Cách nay gần ba mươi lăm năm, vào ngày 27.3.1976, Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long (CĐSP) được thành lập. Suốt hơn ba thập kỷ phát triển, nhà trường đã trưởng thành khá nhanh dù phải trải qua không biết bao nhiêu những thăng trầm. Càng tự hào với những thành quả đã qua, tập thể nhà trường càng ra sức cố gắng làm nên những bước tiến vượt bậc trên con đường thực thi nhiệm vụ đào tạo những thầy cô giáo cho tương lai.
Thực tế, nhiều năm nay, với quy trình đào tạo ngày càng hoàn thiện, trường CĐSP Vĩnh Long đã đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà hàng ngàn giáo viên đủ sức đảm đương nhiệm vụ công tác ở các trường học từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Vượt qua không ít khó khăn trở ngại, giờ đây, ngôi trường này đã có chỗ đứng trong lòng nhiều người dân đất Vĩnh Long, hiệu quả đào tạo của nhà trường được nhìn nhận là ngày một tốt hơn, uy tín của nhà trường ngày càng được nâng lên cả trong lẫn ngoài ngành GD.
Vị trí của trường CĐSP Vĩnh Long hiện nay khá thuận lợi. Ngôi trường nằm ngay trên một con đường nội ô thành phố Vĩnh Long, cũng đồng thời là con đường giao thông huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây, có một địa thế khá đẹp. Không thể không nhắc đến vai trò trách nhiệm nặng nề và vinh quang của trường trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên cho tỉnh nhà, từ mầm non cho đến tiểu học và trung học cơ sở. Nhà trường đã và đang có một cơ hội tốt để góp phần vào sự phát triển sự nghiệp giáo dục trên quê hương đất học Vĩnh Long.
Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long. Ảnh: Hồ Tĩnh Tâm |
Lịch sử phát triển của ngôi trường gắn liền với những chuỗi ngày gian nan vượt khó. Đó là thời kỳ mà các ngành đào tạo của trường không hấp dẫn người học. Chỉ tiêu đào tạo gần như xấp xỉ với số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường. Đời sống của giảng viên thì vẫn hãy còn lắm khó khăn, vất vả. Xã hội chưa có sự quan tâm đúng mức đến nghề giáo và người thầy. Do ảnh hưởng của quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, không ít giáo sinh có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, không an tâm trong học tập. Song, ở những năm sau này, trong xu thế vươn lên đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành Giáo dục đã nhận được sự quan tâm ưu ái của xã hội. Đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư cho phát triển. Đầu tư cho giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu. Các trường sư phạm nói chung có được những chuyển biến đáng kể. Bộ mặt trường CĐSP Vĩnh Long cũng có những đổi mới quan trọng. Hàng tỉ đồng được dùng để xây mới nhiều phòng học, tu bổ lại khu ký túc xá sinh viên, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Cảnh quan sư phạm với 3 tiêu chí: xanh – sạch – đẹp, góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa cần có ở môi trường học đường luôn được chú trọng quan tâm ở ngôi trường này.
Tuyển sinh đầu vào của nhà trường có bước tiến mới về cả lượng lẫn chất. Số lượng thí sinh dự thi bình quân mỗi năm khoảng trên dưới 4.000 và ngày càng tăng. Điểm chuẩn xét tuyển vào trường hàng năm được nhích dần lên, đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều học sinh khá giỏi ở phổ thông tìm đến với trường và chuyện được trở thành giáo sinh trường CĐSP Vĩnh Long cũng không phải là điều dễ dàng. Việc thẩm định về ngoại hình không dị dạng, không khuyết tật, về ngôn phong không nói lắp, nói ngọng…và việc đưa thêm phần thi năng khiếu về hội họa, về âm nhạc…. chắc chắn rồi đây sẽ là một chuẩn mực cho những nhà mô phạm tương lai.
Để có thể làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người từ trước đến nay vẫn cho rằng sinh viên đại học, cao đẳng thực chất chỉ là những “học sinh cấp 4” – tức là muốn nói về cách dạy, cách học không khác gì ở phổ thông, Ban Giám hiệu trường CĐSP Vĩnh Long đặc biệt coi trọng việc đổi mới phương pháp dạy của thầy và phương pháp học của trò. Với nhận thức quá trình thực hiện công tác đổi mới phương pháp là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, không thể triển khai một cách khuôn mẫu, máy móc mà phải tùy theo đặc thù từng trường, lãnh đạo nhà trường hết sức chú ý việc hoạch định các giải pháp có tính khả thi, gắn với việc từng bước tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Đối với những môn vừa có cả lý thuyết lẫn thực hành, thầy trò đều dễ thực hiện việc đổi mới cách dạy, cách học. Trong lý thuyết có hướng dẫn những yêu cầu cần làm rõ nội dung bài học bằng những thí nghiệm cụ thể. Phần thực hành sẽ minh họa một cách sinh động kiến thức vừa được tiếp thu, hỗ trợ khả năng mở rộng, đào sâu thêm tầm hiểu biết một vấn đề mới, một khía cạnh mới, một lĩnh vực mới mà người học cần phải am tường. Đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra với một nhịp độ khẩn trương và sôi động. Theo lý luận dạy học, giáo dục phổ thông là lẽ sinh tồn của ngành học sư phạm. Nếu không đáp ứng được nhu cầu của giáo dục phổ thông, trường sư phạm sẽ không còn lý do để tồn tại. Làm thế nào để trường sư phạm bắt nhịp được với việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới? Làm thế nào để trường sư phạm ở tâm thế “đón đầu” chớ không thể ì ạch “theo đuôi” để rồi tụt hậu so với các trường phổ thông?… là những câu hỏi boăn khoăn, trăn trở đối với đội ngũ sư pham trường CĐSP Vĩnh Long nói riêng và những người làm công tác giáo dục nói chung.
Có nhiều ý kiến cho rằng, phải đổi mới sư phạm trước khi đổi mới phổ thông. Cũng có nhà quản lý giáo dục từng mong muốn các trường sư phạm phải là trung tâm của sự đổi mới. Song, có thể khẳng địng một điều: các trường sư phạm không thể đổi mới theo cung cách các trường phổ thông. Mục tiêu đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ở trường sư phạm hướng tới việc có sản phẩm đầu ra thích ứng với nhu cầu thị trường, nghĩa là phải đào tạo đội ngũ giáo viên có thể dạy được và dạy tốt chương trình và sách giáo khoa mới ở các trường phổ thông. Về phía giáo sinh, cũng phải tăng cường tính độc lập, sáng tạo trong suy nghĩ, trong cách tiếp thu và xử lý bài giảng của thầy cô giáo. Đối với việc triển khai và tổ chức thực hiện chuyện đổi mới phương pháp, giáo viên luôn tạo điều kiện cho người học chủ động lĩnh hội kiến thức thông qua nhiều hình thức gợi mở từ việc nêu vấn đề cho đến cách thức thảo luận để nắm bắt nội dung rồi tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng nhất. Vượt qua những bỡ ngỡ lúc ban đầu, một khi tạm thích ứng tương đối nhuần nhuyễn với phương pháp mới, cách học này sẽ giúp giáo sinh thêm năng động, tự tin và hào hứng hơn trong việc học hành.
Với nỗ lực đầu tư những trang thiết bị tối thiểu đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng cho việc giảng dạy của giảng viên, việc học tập của giáo sinh, chủ trương đổi mới phương pháp dạy học đã và đang trở thành hiện thực ở trường CĐSP Vĩnh Long. Có thể nói, trước mắt, thầy trò nhà trường còn nhiều việc phải làm, đây cũng là những cơ hội to lớn đi liền với những thách thức không nhỏ trong quá trình vươn lên tự khẳng định mình. Song, với bề dày truyền thống gần ba mươi lăm năm đào tạo các thế hệ giáo sinh được xã hội đánh giá cao, trường CĐSP Vĩnh Long có điều kiện không ngừng phát triển, vững bước đi lên, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.
An Khánh