Tuy sự hợp tác cùng nhau làm giàu hiện nay đã trở nên phổ biến, nhưng những kinh nghiệm được rút ra từ chuyện hợp tác làm ăn vẫn có nhiều điều đáng suy nghĩ… Câu chuyện hợp tác làm ruộng của anh em họ Trần – Lai ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đem đến cho người nghe nhiều điều thú vị
Người dân ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng từ lâu đã không còn xa lạ gì với tên tuổi anh em nhà họ Trần và họ Lai nữa. Người ta biết đến 6 anh em họ Trần – Lai không chỉ vì giờ đây họ trở nên giàu có mà còn bởi nhiều chuyện “ly kỳ” khác nữa trong gia đình này.
Thời kỳ trước giải phóng, anh em họ còn nhỏ, sống cùng cha mẹ. Đến sau này, anh em lập gia đình riêng, cha mẹ chia đất cho từng người. Gia đình có đến 6 anh em nhưng cha mẹ chỉ có hơn chục công đất, mỗi người được chia chỉ 2 công. Phải nói thêm rằng, đất đai ở đây, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa nhờ “nước trời” nên gia đình của họ khó tránh khỏi cái nghèo. Vậy là 6 anh em, mà đứng đầu là ông Trần Nhanh họp bàn, quyết định là phải hùn đất lại với nhau, cùng gia tăng sản xuất. Những năm đầu sau giải phóng, trồng lúa không đủ ăn, anh em ông xúm nhau trồng hoa màu. Vậy là sau một thời gian, gia đình có dư chút ít. Đến năm 1986, anh em của ông một lần nữa tiếp tục hùn vốn lại mở một nhà máy xay xát tại địa phương phục vụ bà con và xay gạo hàng xáo.
Nhờ xác định đúng tình hình thị trường nên anh em ông Trần Nhanh làm ăn có dư. Tích lũy được bao nhiêu, các anh em đều dành dụm mua thêm đất ruộng. Có khi các ông phải mua đất ở những vùng mới khai phá, dù đất ấy rất khó canh tác nhưng bù lại giá rất rẻ, mua được nhiều đất hơn. Chính vì vậy, không bao lâu, cả 6 anh em của ông, mỗi người đều có hàng chục ha đất trồng lúa. Thông thường, người ta nói anh em ruột thịt thì chuyện gì cũng dễ, hễ có thêm dâu, rễ trong nhà thì sẽ khó bàn tính hơn. Vậy mà tất cả 6 anh em của ông Trần Nhanh và người em rễ Lai Thol đều hợp tác rất tốt, họ không một chút so đo mặc dù có người nhiều đất đai hơn, nhiều của cải hơn…
6 anh em ông Trần Nhanh còn được nhiều người dân ở đây xem như những người đi đầu trong việc ứng dụng KHKT vào đồng ruộng. Họ thường đến nhà các ông để học tập kinh nghiệm trồng lúa. Cụ thể là việc mang giống lúa ST5 về ấp Trà Ông. ST5 là giống lúa được lai tạo để phục vụ cho những cánh đồng bị nhiễm phèn mặn như vùng đất Viên Bình. Tuy nhiên, những năm đầu chuyển giao giống về cho nông dân, các nhà khoa học cũng như ngành chức năng gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ những hạt nhân nòng cốt như gia đình của ông Trần Nhanh, dần dần giống lúa này trở nên phổ biến ở địa phương. Hiện nay, đã có gần 60% diện tích trồng lúa của xã bà con sạ giống ST5, riêng tại ấp Trà Ông con số này lên đến 90%.
Giờ đây, có rất nhiều bà con nghèo ở Viên Bình ngày xưa đã thoát được nghèo, vươn lên cuộc sống khấm khá, nhà cửa khang trang mọc lên càng nhiều hơn. Nhiều thửa ruộng trúng mùa, xanh tốt ngút ngàn tầm mắt, khiến cho nhiều người khó tin được nơi đây vốn dĩ là một địa phương hoang sơ, hẻo lánh và nghèo khó. Vụ Hè Thu vừa qua, những bà con sạ giống ST5 lại được một mùa trúng giá. Sau khi thu hoạch, thương lái mua tại ruộng lúa tươi với giá trên 5.000 đồng/kg, lúa đã phơi khô giá khoảng 5.600 đến 6.000 đồng/kg. Vì vậy, với năng suất 900 kg đến 1 tấn/công thì việc bà con thu lãi từ 1.800.000 – đến 2.500.000 đồng/công là chuyện không còn hiếm thấy ở đây nữa. Riêng với gia đình anh em ông Trần Nhanh, mỗi người có đến hàng chục ha, mỗi vụ thu lãi đến vài trăm triệu đồng.
Qua câu chuyện hợp tác làm giàu của 6 anh em họ Trần – Lai, có nhiều người nghĩ rằng, mình cũng có anh em, cũng có những người thân, cũng có điều kiện hợp tác sản xuất, nhưng hình như mình còn thiếu cái gì đó khiến cho sự hợp tác không thực hiện được hoặc không đi đến đích. Một câu chuyện tuy nhỏ nhưng bài học thì không nhỏ chút nào. Đó là bài học về sự đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Để có được sự đoàn kết tốt như vậy, mỗi cá nhân trong gia đình phải dẹp bỏ sự ích kỷ cục bộ của mình, biết nhìn vào lợi ích lâu dài chứ không nhìn vào lợi ích trước mắt. Vì vậy, gia đình của ông Trần Nhanh giờ đây được các ngành các cấp địa phương xem như tấm gương điển hình cần nhân rộng.
Thúy Hằng