Cây hoa lài có nhiều công dụng khác nhau, nhưng công dụng phổ biến nhất là sử dụng hoa để ướp trà. Vùng trồng hoa lài lấy bông lâu đời và có quy mô khá lớn tại ĐBSCL đó là thành phố Trà Vinh. Nhờ có nghề trồng lài lấy bông, hàng trăm hộ dân xung quanh vùng này có đời sống khá ổn định. Trong đó có gia đình ông Lâm Liền tại phường 8. TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

 

Hình ảnh thu hoạch bông lài nhộn nhịp như thế này, quá đỗi quen thuộc đối với những người dân tại các phường ngoại ô thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Cứ sáng sớm hay chiều mát, những hộ dân có trồng hoa lài lại phải tất bật với công việc hái bông, cân bông rồi mang đến vựa bán. Mỗi ngày đều như thế, người trồng lài luôn có nguồn thu nhập đều đặn và ổn định, nên ai nấy đều rất thích mô hình này, nhất là đối với những hộ ít đất sản xuất. 

Ông Lâm Liền ở khóm 1, phường 8, Thành phố Trà Vinh, gia đình chỉ có hơn 1 công đất, trồng được khoảng trên 700 bụi lài, nhờ có nguồn thu mỗi ngày nên gần 20 năm nay đời sống gia đình luôn ổn định.

 

Ông Lâm Liền bắt đầu làm quen với mô hình trồng lài lấy bông từ năm 1993, đến năm 2005 thì đợt lài đầu tiên bị lão hóa rồi đến năm 2009 ông mới đầu tư trồng lại. Ông chia sẻ, trồng lài là công việc không nặng nhọc lắm, nhưng tốn nhiều công, nhất là lúc thu hoạch. Vào thời điểm hoa rộ phải hái cho kịp, nếu không hoa nở thì không đạt yêu cầu. Hơn nữa, trồng lài cũng cần am hiểu sâu về kỹ thuật chăm sóc, nếu không sẽ chỉ thu được cây, còn hoa thì rất ít. Do đó, mặc dù cho thu nhập cao hơn lúa hàng chục lần, nhưng chi phí đầu tư cho chúng cũng khá cao. Tính cả các khâu làm đất, cây giống, phân bón, nông dược, nhân công thu hoạch, thì  mỗi công lài phải đầu tư khoảng 8 triệu đồng mỗi năm. Nếu ai biết xử lý cho ra hoa nghịch vụ, thì lài còn có khả năng cho thu nhập cao hơn nhiều. Với ông Lâm Liền, nhờ kinh nghiệm nhiều năm, nên ông rất thành thạo việc xử lý lài ra hoa nghịch vụ, nhờ vậy mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 40 triệu đồng, một mức thu nhập khá cao đối với người nông dân.  

Trước kia điệp khúc “được mùa rớt giá” cũng thường xuyên xảy đến với bà con trồng lài. Nên nhiều hộ như ông Lâm Liền mới mạnh dạn vận dụng những kinh nghiệm đúc kết từ những mô hình xử lý nghịch vụ trên cây ăn trái để áp dụng vào cây hoa lài. Không ngờ điều đó đã mang lại hiệu quả rất mỹ mãn, giải quyết được những khó khăn, bất cập về giá cả cho người trồng lài ở địa phương.

 

Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 200 hộ dân trồng hơn 45 ha cây bông lài, sản lượng đạt gần 3 tấn mỗi năm, tập trung ở những vùng đất giồng cát thuộc Thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành Mặc dù không phải là cây chủ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, nhưng chính cây bông lài đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương trong thời gian khá dài. Trong đó có những mô hình đạt hiệu quả cao, rất đáng được học tập và nhân rộng, như mô hình của gia đình ông Lâm Liền.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *