Vĩnh Long là tỉnh có diện tích bưởi 5 roi lớn nhất ở ĐBSCL. Loại trái cây đặc sản này từng được xây dựng thương hiệu, chứng nhận Global Gap vào năm 2008. Tuy nhiên, việc duy trì vùng sản xuất theo tiêu chuẩn này đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Chính điều này đã làm cho sản lượng xuất khẩu loại trái cây đặc sản này ngày một ít đi và tiếng tăm của nó có nguy cơ mai một.
Bưởi Năm Roi là đặc sản trái cây nổi tiếng của huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long |
Hiện nay, giá bưởi Năm Roi trên thị trường còn giữ mức khá cao. Thương lái vào tận vườn để tìm mua bưởi xuất khẩu nhưng số lượng mua được không nhiều.
Nếu như thị trường nội địa hiện chuộng bưởi da xanh thì bưởi Năm Roi được thị trường thế giới ưa chuộng hơn. Xét về giá, cho dù bưởi da xanh đắt gấp 2 lần bưởi Năm Roi nhưng theo các nhà vườn, bưởi Năm Roi vẫn có hiệu quả về kinh tế do sản lượng cao gấp đôi bưởi da xanh. Hiện nay, giá thu mua mỗi kg bưởi Năm Roi tiêu chuẩn xuất khẩu tại vườn từ 11.500 – 12.500 đồng.
Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là vùng nguyên liệu 23,5 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap hồi năm 2008 hiện đã hết hạn. Đến nay, sau một năm, các HTX bưởi Năm Roi vẫn chưa tìm được chi phí để thuê tư vấn và làm thủ tục tái cấp giấy chứng nhận này.
Ở HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, từ đầu năm đến nay, đơn vị này chỉ xuất được 2 container, trong khi năm trước xuất được 10 container. Có thể thấy, sản lượng xuất khẩu bưởi Năm Roi của HTX này mỗi năm một giảm. Nếu như năm 2009 xuất được 600 tấn thì năm 2010 vừa qua xuất chỉ 180 tấn, còn nửa đầu năm 2011 chỉ xuất 36 tấn. Trong khi đó, để tự cứu mình, năm qua, DNTN chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia đã đầu tư vùng nguyên liệu Global Gap với diện tích 18 ha, được cấp giấy chứng nhận vào tháng 9/2010. Dự kiến đến tháng 9 năm nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư vốn và đề nghị tái cấp chứng nhận trên diện tích 32 ha bưởi Năm Roi thuộc xã Đông Thành.
Bình Minh hiện có 3.400 ha bưởi Năm Roi, sản lượng bình quân hàng năm ước đạt 30.000 tấn. Tính chung cả tỉnh Vĩnh Long, diện tích bưởi đến 4.500 ha, chiếm 46% diện tích bưởi cả nước và chiếm đến 54% sản lượng. Như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định, đây là một cây trồng đặc sản có thế mạnh đặc thù của Bình Minh nói riêng và Vĩnh Long nói chung. Do vậy, cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu và qui hoạch phát triển bưởi Năm Roi lâu dài. Trong đó vai trò quan trọng là của nhà nước và doanh nghiệp.
Để đưa trái bưởi Năm Roi đi xa hơn thì phải cần sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân. Khi đó, người nông dân hoàn toàn yên tâm về giá với đầu ra ổn định, doanh nghiệp mở rộng được thị trường còn địa phương duy trì và phát triển được loại trái cây đặc sản của mình.
Quốc Dũng – Kim Phụng