Với khoảng 4 triệu kiều bào sống tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi năm, nước ta tiếp nhận lượng tiền kiều hối gửi về đáng kể. Từ chỗ có khoảng 1 tỷ 200 triệu USD chuyển về nước năm 1999, đến năm 2010 vừa qua, cả nước đã tiếp nhận khoảng 8 tỷ USD Mỹ từ nguồn này. Dịch vụ kiều hối phát triển nhanh và đưa VN trở thành nước có lượng kiều hối lớn thứ 16 trong số 30 quốc gia theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Tuy Vĩnh Long không phải là thị trường kiều hối lớn nhất trong khu vực ĐBSCL, nhưng số lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong năm 2010 tăng trưởng gần 10% so với năm trước. Trong năm qua, lượng tiền mà kiều bào chuyển về Vĩnh Long đạt 48 triệu 650 ngàn USD. Trong đó, tập trung tại ngân hàng Agribank, nơi có hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch nhiều nhất, chiếm 30% lượng kiều hối của tỉnh. Các ngân hàng có thị phần khá là Sacombank, chiếm 26% và Đông Á chiếm 23%. Chỉ riêng tai Ngân hàng Đông Á chi nhánh Vĩnh Long, số lượt kiều hối chuyển về trong năm qua đã đạt gần 16.000 món, tăng 70% so với năm trước đó. Ngoài USD là ngoại tệ chủ lực, ngân hàng này còn chi trả ngoại tệ khác là Euro, đô la Úc, đô la Canada và bảng Anh. Trong đó, kiều hối chuyển về bằng bảng Anh và Euro có sự tăng trưởng cao nhất.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Đáng lưu ý là, trong năm qua, lượng khách hàng nhận tiền bằng VND giảm mạnh trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm trước các ngân hàng chi trả bằng ngoại tệ chỉ chiếm hơn 73% thì năm vừa qua khách hàng nhận ngoại tệ tiền mặt tăng lên hơn 87%. Điều này được giải thích là do năm qua chênh lệch tỷ giá giữa ngân hàng và thị trường tự do tăng quá lớn. Lúc cao điểm, mức chênh lệch này lên đến 2.000. Đó là lý do khách hàng nhận ngoại tệ và đem ra bán bên ngoài thị trường tự do.
Một nguyên nhân nữa là năm qua Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại mở các điểm thu đổi ngoại tệ tại các doanh nghiệp vàng bạc. Các doanh nghiệp này cũng làm đại lý chi trả kiều hối cho các ngân hàng thương mại nên góp phần làm tăng đáng kể lượng kiều hối. Các dịch vụ kiều hối phát triển đã tạo thuận lợi hơn cho kiều bào chuyển tiền về nước, qua đó cải thiện thu nhập của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn đánh giá, cơ cấu sử dụng kiều hối gần đây có sự thay đổi, từ xây dựng nhà cửa, mua sắm tiêu dùng chuyển sang đầu tư bất động sản, chứng khoán. Lãi suất tiết kiệm USD trong nước cao hơn nhiều so với các nước, hiện ở mức trên 5% hiện nay, cộng thêm sự mất giá tiền đồng cũng là nguyên nhân kích thích luồng tiền ngoại chuyển về qua đường kiều hối. Trong khi đó, nếu chênh lệch tỉ giá lớn giữa ngân hàng và thị trường tự do, một lượng ngoại tệ lớn sẽ lưu thông bên ngoài và gây nên tình trạng USD hóa nền kinh tế. Đây là những vấn đề cần được quản lý tốt hơn khi mà lượng kiều hối gửi về trong những ngày đầu năm này tiếp tục tăng và dự báo kiều hối cả nước sẽ tăng thêm 6,2% trong năm 2011 này.
Quốc Dũng