Dịch vụ thăm đồng phun thuốc được xem là loại hình khá mới mẻ trong sản xuất lúa hiện nay. Tuy nhiên, dịch vụ này đã xuất hiện cách nay 6 năm tại xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

 

Mỗi khi nhận được lời mời thuê phun thuốc, tùy vào diện tích ít hay nhiều, khoảng cách quãng đường gần hay xa mà các thành viên trong Tổ hợp tác này lập thành từng đội để giải quyết cho nhanh công việc. Thông thường chỉ trong một buổi là công việc của tổ đã xong. Công việc chính của Tổ hiện nay là Phun thuốc thuê trong đó có kèm theo dịch vụ Thăm đồng – tư vấn miễn phí nếu bà con có yêu cầu. Đây là tổ hợp tác ở ấp 4 xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, do anh Phạm Hồng Thanh làm Tổ trưởng và anh Võ Văn sang làm tổ phó. 

Ra đời ngày 19/01/2006, đúng vào năm dịch rầy nâu bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá bùng phát dữ dội. Anh Thanh kể lại, do ruộng nhà của anh xa nơi ở, mỗi khi đi phun thuốc phải chuẩn bị nhiều dụng cụ nên có người tưởng rằng anh đi phun thuốc mướn và mời anh phun để trả công. Từ tình huống đó, anh mới nảy sinh ý tưởng cùng với vài anh em khác thành lập tổ hợp tác dịch vụ phun thuốc mướn. Và Tổ hợp tác phun thuốc ấp 4 ra đời.

 

Do các anh trong tổ đa số là trẻ tuổi, có nhiều kinh nghiệm với nghề ruộng lại được tiếp thu nhiều về kiến thức trồng lúa nên việc phun thuốc được chủ ruộng hài lòng. Tiếng vang của Tổ ngày càng xa, có khi các anh phải đến các xã khác, huyện khác để cung cấp dịch vụ này. các anh cho biết, trong năm, Tổ chỉ ngơi nghỉ vào 2 tháng nước nổi thôi, những tháng còn lại, hầu như ngày nào cũng có việc cho các anh làm. Thu nhập trung bình mỗi ngày từ 140 đến 160 ngàn đồng.

Làm được việc, công việc ngày càng nhiều, nguồn thu nhập cũng khá, theo đó mà số thành viên cũng tăng theo, đến nay đã có trên 12 thành viên trong tổ và hầu hết là những người trẻ tuổi.

Riêng đối với những chủ ruộng, từ khi có dịch vụ này, bà con cũng lấy làm phấn khởi bởi với những hộ tuổi đã cao, nhà ít lao động mà ruông lại nhiều  hoặc kiến thức trồng lúa bị hạn chế thì Tổ phun thuốc này cũng giúp ích được cho họ.

Về phần mình, ngoài việc tìm ra biện pháp tốt để điều hành công việc của tổ sao cho công bằng, tạo thu nhập ổn định thì trong thời gian tới, Tổ còn tổ chức chuyển giao kiến thức cho anh em để các thành viên ai cũng có khả năng thăm đồng và tư vấn tốt.

 

Hiện nay, việc làm và thu nhập của tổ luôn ổn định, những thành viên trong tổ đều có nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể, cải thiện kinh tế gia đình. Chẳng hạn, hộ của anh Phạm Hoài Hận, vợ chồng anh ra riêng chỉ với 4 công ruộng, thu nhập không nhiều. Nhưng từ khi vào tổ phun thuốc đến nay, gia đình anh mỗi tháng đều có dư vài triệu đồng. Nhờ làm việc nghiêm túc, Tổ hợp tác tạo được uy tín với bà con sử dụng dịch vụ của mình, ngày càng mở rộng địa bàn phục vụ, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn, và vì vậy, được đánh giá là một trong các Tổ hợp tác nông nghiệp làm ăn hiệu quả nhất của địa phương.

Nhìn lại các khâu trong nghề trồng lúa, dường như chỉ còn lại ít khâu như gieo sạ và thăm đồng phun thuốc là chưa có dịch vụ rộng rãi. Còn các khâu khác như xới đất, thu hoạch, phơi sấy,… đều đã có dịch vụ chuyên môn. Vì vậy mà sự ra đời của dịch vụ này tại Vĩnh Trung được xem là điểm mới trong nghề trồng lúa hiện nay. Và nếu như mô hình này được nhân rộng, chắc rằng nghề trồng lúa sẽ dần được chuyên mô hóa sâu hơn.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *