Xã Long Hòa nằm ở cuối cù lao, nơi mà dòng sông Cổ Chiên sắp kết thúc nhiệm vụ của mình, hòa mình vào biển lớn. Nơi đây, hàng chục năm nay đã mọc lên hàng trăm hecta rừng bần, tạo nên một vùng thái ổn định hàng đầu ĐBSCL hiện nay. Điều đáng quan tâm là hàng trăm hecta rừng bần không phải tự nhiên có, mà do chính những người dân sống trên đất này trồng thành rừng từ nhiều năm trước.
Theo những thông tin có được từ cuộc Hội thảo Quốc tế về “Chống biến đổi khí hậu” do Ủy ban sông Mê Kông Quốc tế (MRC) tổ chức tại tỉnh Kiên Giang tháng 9, măm 2010 vừa qua, chúng tôi tìm đến những người đã làm nên kỳ tích, khiến cho các nhà khoa học đặc biệt quan tâm về những thành công của họ trong việc trồng rừng, bảo vệ được vùng sinh thái bền vững trước tác động của thiên nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Từ bến đò Bãi Vàng, chúng tôi theo chiếc phà lớn qua cù lao Long Hòa – Hòa Minh. Gọi tên dài như vậy vì cù lao này có 2 xã là xã Long Hòa và xã Hòa Minh, nằm cuối dòng Cổ Chiên, tiếp giáp với cửa biển nên đất thường xuyên bị nhiễm mặn, nhất là vào mùa hạn.
Theo con đường nhỏ, nhưng đã được tráng nhựa từ nhiều năm trước, chúng tôi tìm đến “Xóm Đùi” – theo cách gọi dân gian, “Đùi” nghĩa là phía đuôi cù lao, nơi “đầu sóng, ngọn gió” của cù lao này và cũng là nơi khó sinh sống nhất trên đất cù lao. Khó sinh sống là vì khoảng chuc năm về trước, nhiều gia đình nông dân nơi đây phải bỏ đi dần vì mất đất. Mỗi năm, cứ vào mùa gió chướng, sóng biển tràn vào và lấy đi một ít đất của họ. Đều đặn như vậy, không lâu sau, cả một dãy đất phù sa khá lớn phía đuôi cồn mất hẳn. Còn lại Bãi Ngang, bà con cố gắng đắp đê ngăn mặn để sản xuất lúa hoặc chăn nuôi nhưng cũng không giữ đất được trước sự tấn công ngày càng mạnh hơn của thiên nhiên… Chủ trương trồng rừng giữ đất của địa phương đưa ra được người dân hưởng ứng và tích cực tham gia trồng rừng.
Mọi chuyện thường không đơn giản như vậy, chủ trương đưa ra được dân ủng hộ, nhưng các nhà khoa học lại thiếu kinh nghiệm nên hướng dẫn dân trồng lại quá xa bãi Ngang, không có gì chắn sóng, chỉ vài mùa sau là những cơn sóng dữ cũng cuốn đi tất cả rừng trồng. Cây nào mạnh khỏe, bám đất được nhiều nhất cũng chỉ vài ba năm… Nhiều gia đình nông dân ở Bãi Ngang không chịu thất bại, họ đã âm thầm trồng lại rừng theo cách họ nghĩ ra, gọi là “Mô hình mái nhà” – nghĩa là trồng dần từ bờ đất còn lại theo từng năm. Hết lớp cây này đến lớp cây khác, lớp cũ đến lớp mới, cây cao đến cây thấp… Lớp cây nhỏ nương cây lớn mà sống, lấn dần ra biển…Vì vậy mà các lứa cây lớn dần có hình từ cao xuống thấp như mái nhà. Suy nghĩ thự tế và đơn giản, thực hiện cũng đơn giản, nhưng người dân lại thành công. Rễ bần cứ mạnh mẽ vươn ra phía biển và bắt đầu giữ lại phù sa sau mỗi mùa. 8 năm trôi qua, đất đã tiến dần ra biển được gần 3 km… Chuyện cứ như trong mơ. Hơn thế nữa, nguồn lợi do thiên nhiên đem lại cũng thật bất ngờ.
Đời sống của người dân vùng rừng sẽ thật sự bền vững nếu bà con luôn quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên, sản vật từ biển mang lại |
Chúng tôi đến thăm cánh rừng bần của gia đình chị Năm Chiến trồng cách đây 8 năm. Cây bần đã giữ lại đất phù sa, không còn lở theo mùa gió chướng như những năm trước. Chị Năm Chiến cũng tham gia vào tổ trồng rừng và giữ vai trò là tổ trưởng Tổ trồng rừng Khu 3… Chị đang đưa chúng tôi đi dưới cánh rừng chị đã trổng nhiều năm trước. Rừng đã vươn ra biển đến vài km, tạo thành một bãi đẻ cho rất nhiều loài sinh vật biển, trong đó có cả những loài cá đã từng biến mất ở vùng này… Chị kể, những năm trước, bà con phải đánh vật với biển… Khi cây bần chịu sống được và tiến dần ra biển đến giờ thì Bãi Ngang lại trở thành “bãi đẻ’ của vố số loài tôm cá… Nhất là cua, nhiều vô số kể, đến mùa nhiều gia đình đi bắt cua con bán cho các vuông nuôi cũng có nhiều tiền… Có loài cá như cá vượt mất lâu lắm rồi, mới mùa rồi có lại…trúng một con hơn một triệu đồng…”
Từ Bãi Ngang nhìn ra biển, hai hàng rừng bần thẳng tắp, ngay hàng thẳng lối như rừng cao su, các nhà khoa học đi khảo sát rồi rồi công nhận rằng, đây chính là khu vực thành công với mô hình chống xâm nhập mặn bền vững. Bởi sự hình thành của những tán rừng bần này đã tạo nên một vùng sinh thái ổn định. Nhiều loài sinh vật biển đã quay trở lại chọn Bãi Ngang làm nơi sinh sản đã chứng minh điều đó… Theo anh nông dân vào thăm vạt rừng anh trồng hơn 3 năm tuổi, dưới chân chúng tôi chính là một phần bờ đê còn lại, nơi biển tiến vào rồi lấy đi đất đai, ruộng lúa của bà con. Còn bây giờ, rừng bần bần đã vươn cao chắn sóng, rể tua tủa đang đẩy biển lùi xa dần… Anh rất mừng vì cuộc sống gia đình giờ đã không còn bị biển đe dọa. Đến thăm ao nuôi cá kèo của gia đình anh, chúng tôi được biết, năm trước, anh tìm hiểu và biết được môi trường nước ở đây hợp với loài cá này nên mua con giống về thả, không ngờ sau một mùa nuôi, hiệu quả rất cao.
Anh Trần Văn Quỳ – một nông dân trên cù lao – thấy có khách đến thăm, anh mang chài ra vuông kiếm cá đối đã khách, vì mùa trước rất nhiều cá vào vuông, anh nuôi để dành. Những năm trước, vợ chồng anh Quỳ cũng đã dự tính bỏ đi nơi khác làm ăn vì đất và người ở đây không chịu nổi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Vậy mà, nhờ mấy năm kiên nhẫn học lẫn nhau cách trồng rừng, bây giờ anh đã thấy được tác dụng của rừng…
Hiệu quả do rừng đem lại đã thấy rõ, đê bao được đắp lại vững vàng, hàng trăm hecta ruộng của bà con trên đất cù lao đã ung dung sản xuất đều đặn mỗi năm hai vụ : nuôi và trồng. Hầu hết bà con nông dân ở đây đều nuôi thủy sản và trồng lúa trong cùng một vuông ruộng. Vuông ruộng, nghĩa là ruộng được bao đê thành vuông để chống ngập mặn vào mùa khô, rồi giữ nước ngọt để trồng một vụ lúa. Thu hoạch lúa xong, đến mùa sông bị xâm nhập mặn, bà con mở các cống ngăn cho tôm cá tự nhiên theo vào. Hết mùa, xổ vuông bán tôm cá rồi chuẩn bị trồng lúa… Cứ như vậy đều đặn hàng năm, thu nhập rất ổn định, ai cũng mừng…
Bí thư xã cho chúng tôi biết, cuộc sống của nhân dân ở Bãi Ngang bây giờ bền vững là nhờ rừng, họ quyết tâm bảo vệ rừng, bảo vệ thành quả của chính mình. Đặc biệt, Bãi Ngang còn là nơi nuôi được nghêu giống từ nhiều năm nay nên xã đã chính thức thành lập HTX nghêu Tiến Thành, có gần 400 xã viên, trong đó có 70% thuộc diện hộ nghèo. HTX vận động bà con tham gia bảo vệ rừng, vừa phát triển nguồn lợi thủy sản, vừa được hưởng lợi tức từ nguồn thu họach nghêu hàng năm…
Công sức và sự sáng tạo của người dân nơi đây thật đáng quý. Đời sống của họ sẽ thật sự bền vững với môi trường đa dạng sinh học dưới những tán rừng bần nếu bà con luôn quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên, sản vật từ biển mang lại… Đó cũng là cách bảo vệ thành quả của chính mình và bảo vệ cuộc sống bền vững của các thế hệ mai sau…
Quách Nhị