để đạt được kết quả này, ở xã Trung Hiếu có điều kiện thuận lợi là ngoài 02 trạm cấp nước tập trung do tỉnh đầu tư, trên địa bàn còn có 02 trạm cấp nước tư nhân. Đây có thể xem là yếu tố quan trọng giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn nước hợp vệ sinh.
Tuy có tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia khá cao, nhưng tại xã Trung Hiếu cũng cho thấy hiện vẫn còn một vài khó khăn trong vấn đề cung cấp nước sạch nông thôn.
Cùng sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung, nhưng không phải chất lượng nước đều như nhau. Cụ thể như tại ấp An Lạc Đông. Theo phản ánh của nhiều người dân nơi đây thì thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng nước máy còn đục như nước sông. Trong khi chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng thì các hộ dân vẫn phải xử lý nước máy bằng các giải pháp truyền thống để sử dụng.
Trong khoảng 17% hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước từ các trạm tập trung, phần lớn là ở những nơi xa các trục đường lớn, xa các trạm cấp nước hoặc là ở riêng lẻ trong nội đồng. Mặc dù đa phần các hộ này đều chuẩn bị lu, bể xi măng để tự xử lý, nhưng do quy mô nhỏ, thiếu kinh phí nên những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời. Hiện xã đã có nhiều phương án để giúp các hộ dân này có được nguồn nước sinh hoạt có chất lượng tốt hơn để sử dụng.
Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã thì Trung Hiếu sẽ phấn đấu đạt được tiêu chí môi trường vào cuối năm nay. Một trong 02 nội dung quan trọng là chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đã được thực hiện tốt. Với những giải pháp đưa ra mang tính khả thi cao, tin rằng nhu cầu về nguồn nước hợp vệ sinh của người dân trên địa bàn xã sẽ còn được đáp ứng tốt hơn nữa. Quá trình xây dựng nông thôn mới sẽ được người dân hưởng ứng mạnh mẽ nếu họ thật sự thụ hưởng có hiệu quả những thành tựu từ chương trình mục tiêu quốc gia này.
Trung Hiếu