Khi chúng tôi thực hiện ký sự này, mùa xuân đang chầm chậm đến gần, cùng với mùa trăng cuối cùng của năm Canh Dần.

Bạn hãy cùng chúng tôi ghé thăm chợ nổi Trà Ôn, thăm một nét văn hóa miền sông nước đặc thù Nam Bộ. Chợ nổi, nằm ở ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít. Ai đã một lần đến vàm sông này, chắc khó thể nào quên ấn tượng đặc biệt khi đi qua chợ nổi. Ghe xuồng lớn nhỏ, cặp kè nối đuôi nhau san sát, giao lưu mua bán đủ các loại hàng nông – thủy sản đồng bằng.

Trên dập dềnh sông nước, bạn có thể no mắt với đủ loại trái cây miệt vườn Nam Bộ, được nuôi dưỡng từ phù sa sông mẹ Cửu Long. Hương vị ngọt ngào của măng cụt Thiện Mỹ; chôm chôm, long nhãn Tích Thiện; mận roi Phú Thành bằng nắm tay, đỏ chói như môi cô gái bôi son ở miệt vườn; những trái vú sữa Hòa Bình ửng vàng, căng bóng ngọt ngào… Rồi vị thơm lừng của sầu riêng, mít nghệ Lục Sĩ Thành, Ngãi Tứ; chất ngọt thanh của bưởi, cam sành Tân Mỹ, Hựu Thành, Trà Côn…

Chợ nổi Trà Ôn. Ảnh: Đất Mũi

 

Nhiều nhất vẫn là ghe bán nông sản. Nào bầu, bí, dưa chuột, khổ qua, nào bắp cải, đậu cô-ve, chuối xiêm, chuối già, chuối cau; khoai mỡ, khoai ngọt từ đất rẫy Lục Sĩ Thành…. Đủ loại mía, từ mía cho nhà máy đường, nhỏ cây, buộc từng bó chất chồng như củi, đến mía ăn như mía tây, đốt dài vàng ánh màu trúc ngà, rồi mía Gò Cát, mía thơm dịu màu tim tím lấm tấm phấn trắng, mềm và thơm ngọt, đặc sản của Cần Thơ… Mùa nào của nấy, đầy ắp dưới khoang đợi chờ sang ghe.

Lại có cả những chiếc ghe bán hoa kiểng, báo hiệu cuộc sống thương hồ hôm nay đã có những nhu cầu mới… Nhiều ghe thương hồ, cũng là nhà của người đi buôn, có dăm ba chậu kiểng xanh xanh mát mắt. Một số ghe lớn bẹo hàng trên cột, những trái dưa hấu, cải bắp, cải củ, bí rợ đung đưa theo sóng lắc nhịp nhàng. Bẹo hàng là một kiểu trương biển hiệu, quảng cáo không cần tốn tiền sơn vẽ, không cần tốn tiền đăng báo mà có hiệu quả ngay tức thời, đã có cả trăm năm nay, sinh ra từ miền sông nước.

Sắc màu xôn xao của chợ nổi gợi cho du khách một chút bâng khuâng về màu phù sa sông Hậu, màu lúa chín trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh, màu trái vào mùa chín rộ của miệt vườn gạo trắng nước trong. Tuy nhiên, cuộc sống cũng có lúc gợi vị đắng cay, khi những người nông dân mang hàng tự sản tự tiêu của mình đến chợ , đành gạt nước mắt đổ bỏ xuống sông vì hàng quá nhiều mà giá lại rẻ như bèo…

Chúng tôi lại ngồi đò máy, xuôi dòng sông Hậu… Mặt trời nhiệt đới tỏa ánh sáng rực rỡ trên dòng sông mùa Xuân, no đầy một màu nước trong xanh. Ven sông, những hàng bần tươi tốt, trải dài như một bức tranh màu xanh mát mắt, che khuất vườn tược phía sau… Đó là nét duyên của miệt vườn sông Cửu Long, cũng giống như hàng dừa nước chạy dài ven sông, che rừng đước bạt ngàn xa…, là nét riêng của vùng U Minh Hạ.

Trong khung cảnh tất bật rộn ràng là những chiếc tam bản bán cà phê…, xuồng nước đá, mì, hủ tiếu, bánh lọt, bánh mì…, di động len lỏi, luồn lách quay trở tài tình, phục vụ tận nơi tận chỗ cho bà con lót dạ hay giải khát sớm trưa. Rời chợ nổi, đi đâu thì đi, cũng nên nhín chút thời gian thăm thú vươn cây trái trên đất cù lao… Đi dưới những tán lá xum xuê, mát rượi, nghe hương thơm thoang thoảng của các loại trái cây vào vụ, hòa lẫn vào không gian êm đềm của một vùng quê thanh bình, yên ả. Bao nhiêu âu lo, mệt nhọc như không còn hiện diện…

