Hưởng ứng các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Việt Nam đối phó với dịch HIV/AIDS, Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2010 và nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 năm nay, Ban chỉ đạo Phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo và tổ chức các hoạt động triển khai "Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010" từ ngày 10/11/2010 đến ngày 10/12/2010. Với chủ đề chính là “Tiếp cận và quyền con người”. Theo đó, các địa phương đẩy mạnh các động chủ yếu: Tổ chức mít tinh, diễu hành quần chúng; tổ chức chiến dịch truyền thông; tham gia hội thi về phòng chống HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động phòng chống HIV/AIDS thiết thực trên địa bàn tỉnh, mà vai trò hạt nhân là cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở.

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống AIDS

Mỹ Hòa là xã cù lao của huyện Bình Minh. Địa bàn xã có nhiều bến phà nhỏ đưa rước khách qua lại thị trấn Cái Vồn và cầu Cần Thơ nối hai bờ sông Hậu. Đây cũng là nơi có các khu công nghiệp đang trên đà phát triển. Công nhân đến làm việc, du khách đến tham quan vùng cây trái đặc sản cùng với người dân đi làm ăn xa trở về… cộng với tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn xã ngày càng gia tăng đã dẫn đến tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Trước tình trạng trên, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Hòa xác định cần phải có các biện pháp phòng chống HIV/AIDS lây lan ra công đồng. Đến Trạm y tế xã trong những ngày này, chúng tôi gặp anh Thạch Tha, là cán bộ y tế vừa chuyên trách các chương trình y tế quốc gia có mục tiêu và lồng ghép, vừa chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS nhưng dù ở lĩnh vực nào, anh cũng có những đóng góp quan trọng đối với ngành Y tế. Trong công tác chăm sóc, điều trị và tư vấn cho bệnh nhân AIDS, anh không chỉ là người thầy thuốc đầy nhiệt huyết mà còn là người bạn luôn quan tâm, chia sẻ những khó khăn, bất hạnh của những người bệnh.

Qua tiếp xúc, chúng tôi biết những công việc anh đang làm và cả những khó khăn, vất vả mà anh đã trải qua khi hàng ngày tiếp cận với những người có HIV và bệnh nhân AIDS. Để hiểu hơn về công việc của anh, chúng tôi được anh tạo điều kiện tiếp cận một phụ nữ nhiễm HIV – một trong những người bệnh mà anh Thạch Tha trực tiếp cấp thuốc ARV điều trị từ một vài tháng nay. Chị cho biết, nếu không gặp được người cán bộ y tế nhiệt tình, đầy trách nhiệm như anh Thạch Tha thì có lẽ chị đã không thể sống đến ngày hôm nay. Y sĩ Thach Tha luôn biết động viên, chia sẻ mỗi lúc chị buồn và chán nản. Anh ấy đã giúp chị vượt qua mặc cảm để tiếp tục sống và vươn lên. Chị cảm thấy cuộc sống thật sự có ý nghĩa khi bên mình luôn có sự yêu thương, chia sẻ của mọi người. Hiện tại chị vẫn sống khỏe mạnh và đang làm việc cho một công ty ở huyện.

Anh Thạch Tha cho biết, thời gian đầu, sợ bệnh nhân không hiểu về việc dùng thuốc, anh đã nhận thuốc và trực tiếp đến nhà cho bệnh nhân uống, hướng dẫn chu đáo cho chị và cách uống thuốc, cách tuân thủ điều trị. 3 tháng với sự nhiệt tình của anh Thạch Tha, sự kiên trì của bệnh nhân, sức khỏe của người bệnh đã khá lên nhiều, tinh thần thoải mái hơn, không còn bi quan, chán nản như trước nữa.

Mấy năm về trước, khi biết tin mình bị nhiễm HIV, có chàng thanh niên đã bị một cú sốc mạnh về tâm lý. Quá đau đớn, tâm thần anh hoảng loạn, quậy phá khắp xóm làng. Bằng vốn kiến thức về nghề y, bằng sự tận tình và cái tâm đối với bệnh nhân, anh Thạch Tha đã cùng gia đình người thanh niên tìm mọi cách để giúp anh sớm bình phục. Sau một thời gian điều trị, anh đã dần dần ổn định tinh thần và lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Nhưng cũng trong thời gian này, anh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, lại rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Y sĩ Thạch Tha luôn có mặt để giúp anh điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tiếp thêm cho anh liều thuốc tinh thần để anh vượt qua nỗi đau, yên tâm điều trị bệnh…

Ngày trước, kiến thức về HIV chưa phổ biến và rộng khắp, tài liệu nói về HIV anh nhận được từ trên còn ít ỏi. Vậy là anh tìm tòi các tài liệu thông qua sách báo, tivi, rồi sau đó được đi tập huấn trên tỉnh và học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn v.v… Rồi cứ như con ong tha hoài cũng đầy tổ, anh có kiến thức HIV, kỹ năng truyền thông cũng được nâng lên nhờ kinh nghiệm thực tiễn. Những thanh niên, phụ nữ và cả người dân trong xã ít nhiều cũng được nghe anh truyền thông về HIV, giúp cho họ thêm hiểu biết về HIV và người dân xã Mỹ Hòa cho rằng: “HIV không dễ lây nên không cần phải sợ”. Từ những kiến thức anh Thạch Tha cung cấp, nhiều người đã biết tự bảo vệ bản thân của mình, đàn ông có “ham vui” cũng biết tự bảo vệ, những người tiêm chích ma túy thì ý thức sử dụng riêng bơm kim tiêm, còn các chị phụ nữ cũng đã trang bị cho mình bộ làm móng để đi làm đẹp và tất nhiên – cộng đồng cũng đã dần không kỳ thị người có HIV và gia đình họ.

Hơn 10 năm gắn bó với công việc, anh càng cảm thấy sự cần thiết và vai trò quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS từ xã, phường. Là người cùng địa phương, anh Thạch Tha hiểu bà con mình cần gì, thiếu gì, hiểu gì về HIV/AIDS nên việc anh chọn lọc nguồn thông tin, phương tiện và phương pháp truyền thông cho phù hợp với bà con đã góp phần mang lại hiệu quả. Được chứng kiến những cử chỉ ân cần của anh Thạch Tha khi kiểm tra sức khỏe cho người nhiễm, được gặp gỡ bệnh nhân AIDS đã vượt qua mặc cảm để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, kể cả lúc đi truyền thông, chúng tôi đã hiểu hơn về người thầy thuốc hết lòng với người có HIV và bệnh nhân AIDS. Và chúng tôi cũng thấm thía hơn lời dạy “Lương y như từ mẫu”.

Hiện nay, tuy chưa có đánh giá cụ thể nào, nhưng qua những báo cáo của Trạm Y tế xã Mỹ Hòa, số người nhiễm HIV mới trên địa bàn xã từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào xảy ra. Tình hình phân biệt đối đối xử với người có HIV trong cộng đồng dân cư cũng không còn gay gắt như trước, mà thay vào đó là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… Riêng ở nhóm người nghiện chích ma túy và mại dâm, đa số biết sử dụng bơm kim tiêm sạch, dùng bao cao su đúng cách, đặc biệt trong nhóm mại dâm được vận động đến các cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là các hoạt động can thiệp giảm tác hại có hiệu quả và sẽ góp phần tích cực vào việc ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS ra cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện ở nhiều nơi trong xã- nhất là ở vùng sâu, vùng xa- người có HIV còn bị xa lánh, phân biệt đối xử, tuy có giảm hơn trước. Điều đó làm cho người có HIV gặp khó khăn trong cuộc sống, họ chán nản, bất hợp tác và có những hành động tiêu cực làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng. Do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà những người có hành vi nguy cơ cao như phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy… thường ít được truyền thông về HIV/AIDS. Họ có cuộc sống khép kín, ngại tiếp xúc, nên rất khó kiểm soát. Mục tiêu của tháng hành động Phòng chống AIDS năm nay nói chung, tại Mỹ Hòa nói riêng, là đưa những người có hành vi nguy cơ cao trở lại trạng thái như những người bình thường. Điều đó rất khó khăn và còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, các địa phương cần tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông nhóm nhỏ về HIV/AIDS ở các khu dân cư, khu công nghiệp để mọi người biết phòng tránh, để chia sẻ, để có cái nhìn đúng đắn hơn về người có HIV/AIDS và để người bệnh thấy rằng mình được quan tâm và thật sự vẫn là một người bình thường trong mắt cộng đồng.

Trọng Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *