Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước đã tạo những điều kiện tốt nhất để trẻ em được vui chơi và học tập. Chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trong cả nước, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em vẫn có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê, từ năm 2005 – 2008, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 2.942 trẻ bị tai nạn thương tích, chiếm tỷ lệ 1,48% số trẻ em toàn tỉnh, trong đó có 42 em tử vong, chiếm tỷ lệ 1,46% so số trẻ em bị tai nạn thương tích. Riêng ở Mang Thít, từ đầu năm 2010 đến nay, đã xảy ra 5 vụ trẻ em chết đuối – so với cả tỉnh 7 vụ. Đây là vùng có hệ thống sông ngòi chằng chịt, chỉ cần sơ hở là trẻ có thể tử nạn vì té xuống sông, rạch hay vũng nước sâu…
Hơn 7 tháng trôi qua nhưng người dân ở xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít – Vĩnh Long, vẫn không quên được cái chết thương tâm của em Hà Hoàng Nam – 28 tháng tuổi, con của Hà Văn Đương, 33 tuổi, ở xã Hòa Tịnh – một mình ra bờ sông phía trước nhà chơi. Do con nước sông dâng cao, lục bình trôi tấp vào bờ nhiều nên em ngồi sát mép sông cầm nhánh tre khều bông lục bình thì bị rơi xuống sông chết đuối. Sau hơn hai giờ tìm kiếm, người thân của em mới vớt được xác của em Nam…
Trước đó, ở xã An Bình, huyện Long Hồ nối Phường 1, Thành phố Vĩnh Long, đã xảy ra vụ chìm ghe tải chở gạch khiến một trẻ 6 tuổi mất tích. Đó là ghe tải chở gạch của anh Mai Văn Chạnh (hộ khẩu tạm trú tại xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành. tỉnh Đồng Tháp) khi chưa chìm có 3 người lớn (2 vợ chồng anh Chạnh cùng 1 người anh vợ) và bé Mai Thanh Hào (con anh Chạnh). Vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 14/3/2010, trên sông Cổ Chiên, khu vực gần bến đò khách, ghe tải của vợ chồng anh chở 6.000 viên gạch trên sông Cổ Chiên đi từ hướng An Bình qua phường 1, đến khoảng giữa sông bất ngờ gặp gió lớn, sóng to, làm cho ghe chòng chành và bị chìm. Nghe tiếng kêu cứu, các tàu du lịch đang ở bến An Bình đã lao ra cứu vớt kịp thời được 3 người lớn, còn bé Hào đã bị nước cuốn trôi. Mặc dù các các phương tiện đã nỗ lực tìm kiếm nhưng do sông rộng, nước lớn, đến hai ngày sau mới tìm được xác bé Hào. Điều đáng lo ngại là dù đi trên sông lớn nhưng trên ghe không trang bị áo phao để bảo vệ tính mạng con người.
Cần tăng cường ý thức phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em trong xã hội |
Tai nạn thương tích trẻ em (do tai nạn giao thông, chết đuối, phỏng, ngã, bạo lực trong gia đình, xã hội,…) là nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật cho trẻ em. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế số tai nạn thương tích trẻ em đang gia tăng đột biến và phần rất lớn những ca tai nạn thương tích đau lòng của trẻ thường bắt nguồn từ sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của người lớn. Có thể kể đến trường hợp của cháu Phạm Văn Linh, 8 tuổi, ở ấp Giồng Dài, xã Chánh Hội, huyện Mang Thít. Bà Nguyễn Thị Năm – nội cháu Linh – cho biết: cha mẹ của em Linh là công nhân đứng máy trộn đất – ép gạch mộc ở một cơ sở sản xuất gạch ngói trong xã. Do hoàn cảnh gia đình quá đơn chiếc, nên khi đi làm, cha mẹ của Linh mới mang Linh theo. Một buổi trưa nọ, khi Linh thức giấc, ra nơi cha mẹ đang trộn đất, ép gạch, rồi lom khom như tìm một cục đất dẻo để vò đạn bắn cu li, bổng dề đất dưới chân sụp xuống, Linh mất thăng bằng trượt té vào cối trộn đất – ép gạch, làm cháu Linh cụt hết cánh tay trái…
Sau vụ trên không lâu, tại xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít cũng xảy ra một vụ tương tự dẫn đến cụt hết một cánh tay của một bé gái. Đó là trường hợp của em Trần Thị Hồng Nhung, 14 tuổi. Lúc đó, cha mẹ của em Nhung đang đứng máy trộn đất – ép gạch, cha mẹ của Nhung đâu hay có đứa con gái mình đứng trên đống đất ở gần đó. Và, chỉ một sơ xuất nhỏ, khi cha mẹ của Nhung kéo dề đất để quăng đất vào cối trộn đất – ép gạch thì đống đất nơi em Nhung đứng bị sạt ra, em Nhung mất thăng bằng và trượt té vào ống trục của máy trộn đất – ép gạch, nên em đã cụt đi một cánh tay…
Một vụ tai nạn khác tuy xảy ra đã lâu nhưng đến nay vẫn còn là nỗi kinh hoàng của nhiều người. Đó là vụ Ngô Thái Hoàng Em vĩnh viễn mất đôi tay vào tháng 5, 2007, khi em vừa tròn 15 tuổi. Lúc ấy, Hoàng Em vừa xong lớp 9, tốt nghiệp loại giỏi và “xin má cho theo anh trai đi làm kiếm tiền mua chiếc xe đạp cho năm học mới”. Một tai nạn tại chỗ làm khiến tay trái em bị cuốn vào cối ép gạch ống. Phản xạ tự nhiên, Hoàng Em dùng tay phải kéo tay trái ra. Cả hai tay bị nghiền nát. Tháng lương đầu tiên chưa kịp lãnh, chiếc xe đạp đi học vẫn còn là niềm mơ ước, cánh tay phải của Hoàng Em đã rớt ra trên đường đến bệnh viện, còn cánh tay trái thì bị cối ép gạch ép dài ra. Mặc dù đã được bà Nguyễn Diệu Liên Hương, một nha sĩ hành nghề tại California, Hoa Kỳ, đã giúp Hoàng Em sang Mỹ gắn cho em đôi tay giả, nhưng vụ thương tích này vẫn là điều cảnh báo đối với mọi người.
Nguyên nhân của tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em gia tăng còn do sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em của nhiều gia đình, ý thức chấp hành luật pháp về quyền trẻ em ở người dân còn thấp. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội chưa thật tốt nên các em luôn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích. Điều đáng nói ở đây là, khi xảy ra tai nạn lao động hay tai nạn thương tích, doanh nghiệp nào cũng tự tìm mọi cách để “dàn xếp” cho êm xuôi, không khai báo với cơ quan chức năng, nên mọi thiệt hại về sức khỏe, tài chính, người bị nạn bị thiệt thòi. Bằng chứng là các vụ tai nạn thương tích xảy ra đối với các em Phạm Văn Linh, Trần Thị Hồng Nhung và Ngô Thái Hoàng Em… Ấy vậy mà cơ sở nơi các em bị nạn không báo với cơ quan chức năng, tự đứng ra thỏa thuận với gia đình về các khoản điều trị để “êm xuôi” mọi chuyện. Bây giờ, việc sinh hoạt cũng như học tập của các em rất khó khăn…
Một người dân ở ấp Phú Thạnh B, xã Nhơn Phú, cho biết: hiện ở ấp này có trên 100 cơ sở sản xuất gạch ngói với gần 2.000 công nhân nhưng đa số chưa qua lớp tập huấn hay đào tạo quy trình vận hành và xử lý sự cố của các máy, thiết bị ở các cơ sở sản xuất gạch ngói. Các cơ sở này cũng không niêm yết quy trình vận hành ở các thiết bị sản xuất. Trong khi đó, máy trộn đất – ép gạch các cơ sở lại tháo đi hệ thống bảo vệ bên ngoài – do sợ ảnh hưởng đến công suất. Vì vậy mà tai nạn lao động, tai nạn thương tích dễ xảy ra cả người lớn và trẻ em.
Trước tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích nhiều, Sở LĐTB & XH tỉnh Vĩnh Long cũng đã kết hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em – đặc biệt là phòng chống tai nạn chết đuối và nguy cơ gây tai nạn thương tích tại gia đình – cho gần 900 cán bộ phụ nữ, tổ – hội phụ nữ ấp ở 35 xã trong toàn tỉnh. Song song đó, còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó chú trọng đến truyền thông tai nạn chết đuối cho trẻ thông qua việc tuyên truyền xây dựng “Ngôi nhà an toàn” đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi qua vùng sông nước, ao, hồ và trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn như : nguồn kinh phí, công tác quản lý Nhà nước về trẻ em, cán bộ quản lý vừa không ổn định (thường xuyên giải thể, tách, nhập), vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ lại thường xuyên thay đổi; sự phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương thiếu đồng bộ, chính quyền một số địa phương ít quan tâm… nên các biện pháp nêu trên chưa được triển khai thực hiện thường xuyên và đều khắp ở các địa phương trong tỉnh, dẫn đến hiệu quả thấp.
Để tránh rủi ro cho trẻ, theo các bác sĩ chuyên khoa, cách tốt nhất là phụ huynh cần quan tâm hơn đến hoạt động của trẻ. Đối với trẻ lớn (từ 5 tuổi trở lên), nên giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn cho trẻ. Với trẻ nhỏ (từ 0 – 4 tuổi), phụ huynh cần giám sát chặt chẽ quá trình vui chơi của trẻ. Đặc biệt, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, nhất thiết ngôi nhà phải có cửa, cổng chắc chắn ngăn cách với sông, rạch; ao, hồ; đường đi; ao hồ gần nhà phải có hàng rào bao quanh; giếng và dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy an toàn; tay vịn cầu thang, ban công, cửa sổ phải có chấn song an toàn… Tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình khi trẻ còn quá nhỏ, thiếu kiến thức phòng vệ bản thân. Khi phát hiện trẻ bị tai nạn, tùy vào tình hình từng loại tai nạn mà có cách xử lý, đồng thời sớm đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để kịp thời cứu chữa. Và điều quan trọng nhất là các gia đình cần quan tâm, quản lý thường xuyên hơn đối với những trẻ hay tụ tập đùa nghịch, tắm sông. Bên cạnh đó, việc giáo dục, trang bị cho các em những kiến thức để tự bảo vệ mình cũng là việc làm cực kỳ cần thiết.
Trọng Dũng