Trở về sông Hậu, nhớ một thời thiên nhiên từng ban tặng cho cư dân vàm Trà Ôn nhiều loài cá tôm phong phú… Hồi trước, nơi đây nổi tiếng có con cá cháy, một loài cá ngon quý chỉ có ở khu vực từ vàm Trà Ôn đến vàm Tân Dinh thuộc Trà Ôn, Cầu Kè. Mùa cá cháy, chợ Trà Ôn tấp nập kẻ mua người bán, nhiều khách phương xa từ Mỹ Tho, Sài Gòn tìm về để thưởng thức hương vị của món ăn độc nhất vô nhị được chế biến từ con cá cháy, như: kho rim, nấu mẳn, làm mắm… Tuy nhiên, từ khá lâu rồi, loài cá cháy ở đây đã biến mất mà chưa rõ nguyên nhân. Người dân chỉ còn tiềm tàng trong ký ức câu ca dao:

“Trà Ôn cá cháy lạ kỳ.
Kho rim, nấu mẳn món gì cũng ngon

Hoài niệm về con cá cháy, đừng quên sông Hậu, sông Tiền vẫn là nguồn cung cấp nhiều món ăn từ bình dị đến cao sang, có mặt trong bữa cơm gia đình cho đến nhà hàng sang trọng như: cá lóc nướng trui, hấp bầu; cá trèn chiên giòn; cá rô mề kho tộ, chiên xù; canh chua cá bông lau, cá ngát, ba sa, cá chẽm chưng tương; cá cốc kho mẳn; tôm càng xanh kho tàu, rang me; tép bạc ram nước cốt dừa… thật là đa dạng.

Xin được nói một chút về con cá linh. Từ tháng 7 âm lịch, cá linh thường có nhiều từ trên đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Đầu mùa, cá linh còn nhỏ bằng đầu mút đũa, thịt mềm nên người ta ăn cả xương đầu (gọi là cá linh non). Đến tháng 9, 10 cá đã lớn cỡ bằng ngón tay người lớn, bụng no tròn, ăn béo ngậy nhưng xương hơi cứng. Cá linh được chế biến nhiều món: canh chua bông so đũa, kho lót mía, chiên giòn, kẹp nướng… Gần đây có món cá linh kho me sống cũng khá ngon cơm. Món cá linh kho me ăn kèm với rau sống; húng, tía tô, diếp cá, dưa leo… cùng với cơm trắng nóng hổi. Chất béo ngọt của cá; chất chua cay của me, ớt, tiêu; chất thơm nồng của hành quyện cùng hương rau, cơm dẻo ăn được hoài. Ở các cửa hàng ăn uống, cá linh kho me còn là món ăn với rau thơm, chuối chát, xoài sống băm nhuyễn kèm thêm bún cuốn với bánh tráng và được nhiều người ưa thích.

Ngày Xuân vui chuyện, lần này về lại Trà Ôn, nghe cán bộ ở xã nói chuyện đời sống thấy đã rất Tết. Dân làm có ăn, ai nấy cảm thấy nhẹ lòng… Chúng tôi cắt ngang cù lao Lục Sĩ Thành, theo một con rạch vào Làng nghề bánh tráng Tân Thạnh. Ở đây, vườn cây nối tiếp vườn cây, cả làng là một vườn cây ăn trái! Trên bờ, rất nhiều vỉ bánh tráng phơi cặp hai bên con lộ trải nhựa, đang tràn trề ánh nắng đầu Xuân. Bánh tráng là một thực phẩm ăn liền có mặt ở nhieu vùng miền trên cả nước, cũng đã làm nên thương hiệu cho không ít địa phương. Có thể nói nổi tiếng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là bánh tráng Mỹ Lồng ở Giồng Trôm – Bến Tre. Câu ví : "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc" đã trở nên quen thuộc đối với người đồng bằng. Tuy không có vị trí đầu đàn như vậy, nhưng bánh tráng Tân Thạnh, Trà Ôn cũng khiến nhiều người đã một lần thưởng thức đều phải tấm tắc khen hoài.

Theo bà Trần Thị Tuyết Mai, 53 tuổi, nhà ở làng bánh tráng Tân Thạnh, bà được truyền nghề từ bà ngoại. Ông Nguyễn Thanh Kiếm – chồng bà – cho biết nghề làm bánh tráng của gia đình ông cũng là nghề gia truyền từ nội, do bà nội ông đảm trách. Nghĩa là, làng nghề bánh tráng Tân Thạnh đã có mặt từ lâu rồi. Xưa kia nó là nghề kiếm thêm thu nhập để đi chợ, bởi Tân Thạnh vốn là một ấp người dân sinh sống chủ yếu bằng hoa lợi vườn cây ăn trái.

Bà Nguyễn Thị Hằng, 46 tuổi, sống trong căn nhà tường khang trang. Để tráng bánh, bà Hằng thường làm bột từ gạo thần nông 1960, 404, nhưng ngon nhất là gạo lúa mùa. Ngày nay, loại gạo này thuộc vào hàng hiếm, giá cao, nên sản xuất bánh từ nguyên liệu này khó đem lại lợi nhuận. Khi xay, gạo pha lỏng với nước và muối theo một tỷ lệ hợp lý sẽ cho bánh có độ dẻo, ít bị bể và dễ tráng mỏng. Gạo xay bằng máy 2 – 3 bữa trước, để đó tráng dần. Múc một vá bột trong vịm đổ lên mặt vải bịt miệng nồi, bà Hằng nhanh tay cầm cán, xoa đều cái gáo dừa láng bóng khiến bột thành lớp mỏng tròn theo miệng chiếc nồi to. Đậy lại. Lát sau, bà giở nắp vung, dùng thanh tre mỏng gỡ một góc bánh, áp vào ống tre, cuốn một đoạn, tách khỏi mặt vải, áp vô vỉ. Chừng ấy công đoạn được bà làm một cách khéo léo.

Còn vợ chồng anh Võ Văn Ngót và chị Nguyễn Thị Điệp, cũng ở làng bánh tráng này, vỉ bánh nhà anh thường được làm bằng cây lùn giồng, không sử dụng lùn nước. Lùn giồng được làm thành mặt vỉ cong như vành trăng khuyết, và giữ chặt bằng hai thanh tre xiêm. Vỉ có bề ngang chừng 4, 5 tấc (vừa lớn hơn chiếc bánh tráng), dài khoảng 2 thước, đủ phơi 5 bánh. Xài lâu ngày, lùn giồng lên nước bóng lưỡng, có màu nâu sậm, trông cứ như được làm bằng dây mây. Anh Ngót cho biết nhà anh tự đươn lấy vỉ. Vỉ sử dụng được 4-5 năm. Vỉ làm từ lá dừa nước chỉ xài được một mùa. Hiện nhà anh có đến 120 vỉ phơi bánh bằng cây lùn giồng và 100 vỉ làm từ lá dừa nước…

Kinh nghiệm của những người làm nghề, yếu tố thời tiết khá quan trọng. Mùa mưa người làm bánh rất cực, phải vừa tráng bánh, vừa đem phơi, vừa phải thu gom vào nhà khi trời lất phất mấy hột. Sản xuất bánh xôm tụ nhất là mùa nắng, từ đầu tháng 11 Âm lịch. Trong ánh nắng chan hòa, bánh phơi trắng dài một đoạn khoảng 2 cây số dọc theo con đường liên xã này. Tân Thạnh là một ấp nhỏ trên cù lao Mây, nhưng có đến 70 hộ sản xuất bánh tráng, cho thấy người dân nơi đây sống được từ cái nghề truyền thống. Nhiều người dân ở đây đã nhờ nó mà nuôi con ăn học nên người.

Có người nói, con gái xứ nào không biết, hễ về đây làm dâu đều trở thành thợ tráng bánh. Đó là nét độc đáo của làng bánh tráng Tân Thạnh. Bánh tráng Tân Thạnh được bán đi khắp nơi. Chừng vài ba ngày là lái tới lấy hàng. Bình thường mỗi hộ 1 ngày tráng khoảng 600 – 1000 bánh, lời chừng vài chục trở lên. Ở quê, số tiền này được coi là khá. Để có thu nhập đó, họ phải thức làm việc từ 4 giờ sáng, nhúm lửa lò trấu rồi bắt tay tráng bánh. Người tráng, người phơi, thay phiên nhau. Nắng tốt, bánh phơi tới khoảng 4 giờ chiều vừa khô. Cứ 100 bánh cột gọn lại bằng dây lát. Bánh cột bằng dây lác sát hơn, đẹp hơn, lái thích hơn cột bằng dây ni-lông. Hiện giờ, giá 1 thiên bánh là 300.000 đồng. Lái đưa bánh bán ở Trà Ôn, Tam Bình (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh), TPHCM. Nghe đâu bánh tráng Tân Thạnh còn được xách tay đi nước ngoài. Theo nhiều người ở Trà Ôn, bánh tráng Tân Thạnh ngon có tiếng nhờ không sử dụng hóa chất làm trắng. Bánh sản xuất quanh năm, nhưng nhiều nhất là Tết Nguyên đán. Dịp này, 70 hộ làm nghề này, đều phải tăng thêm sản lượng. Cái Tết gần kề khiến làng nghề này càng thêm tất bật trong niềm vui không chỉ riêng mình, vì còn giúp người dân nơi khác có thứ bánh ngon, dùng để làm gỏi cuốn, bì cuốn, chả giò truyền thống.

Về Trà Ôn trong mùa xuân đến sớm, với hình ảnh về một miền quê sông nước, chứa chan tình đất, tình người, sẽ cảm nhận bao điều thú vị. Và hôm nay, mùa xuân đã đến. Trà Ôn tràn ngập một bờ sông hoa, như tràn niềm vui bất tận…

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *