Nông sản là loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống con người. Trong nửa đầu năm nay, giá nông sản đã tăng rất cao ở thị trường thế giới lẫn thị trường nội địa. Đối với nước ta, khi hàng hóa nông sản là thế mạnh thì đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy giá cả tăng cao đột biến nhưng người dân vẫn chưa thật sự yên tâm bởi ngành nông sản đang rất cần lời giải cho bài toán phát triển bền vững.

Ngành nông sản đang rất cần lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Ảnh minh họa

 

Trong nửa đầu năm 2011, chỉ số giá lương thực trên thế giới đã tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá ngũ cốc đã tăng tới 44%. Đó là lý do mà Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế cảnh báo có thể tái diễn cuộc khủng hoảng gạo như năm 2008. Trong 8 tháng qua, giá gạo đã tăng 17%, giá bắp tăng 92% và giá lúa mì đã tăng 121%. Cụ thể, giá gạo Việt Nam hiện đã tăng 80 USD/ tấn so với cùng kỳ năm trước.

Là một quốc gia sản xuất gạo lớn của thế giới, Việt Nam được hưởng lợi khi mà từ đầu năm đến nay, giá lúa luôn đạt ở mức cao. Tuy nhiên trên thực tế, lợi nhuận mà người nông dân thu về là không nhiều do giá thường xuyên biến động theo hướng giảm khi vào vụ thu hoạch.

Trong 6 tháng qua, xuất khẩu gạo của nước ta đạt gần 4 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 2 tỉ đô-la Mỹ. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo đã tăng 15% về lượng và tăng 13% về giá trị. Tuy nhiên, gạo Việt Nam hiện diện trên thị trường thế giới với tên một tên gọi chung là gạo trắng, gạo hạt dài 5% hay 25% tấm mà chưa có thương hiệu riêng của mình.

Đó cũng là lý do mà nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu nhiều về lượng nhưng chưa chi phối được thị trường thế giới. Điển hình như cà phê Việt Nam, sản lượng xuất khẩu đứng thứ nhì thế giới nhưng người trồng cà phê cũng thường xuyên đối mặt với tình trạng giá bất ổn định. Trong nửa đầu năm 2011, cà phê đã mang về cho đất nước gần 2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2010. Giá bán tăng gần gấp đôi nhưng Việt Nam vẫn không phải là nơi chi phối thị trường cà phê thế giới.

Có thể thấy, sau hơn 4 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, từ năm 2007 đến nay, nông sản là một trong số ít mặt hàng xuất siêu của Việt Nam. Chỉ trong 6 tháng qua, mặt hàng rau, quả của nước ta đã xuất siêu 180 triệu USD. Còn nếu tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 6 tháng qua đã tăng 38% so với cùng kỳ, nhờ đó, thặng dư thương mại của ngành đạt hơn 4 tỷ USD, góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu cho cả nước.

Tuy nhiên, sản xuất trong nước hiện đang tồn tại nhiều rào cản, nhất là về kỹ thuật. Vùng bưởi Năm Roi của Vĩnh Long, từ lâu được thị trường EU ưa chuộng, nhưng sản lượng xuất khẩu bấp bênh do thiếu vốn nên việc đề nghị tái cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Global Gap – giấy thông hành để đưa trái bưởi ra thị trường thế giới – gặp trở ngại.

Các tiêu chuẩn trong sản xuất nông sản ngày càng được qui định chặt chẽ hơn. Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, nông sản không thể xuất khẩu qua đường chính ngạch. Lúc này, lối thoát duy nhất là xuất tiểu ngạch qua đường biên mậu. Tuy nhiên, đây lại là hình thức kinh doanh ẩn chứa nhiều rủi ro do thị trường bất ổn và thiếu sự ràng buộc kinh tế lẫn nhau.

Một loại nông sản đang có xu hướng phát triển theo hướng này là khoai lang. Từ đầu năm đến nay, phía Bắc cầu Cần Thơ thuộc huyện Bình Minh, Vĩnh Long xuất hiện nhiều vựa khoai do các thương nhân Trung Quốc tổ chức mua gom. Giá khoai hiện tăng cao chưa từng có với mức từ 600 – 830.000 đồng / tạ. Chỉ riêng xã Thuận An hiện có đến 14 kho khoai và bình quân có khoảng 500 tấn khoai xuất đi mỗi ngày. Quan trọng hơn hết là việc tổ chức thu gom hàng hiện không cần một loại hóa đơn chứng từ nào.

Không chỉ khoai lang, nhiều mặt hàng khác cũng đang bị lệ thuộc vào thương nhân Trung Quốc mà gần đây nhất là việc mua gom heo nái, vịt đẻ. Do vậy, giá các mặt hàng này vùn vụt tăng. Nếu như trước đây, giá 1 tạ heo nái chỉ 2 triệu đồng thì nay, thương nhân Trung Quốc mua với giá 5 triệu đồng. Vịt đẻ từ chổ chỉ 60.000 đồng / con nay đã tăng gấp đôi, khiến giá trứng gà, vịt tăng đột biến.

Theo thông tin từ Cục số liệu quốc gia Trung Quốc, trong tháng 5/2011, giá tiêu dùng của nước này đã tăng 5,5% so với cùng kì năm ngoái, tức tăng cao nhất trong vòng 34 tháng trở lại đây, trong đó giá lương thực tăng gần 12%. Giá thực phẩm và các mặt hàng khác tăng cao khiến giá sinh hoạt đang trở thành vấn đề nóng bỏng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Đây là cơ hội để thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua nông sản về bán, kiếm lợi nhuận cao.

Không những tổ chức thu mua, thương nhân Trung Quốc còn thuê đất để trồng khoai ngay trên những diện tích trước đây chưa từng canh tác loại cây trồng này. Và sẽ ra sao nếu phía Trung Quốc ngưng nhập hàng?

Không những khoai, nhiều hàng nông sản khác cũng đang có giá tốt từ sự gom hàng của thương nhân Trung Quốc. Người dân thì chỉ biết sản xuất những sản phẩm khi thị trường có nhu cầu. Do vậy, người nông dân đang rất cần một định hướng sản xuất bền vững nhằm đưa thị trường nông sản phát triển có chiều sâu trong giai đoạn tiếp theo.

Quốc Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *